Trái phiếu huy động vàng, cần sớm triển khai
Còn khoảng 2 tháng nữa là đến ngày các NHTM phải ngừng huy động vàng. Càng gần đến ngày đó, càng có nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực khổng lồ này trong dân, trong đó có giải pháp phát hành trái phiếu chính phủ bằng vàng.
Từ góc độ người nắm giữ vàng, có thể khẳng định ngay rằng, nếu có trái phiếu chính phủ huy động vàng thì mua liền, bởi ý nghĩa của việc tiết kiệm bằng vàng không mất đi, lại yên tâm hơn vì có Chính phủ bảo đảm. Vấn đề là liệu việc phát hành trái phiếu chính phủ bằng vàng có trở thành hiện thực?
Chuyên gia kinh tế – tài chính Vũ Đình Ánh cho rằng, Chính phủ có thể huy động vàng tạo vốn cho đầu tư phát triển tương tự như huy động VND và ngoại tệ hiện nay thông qua phát hành trái phiếu vàng. Sau đó, NHNN đưa số vàng này ra nước ngoài để hoán đổi lấy ngoại tệ hay chuyển thành nội tệ tùy theo nhu cầu của chủ thể phát hành trái phiếu vàng.
Theo ông Ánh, việc phát hành trái phiếu bằng vàng để huy động vốn vàng trong dân vừa tăng thanh khoản của vàng, vừa giúp ngân sách nhà nước có thêm vốn để triển khai các dự án, tăng dự trữ ngoại hối, giảm lượng ngoại tệ để nhập vàng. Trái phiếu chính phủ bằng vàng được lưu thông trên thị trường tài chính, cả thị trường sơ cấp và thứ cấp tương tự như trái phiếu chính phủ phát hành bằng VND hay USD hiện nay.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn lại đưa ra nhận định, việc phát hành loại trái phiếu này, về mặt kỹ thuật, là có thể thực hiện được, nhưng về mặt chánh sách là không nên, vì có thể làm cho người dân và doanh nghiệp bị tác động bởi một kỳ vọng là tiền đồng sẽ ngày càng bị mất giá, có thể khiến đồng bạc trượt giá nhanh hơn. Tuy nhiên, số vàng trong dân được ước tính là rất lớn (tương đương khoảng 30 - 40 tỷ USD), cần được huy động để phục vụ cho phát triển kinh tế, nên có thể phát hành trái phiếu chính phủ bằng vàng, được hoàn trả bằng vàng cho dân vào lúc đáo hạn và có thể tính lãi bằng vàng.
Bên cạnh ý tưởng Chính phủ đứng ra huy động vàng thông qua phát hành trái phiếu, cũng có ý kiến cho rằng, có thể huy động lượng vàng trong dân bằng cách NHNN phát hành chứng chỉ vàng.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, thành viên HĐQT PNJ nhận định, nên phát hành chứng chỉ vàng để thay thế vàng vật chất. Nhiều người dân mua vàng và xem đây là một kênh đầu tư dựa vào sự tăng giảm giá vàng. Tuy nhiên, gần đây, do không được kinh doanh vàng tài khoản cũng như chưa có chứng chỉ vàng, nên kênh đầu tư này của người dân buộc phải thực hiện thông qua việc mua bán vàng vật chất. Để loại bỏ ảnh hưởng của hoạt động đầu tư vào vàng khỏi chuyện tác động lên cung cầu vàng vật chất, NHNN cần phát hành chứng chỉ vàng và hình thành sàn vàng quốc gia.
“Việc sử dụng chứng chỉ vàng có những ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công dập ra vàng miếng...
Tuy nhiên, để triển khai thành công chủ trương này, Chính phủ cần làm tốt nhiều biện pháp như: tạo điều kiện để chứng chỉ vàng mua bán, giao dịch dễ dàng tại các NHTM; chứng chỉ vàng khi gửi ngân hàng sẽ có lãi. Còn vàng vật chất thì không được gửi ngân hàng (hoặc lãi suất âm). Chứng chỉ vàng sẽ được sản xuất và chống giả nghiêm ngặt như tiền giấy...
Hiện nay, mọi người dân được quyền sở hữu, tích trữ, mua bán, thực hiện các giao dịch tài chính liên quan đến vàng trên thị trường vàng trong nước do NHNN tổ chức và quản lý tương tự như đối với VND. Ông Vũ Đình Ánh cho rằng, Việt
Nam
không nên hạn chế hay cấm các NHTM huy động vốn bằng vàng, bởi sẽ làm lãng phí một nguồn lực lớn của xã hội.
Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán
|