Thứ Năm, 15/11/2012 13:30

Chiêu lách luật của kiểm toán

Báo cáo tài chính (BCTC) đã kiểm toán, nhưng trong nhiều trường hợp, vẫn không phản ánh đúng bản chất tài sản, thực trạng tài chính của DN.

Tình trạng bắt tay giữa kiểm toán và DN để đưa ra một BCTC như ý muốn là điều đã tồn tại, tuy nhiên, bắt lỗi kiểm toán lại không dễ dàng.

Lách luật vì luật… hở

Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo UBCK cho biết, các DN hiện đang hạch toán trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư OTC rất... lung tung. Lý do quan trọng là, không có quy định chuẩn mực nào bắt buộc các DN phải trích lập dự phòng đầu tư chứng khoán OTC, chưa kể cơ sở để xác định giá trích lập dự phòng cũng rất lỏng lẻo.

Trước hết là mức giá giao dịch làm căn cứ trích lập. Thanh khoản thị trường èo uột, nhiều mã chứng khoán hầu như không có giao dịch. Vì thế, giá dùng để tính trích lập dự phòng mà các CTCK đang áp dụng là bình quân báo giá của 3 CTCK, một căn cứ rất... linh hoạt, do tình trạng CTCK trao đổi báo giá cho nhau khá phổ biến. Căn cứ báo giá đã lung tung, mức độ trích lập của các DN lại càng... tùy hứng hơn, vì căn cứ pháp lý hướng dẫn việc hạch toán chưa đầy đủ. Có DN thì trích lập đầy đủ, có DN lại không trích lập. Có DN thận trọng quá nên thậm chí trích lập dự phòng giảm giá khoản đầu tư OTC lên tới 80% mức giá báo giao dịch trên thị trường.

Trong các trường hợp trên, kiểm toán nếu đủ kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp có thể sẽ yêu cầu DN trích lập dự phòng giảm giá đầu tư phù hợp, sát với khả năng thu hồi vốn hơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, vì các lý do khác nhau, kiểm toán vẫn để mặc cho DN trích lập dự phòng theo ý muốn, bất kể việc hạch toán như vậy có thể dẫn đến thay đổi trọng yếu kết quả kinh doanh trong kỳ. Nhưng, bắt lỗi kiểm toán trong trường hợp này không đơn giản, vì quy định không rõ ràng.

Lãnh đạo UBCK nói trên cho hay, có CTCK vẫn hạch toán khoản đầu tư OTC vào một DN ngành xi măng (mà theo BCTC năm 2011, công ty này đã lỗ gần hết vốn chủ) ở mức giá... 40.000 đồng/cổ phiếu từ 3 năm nay. Khoản đầu tư này chiếm tới 10% vốn điều lệ của CTCK, khoảng 35% vốn chủ sở hữu theo BCTC năm 2011. Như vậy, nếu thận trọng, tức là coi như khoản đầu tư kia bằng 0 thì vốn chủ sở hữu của CTCK này đã bị sụt giảm rất nghiêm trọng. Thế nhưng, trong BCTC năm 2011 của CTCK này, kiểm toán vẫn không có lưu ý gì cho các cổ đông.

Ngoài trích lập dự phòng, các khoản phải thu của nhiều DN, đặc biệt là khối CTCK, cũng được kiểm toán lờ đi, mà nguyên nhân chính xuất phát từ đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề kiểm toán và bất cập của chế độ kế toán hiện hành.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, có những DN có khoản phải thu lên tới cả nghìn tỷ đồng, trong đó, không ít khoản được DN cho khách hàng đảo hạn mấy năm liền. Vì liên tục được đảo hạn, DN vẫn hạch toán các khoản phải thu này là nợ trong hạn, không phải trích lập dự phòng. Kiểm toán hoàn toàn có thể phát hiện ra tình trạng này, nhưng vẫn lờ đi cho DN. Một vài trường hợp khác, các khoản nợ đã bị rơi vào tình trạng quá hạn, nhưng DN không trích lập vì ban giám đốc ký cam kết chắc chắn thu hồi được.

