Quỹ đầu tư đầu tiên tại Việt Nam đóng quỹ?
Trong khi các quỹ đầu tư nước ngoài vì nhiều lý do “bất đắc dĩ” buộc phải gia hạn thêm thời gian hoạt động thì một quỹ trong nước sẽ chính thức đóng quỹ, kết thúc vòng đời 5 năm của mình vào ngày 14/11?
Một vị lãnh đạo của Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), đơn vị quản lý của Quỹ Tầm nhìn SSI (SSIVF) đã từng xác nhận trên báo chí. Nếu diễn ra thì đây là trường hợp đóng quỹ đầu tiên ở Việt Nam.
Có thể thấy, trong khoảng nửa năm trở lại đây trước ngày hết hạn quỹ vào 14/11/2012, SSIVF đã lần lượt thông báo thoái hết các mã cổ phiếu trong danh mục như VHL, APC, TMS, LAF, ABT, GIL và NSC.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường ảm đạm, thanh khoản lẫn giá cổ phiếu liên tục đi xuống thì việc thanh lý danh mục với hàng chục triệu cổ phiếu là điều hoàn toàn không dễ. Do vậy mà cho đến sát ngày đóng quỹ, danh mục của SSIVF vẫn còn rất nhiều cổ phiếu chưa thể thanh lý.
Cụ thể, theo thông báo mới đây nhất, SSIVF còn nắm giữ 694,640 cổ phiếu LAF, tương ứng tỷ lệ 4.72%. Đây được xem là khoản đầu tư thua lỗ nặng nhất của SSIVF khi LAF liên tục giảm giá trong khoảng một năm trở lại đây do tình trạng kinh doanh lỗ. Tương tự, SSIVF cũng còn đến 865,900 cổ phiếu VHL, ứng với 9.62% vốn lưu hành và nhiều mã khác như BBC, ELC, HAI, OPC, SVC…
Danh mục đầu tư của SSIVF khá tương đồng với danh mục của SSI, SSIAM và các nhóm quỹ liên quan. Diễn biến trên thị trường cho thấy, bên cạnh việc SSIVF công bố thoái vốn trong thời gian qua thì chính các tổ chức liên quan lại đồng loạt đăng ký mua vào. Theo số liệu thống kê, SSIAM là tổ chức nắm nhiều cổ phiếu nhất trong danh mục mà SSIVF đã và đang thanh lý. Ở mỗi doanh nghiệp này, SSIAM cũng chiếm tỷ lệ khá cao như xấp xỉ 20% tại APC, trên 18% ở BBC, 17.31% tại TMS… Điều này giúp cho vị thế của SSIAM nói riêng và quyền đại diện của SSI ở những công ty này không thay đổi, đúng như chiến lược đầu tư dài hạn mà Chủ tịch HĐQT SSI Nguyễn Duy Hưng từng tuyên bố.
Danh mục còn lại của SSIVF:
Nguồn: HSX
|
Được biết, SSIVF được thành lập vào giữa tháng 11/2007, là quỹ thành viên nội địa với quy mô 1,700 tỷ đồng và tiêu chí đầu tư là dành khoảng 80% tài sản để đầu tư trung và dài hạn, dự định sẽ đầu tư vào tối đa 15 đến 20 doanh nghiệp.
Lúc mới thành lập, quỹ thu hút được 13 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, lớn nhất là Công ty quản lý quỹ SSI (là công ty 100% vốn thuộc CTCK SSI) nắm 28.53%. Ngoài ra còn có Công ty XNK Thủy sản An Giang (AGF) với tỷ lệ vốn góp 5.9% vốn, Sacom (SAM) là 16.47%, Minh Phú (MPC) 11.76%…
Đến năm 2010, SSIAM mua thêm 16 triệu chứng chỉ quỹ SSIVF từ Credit Suisse AG chi nhánh Singapore, nâng tỷ lệ sở hữu lên 37.94%.
Vào quý 3/2012, AGF đã chuyển nhượng toàn bộ 10 triệu chứng chỉ quỹ SSIVF cho SSI và ghi nhận khoản lỗ trên 23 tỷ đồng, do khoản góp vốn bán đầu lên tới 100 tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi chưa đến 77 tỷ đồng.
Sinh ra trong lúc thị trường đang đi xuống sau khi đạt đỉnh cao gần 1,200 điểm, SSIVF vẫn đẩy mạnh giải ngân với kỳ vọng thị trường sẽ vực dậy sau khi “điều chỉnh”. Cụ thể, tính đến hết năm 2007, tức chỉ sau một tháng hoạt động, quỹ đã giải ngân gần 40% danh mục và ghi nhận tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) xấp xỉ 10%.
Những diễn biến sau đó của SSIVF gắn chặt với sự vận động của nền kinh tế và thị trường chứng khoán trong nước. Với chiến lược đầu tư thận trọng, NAV của SSIVF chỉ giảm 5.86% trong năm 2008 cùng với sự suy sụp của thị trường, trong khi các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài giảm xấp xỉ 50%.
Với gói kích thích của Chính phủ, thị trường hồi phục mạnh trong năm 2009 và SSIVF đạt giá trị tài sản ròng 11,800 đồng/ccq, tăng 25% so với mức 9,444 đồng cuối năm trước. Đem về cho SSIAM doanh thu 81.5 tỷ đồng, chiếm hơn 90% tổng doanh thu của công ty này.
Hai năm sau đó, hoạt động của SSIVF gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp từ sự đi xuống của thị trường và nền kinh tế trong nước. Kết thúc năm 2011, NAV của quỹ giảm 20%, gây ra khoản lỗ ròng 83.6 tỷ đồng cho công ty mẹ SSI. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2012, thị trường có sự cải thiện hơn, SSIVF đã đem về khoản lãi liên kết 7.4 tỷ đồng cho SSI.
Mỹ Hà (Vietstock)
FFN
|