Lãi suất khó giảm trong ngắn hạn
Cuộc đua lãi suất tiền gửi tuy không công khai, nhưng đang âm ỉ chuyện “xé” trần lãi suất kỳ hạn dưới 1 năm, đặc biệt là các ngân hàng quy mô nhỏ, thị phần huy động còn khiêm tốn.
Sở dĩ các ngân hàng phải tăng huy động là để đảm bảo thanh khoản, nhất là khi mùa kinh doanh cao điểm đã cận kề. Thế nhưng, điều này đã ảnh hưởng đến việc giảm lãi suất cho vay để có thể kích thích tăng trưởng dư nợ tín dụng từ nay đến cuối năm.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, từ nay đến cuối năm, về cơ bản, Chính phủ sẽ vẫn điều hành kinh tế vĩ mô như tinh thần Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ áp dụng từ đầu quý II năm nay, tức là sẽ không có đột biến về chính sách. Theo TS. Lịch, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong những tháng cuối năm sẽ tăng trở lại, nhưng cả năm cũng chỉ ở mức tăng 8 - 8,5% so với tháng 12/2011. Vì thế, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay khó có thể giảm sâu hơn so với hiện nay.
“Kế hoạch tăng dư nợ tín dụng cả năm ở mức 8 - 10% như Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố trước đây khó có thể đạt được và tình trạng nợ xấu vẫn là vấn đề nan giải nhất trong kinh tế vĩ mô hiện nay, nên khả năng hấp thụ tín dụng của doanh nghiệp là rất hạn chế”, ông Lịch nói.
TS. Lê Thị Kim Xuân, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tại TP.HCM cho rằng, chính vì các ngân hàng thương mại có nhu cầu huy động vốn cao, nên lãi suất huy động tăng, vì thế, lãi suất cho vay cũng đang bị ngân hàng đẩy lên, thay vì giảm.
Đối với kỳ hạn dưới 12 tháng, các ngân hàng thương mại hiện chỉ công bố lãi suất huy động ở mức trần quy định 9%/năm, nhưng thực tế, thị trường đang tồn tại tình trạng vượt trần. Còn với kỳ hạn 12 tháng, đa số ngân hàng thương mại duy trì lãi suất huy động ở mức 11%, tối đa là 12%/năm, song từ đầu tháng 9 đến nay, một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất đối với kỳ hạn 12 tháng lên 12,5%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng lên 12,5 - 13%/năm. Nhu cầu huy động vốn tăng khiến lãi suất huy động tăng, do đó, lãi suất cho vay cũng bị đẩy lên.
Trong khi đó, sự mất cân đối giữa huy động vốn và cho vay của hệ thống ngân hàng đang dần nới rộng. Tính đến cuối tháng 8/2012, dư nợ tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 1,4% so với đầu năm, trong khi vốn huy động tăng trưởng trên 10%.
Theo bà Xuân, dư nợ cho vay tăng trưởng thấp là do kinh tế tăng trưởng chậm, tiêu thụ sản phẩm - dịch vụ giảm, thị trường bất động sản đóng băng… Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng thấp còn do khách hàng vay vốn không đủ điều kiện để cho vay theo quy định, vì không chứng minh được phương án sản xuất - kinh doanh có hiệu quả và khả năng trả nợ ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại không thể cho vay dưới chuẩn, vì nguy cơ nợ xấu đang gia tăng.
Thùy Vinh
Đầu tư
|