Nhìn lại những cuộc đổi chủ ngân hàng (Phần 3)
Những thương vụ đổi chủ của các ngân hàng khá rầm rộ và tốn không ít giấy mực gần đây gợi nhớ đến những cái tên như VietABank, TienPhongBank, Techcombank, MaritimeBank, GPBank và Sacombank. Khác với sáp nhập hay hợp nhất, việc thay đổi cơ cấu sở hữu và hội đồng quản trị của những đơn vị trên không làm mất đi các thương hiệu, và đây cũng là những hoạt động thường thấy trên các thị trường chứng khoán.
MaritimeBank: Sóng gió biển cả quật ngã một thương hiệu
Nhắc đến tên Ngân hàng Hàng hải (MaritimeBank - MSB), đã một thời làm người ta liên tưởng đến màu xanh của biển cả, màu đặc trưng của ngành hàng hải. Tuy nhiên, sau nhiều tai tiếng từ “bậc sinh thành” Vinalines, màu xanh truyền thống đã được thay thế bằng sắc đỏ trong logo cũng như sự đồng hành của nhân tố mới – V.I.D Group.
Còn đâu màu xanh nước biển
Trở về với MaritimeBank từ những ngày đầu mới thành lập, ấn tượng đầu tiên về ngân hàng này là hình ảnh màu xanh nước biển rất đặc trưng của ngành hàng hải bởi một trong những người thai nghén sinh ra ngân hàng là Cục Hàng hải Việt Nam. Ngoài Cục Hàng hải, góp phần hình thành nên MSB từ thuở sơ khai còn có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Cục Hàng không dân dụng...
Được nuôi dưỡng bởi những tập đoàn và tổ chức lớn, sau hơn 20 năm kể từ ngày thành lập (năm 1991), MSB đã vươn mình từ 40 tỷ đồng vốn điều lệ ban đầu, nay đã đạt con số 8,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chặng đường phát triển của MSB không thiếu những con sóng lớn của biển cả. Và hình bóng của Vinalines dường như lại là nỗi ám ảnh lớn đối với ngân hàng này.
Vinalines (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) được thành lập năm 1995 thuộc Cục Hàng hải và cũng quản lý phần vốn góp tại MSB. Đã có thời điểm trước khi trở thành ngân hàng đại chúng vào năm 2006, nhóm Vinalines nắm đến 23.33% vốn của MSB, bao gồm Vinaline, GMD và VOS, chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu sở hữu của MSB. Cổ đông lớn thứ hai của MSB là VNPT với 21.33%.
Tuy nhiên, mối lương duyên của MSB và Vinalines đã không còn trọn vẹn kể từ khi Tập đoàn này dính vào hàng loạt bê bối. Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của Vinalines trong giai đoạn 2005-2010. Bên cạnh đó, nhiều công ty con của Vinalines hoạt động thua lỗ, nhiều lãnh đạo dính vào hành vi tham ô tài sản. Khi những thông tin này tràn ngập khắp các mặt báo cũng là lúc MSB lên tiếng khẳng định Vinalines hiện chỉ là cổ đông nhỏ (tháng 5/2012), chỉ chiếm hơn 1% cổ phần và gần nửa thập kỷ nay không giữ bất cứ vai trò gì trong việc quản trị và điều hành ngân hàng này.
MSB cũng cho biết, việc trùng lặp tên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam có thể khiến khách hàng giao dịch tại ngân hàng này không an tâm. Đó cũng là lý do khiến MSB đã thay đổi hình ảnh logo và bộ nhận diện thương hiệu từ hồi năm 2010, “chia tay” màu xanh nước biển đã gắn liền với tên tuổi của MSB trong một quãng thời gian dài.
Đại chúng hoá, chủ mới xuất hiện
Giai đoạn tái cơ cấu toàn diện (2006-2007) của MSB diễn ra sau nhiều năm khó khăn cùng với vụ bê bối “khủng” diễn ra tại ngân hàng. Nguyên Tổng giám đốc Thái Thị Thanh Liên đã cấu kết cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt trên 4.6 tỷ đồng, tham ô trên 1.6 tỷ đồng và gây thất thoát trên 360 triệu đồng trong hai năm 1996 và 1997 khi còn đương nhiệm và phải chịu án tù chung thân sau đó 10 năm.
Cùng với việc tái cơ cấu này, MSB cũng tiến hành tăng vốn gấp đôi từ 700 tỷ lên 1,400 đồng, chính thức trở thành ngân hàng đại chúng trong năm 2007. Cổ đông lớn lúc này của MSB vẫn và VNPT 19.91%, nhóm Vinalines 23.74% nhưng tại MSB đã dần hình hài hình bóng của một nhân tố mới. Đó là nhóm cổ đông V.I.D Group, sở hữu hơn 6% vốn của ngân hàng. Trong đó, V.I.D Group sở hữu hơn 7.5 triệu cp, Chủ tịch và Tổng giám đốc của đơn vị này lần lượt sở hữu hơn 1.4 triệu cp và 50,000 cp MSB.
Nhóm cổ đông mới xuất hiện và lập tức nắm giữ vị trí then chốt tại MSB. Ngay tại ĐHĐCĐ thường niên đầu tiên khi trở thành ngân hàng đại chúng, ông Trần Anh Tuấn (khi đó là Tổng giám đốc V.I.D Group) được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2007-2011 và giữ chức danh Phó Chủ tịch MSB. Từ tháng 10/2008, ông Tuấn kiêm chức vụ Tổng Giám đốc và đảm nhiệm vị trí đó cho đến khi trúng cử Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2012-2016.
HĐQT hiện nay của MSB bao gồm Chủ tịch Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thứ nhất Francis Andrew Rozario (thành viên độc lập), Phó Chủ tịch thường trực Đào Trọng Khanh và các Thành viên HĐQT là bà Vũ Thị Liên (nguyên Phó Thống đốc NHNN, Hiệu trưởng Trường Đại học Tư thục Đại Nam), ông Vũ Đức Nhuận (nguyên Tổng giám đốc MSB).
Đi theo mô hình của ngân hàng ACB, trong năm 2012 này MSB cũng thành lập thêm Hội đồng sáng lập với 4 thành viên. Chủ tịch Hội đồng sáng lập không ai khác chính là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Chủ tịch V.I.D Group, nguyên là Phó Chủ tịch MSB từ năm 2011 và cũng là vợ của ông Tuấn).
Như vậy, cả “mặt tiền” trong HĐQT và “mặt hậu” là hội đồng sáng lập của MSB đều được cầm cương bởi vợ chồng Chủ tịch V.I.D Group Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Có thể thấy, mức chi phối thực sự của nhóm cổ đông này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ sở hữu được công bố: bà Hường: 0%, ông Tuấn: 0.02% và V.I.D Group 2.64% (31/3/2011).
MSB ngày nay rót tiền đầu tư vào ngân hàng và công ty chứng khoán tương đối nhiều. MSB đang là cổ đông lớn của hai ngân hàng là MBB (9.41%) và MDB (10.16%). Ngoài ra ngân hàng còn góp vốn vào nhiều công ty chứng khoán như MSBS, APS và Agriseco. Riêng với Agriseco, ngân hàng có sự sở hữu qua lại khi nắm giữ 4.63% vốn của đơn vị này, đồng thời Agriseco cũng đang sở hữu đến 14.99% vốn của MSB.
V.I.D Group là ai?
Sau 12 năm xây dựng và phát triển các công ty riêng lẻ (được thành lập tại các địa phương để thực hiện các dự án đầu tư các khu công nghiệp cụ thể), năm 2006 Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam – V.I.D Group chính thức được thành lập với 6 thành viên.
Từ năm 2006 đến nay, số thành viên trong V.I.D Group phát triển lên 12 công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, cung ứng các dịch vụ và thực hiện các dự án bất động sản. Phạm vi hoạt động của V.I.D Group mở rộng sang 7 tỉnh và thành phố khác nhau của miền Bắc Việt Nam, bao gồm: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam và Nam Định.
VID Group đã trở thành một trong những nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp có quy mô và đang là chủ đầu tư và quản lý của 9 khu công nghiệp lớn ở miền Bắc như Quang Minh, Hà Nội – Đài Tư, Thạch Thất – Quốc Oai (Hà Nội); Tân Trường, Phúc Điền, Nam Sách (Hải Dương); Minh Quang, Cụm Công nghiệp Lifan (Hưng Yên) và Đồng Văn II (Hà Nam).
Giữ vai trò Chủ tịch Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của V.I.D Group là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Bà giữ chức vụ Chủ tịch kể từ năm 2006 khi tuổi đời chỉ mới 37. Ngoài ra, bà còn là Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII.
Trước khi tham gia vào HĐQT của MSB, bà Hường đã từng tham gia vào HĐQT của Ngân hàng nông thôn Hải Hưng (tiền thận của Oceanbank) và là Phó Chủ tịch VPBank. Từ tháng 2/2011-2/2012, bà Hường đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch thứ nhất của Maritime Bank và sau đó là Chủ tịch Hội đồng sáng lập MSB.
* VietABank: Tập đoàn Việt Phương “soán ngôi” Chủ tịch từ S.J.C
* TienPhongBank: Câu chuyện về đứa con đẻ của FPT
Đan Thanh (Vietstock)
Finfonet
|