Thứ Ba, 16/10/2012 09:12

Lại 'phá rào' huy động lãi suất vượt trần

Sáng thứ hai (15-10) vào vai khách hàng gửi tiền đến một chi nhánh NHTMCP nhỏ, tôi ngỏ ý có 20.000 USD do người nhà gửi về chưa biết đầu tư nên tạm thời muốn gửi tiết kiệm 1 tháng. Lập tức, cô nhân viên mời chào mời ngay mức lãi suất “trong mơ” lên tới 5%/năm.

Tuần trước, cũng con số tiền gửi này, mức lãi suất được chào dao động 3,5 - 4%/năm. Thấy vị khách hàng là tôi còn băn khoăn, cô nhân viên trên trấn an: “Chị yên tâm, ngân hàng bên em hoạt động vẫn tốt lắm, lợi nhuận 6 tháng vẫn gần 200 tỷ đồng. Với một ngân hàng quy mô nhỏ trong bối cảnh như hiện nay thì như thế cũng là khá ổn rồi”.

Cũng theo nhân viên này, hiện nhiều ngân hàng đã vượt trần, có những ngân hàng cử nhân viên tới tận nhà để “tư vấn” cho khách hàng.

Quyết định tham khảo thêm, trong vai khách hàng, PV có mặt tại phòng giao dịch một NHTMCP khác tại Đống Đa - Hà Nội.

Theo Dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (thay thế nghị định 202), dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, ngân hàng không niêm yết lãi suất huy động, phí cung ứng dịch vụ sẽ bị phạt 50-100 triệu đồng, huy động vốn với lãi suất cao hơn quy định, mức phạt cao nhất có thể lên tới 1 tỷ đồng. Trong hoạt động cho vay, những hành vi như cấp tín dụng với khách hàng không đủ điều kiện, vi phạm giới hạn cho vay... có thể bị phạt 600 triệu - 1,2 tỷ đồng…
Dù không phải là khách quen, nhưng với chút ít kinh nghiệm qua những lần khảo sát thực tế sau một hồi nhân viên giao dịch “mở lòng”,ngân hàng đang có chương trình ưu đãi cho khách hàng với món tiền gửi bằng ngoại tệ từ 5.000 USD trở nên với lãi suất cao hơn 2%/năm, còn trên 10.000 USD lãi ít nhất 3%/năm.

Nhưng chưa dừng ở đó, ngoài ngoại tệ, tiền đồng cũng đang nóng theo. Chị N.T.H - Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, sau khi được người quen giới thiệu đến một NHTMCP vừa tại quận Hoàn Kiếm, chỉ với mức gửi 100 triệu đồng gửi bất kỳ kỳ hạn nào, chị đều có thể nhận mức lãi suất là 12%/năm.

Phương thức “lách luật” của ngân hàng đưa cho khách tờ giấy một mặt ghi cam kết không rút vốn, mặt bên kia in số tiền được hưởng chênh lệch lãi suất và yêu cầu khách hàng ký nhận và ra quầy nhận tiền chênh lệch.

Trước đây, cũng với cách này nhưng thường khách hàng nhận tiền chênh lệch sau khi đáo hạn, thì hiện ngân hàng chi tiền luôn cho khách hàng.

V.A - nhân viên giao dịch ngân hàng này cho biết, thời điểm này tìm khách hàng khó khăn hơn vì các ngân hàng đều phải sử dụng chiêu lãi suất để chèo kéo khách do vậy, “Bên em cũng phải cố gắng chăm sóc khách hàng chu đáo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng giao dịch”.

Phải làm gì?

Những ai đang huy động vượt trần? Theo một chuyên gia ngân hàng, rất có thể thời điểm này, kẻ châm ngòi cho cuộc đua lãi suất là những ngân hàng đang gặp khó khăn thanh khoản nhất thời.

Sau sự cố “bầu Kiên”, nhiều người dân không yên tâm đã rút tiền gửi VNĐ và USD từ các ngân hàng nhỏ để chuyển sang ngân hàng lớn.

Một lượng vốn huy động bị rút đã để lại “khoảng trống” vắng tại các ngân hàng này.”- Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn cho hay.

Những ngân hàng này là ai? Dù vị lãnh đạo không trả lời thẳng nhưng cũng thừa nhận: ít nhiều là những ngân hàng có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ “dư chấn” kể trên.

Thống kê BCTC của các ngân hàng cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2011, Vietcombank (VCB), ACB, BIDV là 3 ngân hàng cung cấp vốn lớn nhất trên thị trường liên ngân hàng.

Vietinbank (CTG) và Eximbank (EIB) cũng cung cấp một lượng lớn vốn ra những ngược lại hai ngân hàng này hút vào nhiều hơn.

SCB, trước khi hợp nhất với NH Việt Nam Tín Nghĩa và NH Đệ Nhất, là nhà băng có khoản chênh lệch âm lớn nhất, khoảng 12.500 tỷ (tính đến quý 3- 2011).

Theo một chuyên gia ngân hàng, dù chuyện “phá rào” mới chỉ như “đốm lửa” nhưng tại thời điểm cuối năm khi nhu cầu về thanh toán được ví như chất liệu khô này, nếu không “dập” ngay, sẽ tiềm ẩn “lan” thành đám cháy.

Phải làm gì để ngăn chặn? Vị này đưa ra “phác đồ”, một mặt cần sự vào cuộc kịp thời của cơ quan Thanh tra giám sát NHNN để “chặn” và xử “làm gương” đảm bảo sự ổn định của toàn hệ thống ngay lúc này.

Mặt khác, để thị trường ổn định, cần vai trò “cầu nối” từ NHNN, bơm hút điều hoà vốn trên thị trường liên ngân hàng. Cùng đó, xắn tay vào giai đoạn 2 tái cơ cấu hệ thống tiến đến xử lý “cục máu đông" nợ xấu.

Thảo Phương - K.H

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Ngân hàng: “Cục nợ” liên ngân hàng và Vàng sẽ bào mòn lợi nhuận quý 3? (16/10/2012)

>   MaritimeBank: Sóng gió biển cả quật ngã một thương hiệu (15/10/2012)

>   Có nên tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ 2013? (15/10/2012)

>   Kích cầu tín dụng cuối năm (15/10/2012)

>   Dọn dẹp cơ cấu sở hữu chéo (15/10/2012)

>   Tôi đi “buôn”… tiền (15/10/2012)

>   Bài 1: Thú “săn” tiền … (12/10/2012)

>   Một tháng sau cuộc “hôn nhân” SHB với Habubank (15/10/2012)

>   TPHCM: 9 tháng, kiều hối ước đạt 3 tỷ USD (15/10/2012)

>   Xử lý tài sản bảo đảm, “chủ nợ” vẫn cầm “đằng lưỡi“ (15/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật