Tìm "lối đi nhỏ" ưu đãi thuế cho quỹ mở
"Không có một ‘lối nhỏ’ nào cho phép Bộ Tài chính có thể đi tới việc ban hành được những quy định về ưu đãi thuế, cụ thể là ưu đãi thuế cho quỹ mở như thị trường mong đợi".
Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế đã chia sẻ với ĐTCK như vậy.
Cái khó của cơ quan tham mưu về chính sách thuế nằm ở khung khổ pháp luật hiện hành, Luật Chứng khoán, Luật thuế Thu nhập DN, Luật thuế Thu nhập cá nhân, khi mà các văn bản hướng dẫn thi hành Luật không được phép vượt qua các định khung trước đó.
Theo ông Phụng, trong ngắn hạn, điều có thể làm là cần chứng minh và tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội về quan niệm, chứng chỉ quỹ mở là một loại chứng khoán đặc biệt, vì tính chất mua - bán (góp vốn - rút vốn) với loại hàng hóa này rất đặc biệt. Từ những luận chứng và sự đồng thuận nếu có này, "một lối đi nhỏ" có thể được mở ra cho khả năng ưu đãi thuế với quỹ mở là việc đề xuất với Chính phủ hoặc cơ quan Quốc hội cho phép áp dụng việc miễn thuế cho nhà đầu tư cá nhân (không khấu trừ 5%) khi họ được chia lợi tức từ tiền đầu tư vào quỹ mở; đề xuất ban hành một quy định không thực hiện khấu trừ thuế 25% đối với lợi tức của quỹ mở chia cho nhà đầu tư là pháp nhân, là DN, để giải tỏa sự bất lợi cho đối tượng nộp thuế.
Trong một diễn biến khác, trao đổi với NQS trước thềm cuộc làm việc của Nhóm công tác thị trường vốn với UBCK, Bộ Tài chính ngày 13/11, chuyên gia của Dragon Capital cho rằng, với nhà đầu tư nước ngoài, điều họ mong muốn là một chính sách thuế nhất quán và bình đẳng. Dẫn một ví dụ cụ thể, chuyên gia Dragon Capital cho rằng, quy định với công ty đại chúng, cơ quan thuế thu 0,1% trên giá trị chuyển nhượng, còn với công ty chưa phải đại chúng, mức thuế thu là 25% tính trên thu nhập chuyển nhượng vốn (với công ty nước ngoài) hoặc 25% lợi nhuận (với công ty trong nước) đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa 2 loại hình DN, làm hạn chế dòng vốn chảy vào loại hình DN tư nhân. Câu chuyện "cũ rích" này từng được phản ánh và đã nhận được sự thấu hiểu từ cơ quan quản lý, nhưng chưa có sự điều chỉnh trên thực tế. Vì thế, nó sẽ một lần nữa xuất hiện trong kiến nghị của Nhóm công tác tại Diễn đàn DN Việt Nam ngày 3/12 tới đây.
Điểm mới trong kiến nghị năm nay là sẽ có riêng một đề xuất về sự "phối hợp hành động giữa các cơ quan Chính phủ". Sở dĩ có đề xuất này là vì Nhóm công tác (đại diện các nhà đầu tư, các chuyên gia của nhiều tổ chức quốc tế) cũng đã thấu hiểu rằng, có nhiều vấn đề phát sinh, nhưng chỉ có thể xử lý bằng việc điều chỉnh văn bản luật hoặc làm mới văn bản luật. Điều này thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác Bộ Tài chính, thậm chí là thuộc quyền của Quốc hội.
Theo đánh giá của Nhóm công tác, trong khu vực châu Á, TTCK Việt Nam đang ở mức thấp nhất, trừ Nhật Bản. Ngoài Đài Loan và Thái Lan (những thị trường có tình trạng bong bóng do đầu cơ thái quá), tất cả các thị trường châu Á khác đều đã phục hồi. Diễn biến tại TTCK Việt Nam đang phản ánh tình trạng thiếu lòng tin của nhà đầu tư, cũng như thiếu sự hỗ trợ thể chế. Diễn đàn DN tới đây sẽ một lần nữa đem hình ảnh "Con rồng châu Á" ra mổ xẻ, so sánh và kiến nghị chính sách đến Chính phủ. Thuế chỉ là một vấn đề, còn rất nhiều vấn đề khác phải có sự phối hợp hành động cụ thể mới hy vọng cải thiện được sức cạnh tranh trong thu hút vốn của Việt Nam.
đầu tư chứng khoán
|