Chọn mẫu kiểm toán theo... ý đồ

Cũng liên quan đến các khoản phải thu, phải trả, chọn mẫu theo ý đồ cũng là một cách để kiểm toán thu được kết quả khảo sát nợ… đẹp. Nếu cố tình lựa chọn mẫu đẹp thì kết quả kiểm toán dù sai lệch với thực trạng tài chính cũng rất khó để quy tội cho kiểm toán.

Trên thực tế, đối với các khoản phải thu của DN, nhất là các DN có nhiều khoản phải thu, thì áp dụng phương pháp chọn mẫu trong quá trình kiểm toán là cách mà các kiểm toán viên thường sử dụng để đánh giá khả năng thu hồi nợ.

Thông thường, tiêu chí chọn mẫu phải được đưa ra ngay từ đầu, đảm bảo khách quan, có tính đại diện... để tăng mức độ xác thực. Tuy nhiên, đó là về lý thuyết. Để có được các con số “đẹp”, tránh tình trạng phải lập dự phòng lớn cho các khoản phải thu, phải trả, đã có tình trạng kiểm toán bắt tay với DN để chọn mẫu không điển hình. Kết quả sai lệch, nhưng để chứng minh có sự can thiệp mẫu kiểm toán là không dễ.

Sẽ có quy định về các loại vi phạm, mức xử phạt với kiểm toán

Ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề (VACPA)

Tôi cho là tình trạng kiểm toán bắt tay với DN để đưa ra BCTC đẹp là có thể xảy ra, nhưng bắt lỗi kiểm toán là việc không dễ dàng. Có nhiều lý do, trong đó có lỗi từ phía DN (quan điểm hạch toán tài sản của ban giám đốc), đến cơ chế chính sách hạch toán kế toán trong một số trường hợp chưa bao trùm hết hoặc khiến DN có thể linh hoạt lựa chọn các hình thức hạch toán khác nhau có lợi cho họ.

Về chế tài xử phạt, hiện chỉ có Nghị định 105/2004/NĐ-CP về kiểm toán độc lập có quy định chế tài đối với công ty kiểm toán nếu thông đồng, móc nối với đơn vị được kiểm toán để làm sai lệch BCTC kiểm toán. Tuy nhiên, như thế nào là thông đồng, làm thế nào để chứng minh sự thông đồng này và xử phạt như thế nào thì lại chưa được quy định chi tiết. Vì thế, xử phạt công ty kiểm toán vi phạm sẽ rất khó.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định và Thông tư hướng dẫn Nghị định xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán, với các quy định chi tiết về các loại vi phạm, mức xử phạt. Tôi cho rằng, đến khi đó, việc quy trách nhiệm cho kiểm toán sẽ được thực hiện gắt gao hơn.

Tuy nhiên, cơ chế thị trường cũng là một cách để buộc kiểm toán phải làm tốt hơn trách nhiệm của mình. Nếu kiểm toán không chắc tay thì tự họ sẽ bị đào thải vì các DN khác sẽ không thuê họ kiểm toán sau này nữa.


Uyên Phạm

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng (15/11/2012)

>   Dấu hỏi về nghiệp vụ repo của công ty chứng khoán (15/11/2012)

>   15/11: Bản tin 20 giờ qua (15/11/2012)

>   Quản lý quỹ Hữu Nghị bị kiểm soát đặc biệt trong 6 tháng (14/11/2012)

>   Soi danh mục đầu tư của Mekong Capital trong quý 3/2012 (14/11/2012)

>   Đầu tư Nhơn Trạch bị phạt vì chậm đăng ký công ty đại chúng (14/11/2012)

>   TTCK: Lý giải tình trạng vi phạm công bố thông tin tràn lan dưới góc độ pháp lý (14/11/2012)

>   UBCKNN lấy ý kiến về dự thảo Quy chế quản trị rủi ro trong CTCK (14/11/2012)

>   Che giấu thông tin: Bệnh tưởng bở (14/11/2012)

>   SBS: Đính chính thông tin giảm sàn 10 phiên (14/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật