Thứ Tư, 14/11/2012 17:08

TTCK: Lý giải tình trạng vi phạm công bố thông tin tràn lan dưới góc độ pháp lý

Dưới góc độ pháp lý, tình trạng vi phạm công bố thông tin phát sinh phần lớn do ba yếu tố: (1) quy định pháp luật; (2) cơ quan quản lý; (3) nhà đầu tư.

Hiện nay, dù Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tỏ ra khá cương quyết và mạnh tay trong việc xử lý nhưng các vụ việc vi phạm công bố thông tin vẫn diễn ra tràn lan theo chiều hướng ngày càng nhiều hơn và lớn hơn. Việc vi phạm công bố thông tin được ghi nhận thường phát sinh từ các chủ thể sau: công ty đại chúng; công ty chứng khoán và cá nhân có liên quan.

Dưới góc độ pháp lý, tình trạng vi phạm công bố thông tin nói trên phát sinh phần lớn do ba yếu tố: (1) quy định pháp luật; (2) cơ quan quản lý; (3) nhà đầu tư.

Quy định pháp luật không phù hợp với nền kinh tế thị trường

Hiến pháp nước ta ghi nhận “chính sách phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế vẫn được soạn thảo theo một khuôn mẫu cố định với tư duy hành chính cứng nhắc, phi thực tiễn.

Đơn cử Điều 23 “Vi phạm quy định về giao dịch của cổ đông sáng lập, cổ đông nội bộ, cổ đông lớn, người được ủy quyền công bố thông tin, giao dịch chứng chỉ quỹ của các đối tượng có liên quan” của Nghị định 85/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, một điều khoản thường được áp dụng xử phạt. Điều này quy định các khoản 1, 2, 3 có cùng mức phạt là 30 đến 50 triệu; khoản 4 là 50 đến 70 triệu. Mức phạt nói trên được áp dụng cho mọi đối tượng và không phân biệt mức độ vi phạm.

Điều bất hợp lý dễ nhận thấy. Một cá nhân, cổ đông nội bộ, vi phạm khoản 2 Điều 23 nói trên, không báo cáo kịp thời giao dịch vài ngàn cổ phiếu với tổng trị giá chưa đến 30 triệu sẽ bị xử phạt thấp nhất 30 triệu. Ngược lại, một tố chức, cũng vi phạm khoản 2 như trên, không báo cáo giao dịch vài trăm tỷ, chuyển nhượng hàng triệu cổ phiếu, ảnh hưởng khuynh đảo thị trường vẫn chỉ bị xử phạt mức tối đa 50 triệu.

Quy định xử phạt bất hợp lý, không phù hợp với tính kinh tế thị trường như trên không chỉ không có sức răn đe đối tượng vi phạm mà còn góp phần làm cho quy mô vi phạm ngày càng lớn hơn.

Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán chưa làm tròn trách nhiệm quản lý, phòng ngừa vi phạm

Điều 8 Luật Chứng khoán 2006 quy định UBCKNN có trách nhiệm trực tiếp quản lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Điểm c), d) khoản 1 của Điều 8 nói trên quy định UBCKNN có quyền:

"c) Thanh tra, giám sát, xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán;

d) Thực hiện thống kê, dự báo về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; …

Thế nhưng trong thời gian qua, UBCKNN dường như chỉ chú trọng xử phạt và chưa thật sự quan tâm đến trách nhiệm thanh tra, giám sát nhằm phòng chống vi phạm.

Minh chứng cho điều này là một trường hợp thường gặp sau đây. Nhiều công ty liên tục và trong thời gian dài vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin nhưng UBCKNN chỉ nhắc nhở rồi xử phạt ngoài ra không có động thái gì khác.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngay khi phát hiện, UBCKNN cần nhanh chóng thành lập đoàn thanh tra hoạt động của doanh nghiệp thường xuyên vi phạm. Những thông tin xấu bị che dấu, những khó khăn tồn tại của doanh nghiệp vi phạm phải được làm rõ và thông tin kịp thời để đảm bảo sự ổn định của thị trường chứng khoán.

Quản trị là tiên liệu, là cơ quan quản lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán, UBCKNN không thể không chịu một phần trách nhiệm đối với tình trạng vi phạm công bố thông tin tràn lan như hiện nay.

Nhà đầu tư không mạnh dạn thực thi quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định pháp luật

Điều 133 Luật Chứng khoán quy định nhà đầu tư cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện các vi phạm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Trong các trường hợp vi phạm trên cũng như các trường hợp bất thường khác như “khất nợ cổ tức”, “lùi ngày tổ chức đại hội cổ đông” v.v, các nhà đầu tư mua bán, nắm giữ những mã cổ phiếu này có quyền khiếu nại đến UBCKNN yêu cầu có biện pháp thanh tra, giám sát những doanh nghiệp này nhằm bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ trước các cổ đông lớn (Hội đồng quản trị).

Thực tế rất ít khi các nhà đầu tư thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện một phần do quy định pháp luật không rõ ràng về khởi kiện, chứng minh, chứng cứ nhưng phần lớn do nhà đầu tư ngại đụng chạm, mất thì giờ.

Tuy nhiên nếu những nhà đầu tư bị thiệt hại cương quyết và đồng tâm thực thi quyền luật định khiếu kiện, chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm, chú ý của công luận và các cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển, thu hút được dòng tiền của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, yếu tố minh bạch thông tin cần được thực thi và đảm bảo một cách nghiêm minh và có trách nhiệm bởi các chủ thế có liên quan.

Luật sư Quách Tú Mẫn - Công ty Luật hợp danh Danh và cộng sự (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   UBCKNN lấy ý kiến về dự thảo Quy chế quản trị rủi ro trong CTCK (14/11/2012)

>   Che giấu thông tin: Bệnh tưởng bở (14/11/2012)

>   SBS: Đính chính thông tin giảm sàn 10 phiên (14/11/2012)

>   Cám cảnh nghề môi giới chứng khoán (14/11/2012)

>   VPBS tiếp tục giảm phí cho vay Margin cho Nhà đầu tư (14/11/2012)

>   14/11: Bản tin 20 giờ qua (14/11/2012)

>   Quỹ đầu tư đầu tiên tại Việt Nam đóng quỹ? (13/11/2012)

>   Bảo vệ nhà đầu tư, 3 công cụ bị bỏ quên (13/11/2012)

>   CSM: Bị nhắc nhở vì chậm công bố thông tin (13/11/2012)

>   Cổ phiếu tín hiệu và dẫn dắt thị trường? (13/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật