Thứ Hai, 15/10/2012 09:43

Xử lý tài sản bảo đảm, “chủ nợ” vẫn cầm “đằng lưỡi“

Nợ xấu, nợ đọng đang tiếp tục là nỗi lo của ngành kinh tế. Trong đó, vẫn đề xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) là nguyên nhân chính của các tranh chấp, bất đồng về lợi ích giữa các bên liên quan đến TSBĐ, nhưng các quy định của pháp luật hiện hành vẫn chưa thực sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu điều chỉnh của thực tiễn vấn đề này.

Rủi ro thuộc về ngân hàng

Theo qui định của Bộ luật Dân sự 2005 về nghĩa vụ được bảo đảm và giao dịch bảo đảm chưa bảo vệ quyền chủ nợ của bên nhận bảo đảm tương xứng với vị thế của chủ thể này trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Bên cạnh đó, một số các quy định của pháp luật hiện hành thiếu cụ thể, rõ ràng nên đã dẫn đến những vướng mắc trong việc xác định hiệu lực của giao dịch bảo đảm, gây rủi ro cho bên nhận bảo đảm.

Có thể kể đến một khúc mắc không nhỏ trong mối quan hệ tổ chức tín dụng (TCTD) – khách hàng là việc pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về căn cứ xác định tư cách thành viên hộ gia đình - một chủ thể tham gia rất nhiều trong các giao dịch vay vốn tại ngân hàng.

Bộ luật Dân sự 2005 qui định khái niệm “hộ gia đình” (Điều 106) nhưng đã “bỏ ngỏ” vấn đề có ý nghĩa mấu chốt là xác định các thành viên của hộ gia đình - những người có quyền quyết định việc xác lập giao dịch bảo đảm. Không có quy định hướng dẫn về tiêu chí, căn cứ pháp lý làm cơ sở xác định tư cách thành viên hộ gia đình nên dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau, gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định hiệu lực của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình, dẫn đến rủi ro cho bên nhận bảo đảm trong quá trình nhận và xử lý TSBĐ là tài sản chung của hộ gia đình.

Chỉ được “hỗ trợ” trong văn bản?

Pháp luật hiện hành thiếu các quy định cần thiết nhằm hỗ trợ và thúc đẩy bên nhận bảo đảm thực thi quyền thu giữ TSBĐ để xử lý. Về nguyên lý chung, trong trường hợp bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã giao kết, bên nhận bảo đảm có quyền truy đòi, thu giữ TSBĐ để xử lý. Tuy nhiên, do việc chuyển giao TSBĐ cho bên nhận bảo đảm để xử lý đồng nghĩa với việc bên bảo đảm bị mất tài sản đó, nên bên bảo đảm thường có thái độ bất hợp tác, chây ì và tìm cách trì hoãn việc chuyển giao TSBĐ.

Trước thực tế này, khoản 5 Điều 63 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã quy định về sự hỗ trợ của UBND cấp xã và cơ quan Công an đối với hoạt động thu giữ TSBĐ trong vai trò “giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ TSBĐ” nhằm tránh tình trạng “hành chính hóa” các quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại và hỗ trợ thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của bên nhận bảo đảm . Song, pháp luật chưa có các quy định về cụ thể về việc UBND và cơ quan Công an thực thi vai trò này như thế nào. Do vậy, trải qua 5 năm thi hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP cho thấy, quy định này chưa thực sự phát huy hết hiệu quả như mong muốn.

“Bước đường cùng”, bên nhận bảo đảm chỉ có cách khởi kiện ra Tòa đòi tài sản và cơ quan thi hành án sẽ thực hiện công việc này sau khi bản án đã tuyên của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, quá trình này thường mất rất nhiều thời gian và chi phí của bên nhận bảo đảm. Cơ chế, thủ tục xử lý TSBĐ còn rườm rà, phức tạp và phụ thuộc quá nhiều vào ý chí của bên bảo đảm (bên có nghĩa vụ thanh toán nợ).

Việc chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng TSBĐ từ bên bảo đảm sang người mua, người nhận chuyển nhượng TSBĐ bị xử lý được xem là “khâu cuối cùng”, đồng thời là “kết quả” của quá trình xử lý tài sản.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, mặc dù pháp luật cho phép bên nhận bảo đảm có quyền xử lý TSBĐ trong trường hợp bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo giao dịch bảo đảm đã giao kết nhưng khi tiến hành xử lý TSBĐ, việc định giá và chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng TSBĐ vẫn phải phụ thuộc nhiều vào ý chí của chủ sở hữu, gây khó khăn cho bên nhận bảo đảm trong quá trình xử lý.

Ngoài ra, kết quả xử lý TSBĐ vẫn còn phụ thuộc vào cách thức giải quyết của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản khi bên nhận bảo đảm thực hiện thủ tục sang tên, trước bạ đối với TSBĐ…

Vậy là, “chỗ dựa pháp lý” nhiều “lỗ hổng” đã khiến quyền của chủ nợ (các TCTD) rất mong manh, thậm chí khiến các TCTD “không dám giải ngân” khiến DN triền miên trong cơn “khát” vốn, còn TCTD thì cứ “ôm” khối TSBĐ chờ đến ngày được… xử lý, thu hồi được vốn để quay vòng./.

Hồ Quang Huy - Nguyễn Quang Hương Trà

pháp luật việt nam

Các tin tức khác

>   Rủi ro nợ ngân hàng, nhà đầu tư "hốt hụi chót" (15/10/2012)

>   ABBank ưu đãi doanh nghiệp xuất nhập khẩu (12/10/2012)

>   Vi phạm tiền tệ - ngân hàng: Ngăn ngừa trước, xử phạt sau (15/10/2012)

>   MBB: Tháng 9, tăng trưởng tín dụng 10% (15/10/2012)

>   Thương hiệu Việt tan vỡ: Sự biến mất của Habubank (15/10/2012)

>   Cơ chế điều hành lãi suất qua “lăng kính” quan hệ Nhà nước - Thị trường (15/10/2012)

>   Đón dòng tín dụng từ Eximbank Mỹ (14/10/2012)

>   Giải pháp luân chuyển vốn (14/10/2012)

>   Lãi suất khó giảm trong ngắn hạn (13/10/2012)

>   Quốc hữu hóa ngân hàng? (13/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật