Cơ chế điều hành lãi suất qua “lăng kính” quan hệ Nhà nước - Thị trường
Trong nền kinh tế thị trường, lãi suất là một loại giá cả đặc biệt. Đồng thời, lãi suất cũng là một trong những công cụ quan trọng của Nhà nước để quản lý và điều hành sự phát triển kinh tế. Quá trình tiến tới tự do hóa hoàn toàn lãi suất nói riêng, tự do hóa tài chính nói chung không chỉ phụ thuộc vào những nhân tố mang tính “kỹ thuật” nội tại của hệ thống tài chính - ngân hàng mà còn phụ thuộc vào một phạm trù có tính bao trùm đó là quan hệ Nhà nước – Thị trường.
Trong quá trình chuyển đổi kinh tế hơn 20 năm qua cũng như trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế thời gian tới, chiều hướng và thực chất mối quan hệ Nhà nước – Thị trường đã và sẽ tiếp tục chi phối cách thức điều hành nền kinh tế nói chung, các thị trường trong đó có thị trường tiền tệ nói riêng.
Nguyên tắc tương hợp
Thị trường tiền tệ, với tư cách là một bộ phận trong chỉnh thể nền kinh tế thị trường, chỉ có thể vận hành ổn định khi đảm bảo được sự tương hợp với các bộ phận khác của nền kinh tế nói riêng và thể chế kinh tế nói chung. Thậm chí trong một giai đoạn nào đó, thị trường tiền tệ có thể được “nới lỏng kiểm soát” ở một mức độ cao hoặc thấp hơn so với tình hình chung nhưng chắc chắn vẫn phải đảm bảo tính thống nhất của chỉnh thể nền kinh tế trong một tiến trình liên tục đổi mới. Cơ chế điều hành lãi suất cũng nên được tiếp cận theo cùng một cách như thế.
Hơn nữa, thị trường tiền tệ còn là một thị trường đặc biệt quan trọng, trong đó lãi suất là một loại giá cả đặc biệt tác động sâu rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Với tầm quan trọng như thế, hẳn nhiên cơ chế điều hành lãi suất nói riêng, điều hành chính sách tiền tệ nói chung chịu sự chi phối rất lớn bởi chiều hướng và thực chất mối quan hệ Nhà nước – Thị trường tại những giai đoạn khác nhau trong tiến trình chuyển đổi và tái cơ cấu kinh tế.
Một số nét cơ bản về cơ chế điều hành lãi suất trong thời gian qua
Trong công tác điều hành lãi suất, NHNN có thể sử dụng: các biện pháp mang tính hành chính như quy định trực tiếp các mức lãi suất huy động và cho vay, quy định lãi suất trần/sàn, quy định mức chênh lệch lãi suất; quy định lãi suất cơ bản cộng biên độ khống chế...; hoặc các công cụ mang tính kinh tế tác động đến cung - cầu vốn trên thị trường tiền tệ để định hướng lãi suất thị trường biến động phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ. Ví dụ như NHNN công bố lãi suất chủ đạo (lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn...) với cơ chế truyền dẫn qua lãi suất thị trường liên ngân hàng để định hướng lãi suất huy động và cho vay của các NHTM.
Từ những năm cuối thập kỷ 80 – đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Việt Nam đã bắt đầu “cuộc thử nghiệm” chuyển đổi nền kinh tế từ vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang vận hành theo cơ chế thị trường. Cùng với quá trình chuyển đổi, thể chế kinh tế thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước từng bước được thiết lập, theo đó mối quan hệ giữa Nhà nước – Thị trường cũng từng bước được định hình và dần rõ nét.
Hiện tại, dù đã trải qua hơn 20 năm chuyển đổi, giá cả một số hàng hóa và dịch vụ (đặc biệt những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống dân sinh) vẫn còn chịu sự kiểm soát trực tiếp bằng các quy định hành chính. Cơ chế điều hành chính sách tiền tệ nói chung và điều hành lãi suất nói riêng nằm trong tình trạng chung là có sự đan xen giữa các biện pháp thị trường và biện pháp hành chính, có thời điểm biện pháp thị trường được sử dụng trội hơn, có thời điểm biện pháp hành chính được chú trọng hơn tạo nên hình ảnh thiếu nhất quán. Quy luật cạnh tranh chưa phát huy hiệu quả cho sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính – ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Dù vậy, hơn 20 năm chuyển đổi vừa qua, dường như cơ chế điều hành lãi suất đã được triển khai theo một lộ trình từ đơn thuần bằng các biện pháp mang tính hành chính, từng bước nới lỏng tiến tới tự do hóa hoàn toàn, phù hợp với từng giai đoạn của công cuộc chuyển đổi nền kinh tế nói chung, quá trình thành lập và phát triển thị trường tài chính – tiền tệ nói riêng. Và có lẽ đó cũng được xem như một trường hợp cụ thể, điển hình phản ảnh chiều hướng và thực chất mối quan hệ Nhà nước – Thị trường trong suốt thời kỳ chuyển đổi.
Tái cấu trúc hướng tới vận hành ổn định theo cơ chế thị trường
Thế giới đã trải qua các “thử nghiệm” lớn với những mô hình kinh tế khác nhau. Ngày nay, chúng ta đang được chứng kiến toàn cầu hóa về kinh tế (thậm chí thực tế cho thấy toàn cầu hóa cũng đang lan tỏa sang các lĩnh vực khác của đời sống xã hội) với tốc độ nhanh chóng trong đó sự “phổ cập” mô hình kinh tế thị trường trên phạm vi toàn cầu có lẽ sẽ là một kết quả tất yếu cho dù chiều hướng và thực chất quan hệ Nhà nước – Thị trường có thể có những khác biệt giữa các quốc gia. Không một nước nào có thể phát triển nếu đứng tách biệt khỏi xu thế này.
Việc chuyển đổi nền kinh tế sang vận hành theo cơ chế thị trường là quyết định sáng suốt và rất bản lĩnh của Việt Nam. Hơn 20 năm từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2008 đã làm bộc lộ những yếu kém của mô hình tăng trưởng chiều rộng - tăng trưởng GDP phụ thuộc chủ yếu vào tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội. Tái cấu trúc nền kinh tế, một yêu cầu cấp thiết để bảo toàn thành quả đã đạt được và tiếp tục phát triển, cần được đặt trong bối cảnh của xu thế toàn cầu hóa và tự do hóa. Quan hệ Nhà nước – Thị trường nên được hoạch định và thực hiện theo lộ trình sao cho cơ chế thị trường thúc đẩy quy luật cạnh tranh đóng góp hiệu quả vào quá trình phân bổ các nguồn lực, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Tái cấu trúc hệ thống tài chính – ngân hàng cần được đặt trong bối cảnh chung của tái cơ cấu nền kinh tế có tính đến xu hướng tự do hóa, khu vực hóa và toàn cầu hóa về tài chính. Việc chuyển đổi mô hình NHNN sang mô hình NHTW với mức độ độc lập cao hơn trong hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ cũng nên được tính đến, phù hợp với lộ trình về quan hệ Nhà nước – Thị trường trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ.
Như vậy, qua “lăng kính” phạm trù mối quan hệ Nhà nước – Thị trường, có thể nhận định cơ chế điều hành chính sách tiền tệ nói chung, điều hành lãi suất nói riêng, ít nhất là trong giai đoạn đầu của tiến trình tái cấu trúc kinh tế, sẽ vẫn tiếp tục có sự đan xen giữa các biện pháp mang tính hành chính và các biện pháp mang tính thị trường. Hành trình tiến tới tự do hóa hoàn toàn lãi suất nói riêng và tự do hóa tài chính nói chung phụ thuộc vào lộ trình của tái cấu trúc nền kinh tế trong đó có vấn đề định vị mối quan hệ Nhà nước – Thị trường tại từng giai đoạn.
Phạm Tường Phán (Vietstock)
FFN
|