Lạm phát sẽ gây sốc?
Với đà tăng mạnh của CPI, liệu kinh tế Việt Nam có rơi vào tình trạng lạm phát đình đốn?
Trong báo cáo mới đây của HSBC cập nhật về tình hình vĩ mô của Việt Nam, lạm phát cả năm được dự đoán sẽ tăng tới 9,2% do ngân hàng này lo ngại giá cả hàng hóa cuối năm sẽ tăng mạnh.
Như vậy, nếu lạm phát tăng hơn 9% trong khi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng khoảng 5,2% theo mục tiêu của Chính phủ thì kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng lạm phát đình đốn (stagflation) với lạm phát cao và tăng trưởng thấp. Liệu điều đó có xảy ra?
CPI tháng 9 tăng mạnh
Sau khi tăng chậm từ tháng 6 đến tháng 8, lạm phát tháng 9 đã tăng trở lại với mức tăng 2,2% so với tháng trước. Nếu so với tháng 9 năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 6,48%, gần sát mục tiêu cả năm 7-8% của Chính phủ.
Trong rổ hàng hóa hình thành nên CPI tháng 9, các nhóm tăng mạnh nhất là thuốc và dịch vụ y tế (tăng đến 17,02% so với tháng 8), giáo dục (10,54%) và giao thông (3,83%). Điều này cũng phù hợp theo mùa vụ khi tháng 9 là lúc nhập học của học sinh sinh viên; việc tăng giá xăng dầu liên tiếp trong thời gian qua đã góp phần đẩy chi phí giao thông tăng lên. Tuy vậy, giá thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh là điều khá bất ngờ.
Nhưng đáng mừng là các mặt hàng thiết yếu khác không tăng mạnh như nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 0,08% so với tháng trước. Điều này đã góp phần giảm nhẹ gánh nặng chi tiêu cho người dân, đặc biệt là người nghèo.
Liệu mức tăng CPI tháng 9 có hình thành nên xu hướng mới cho giá cả tiêu dùng cuối năm nay? “Chỉ số tăng của một tháng là chưa đủ để xác định xu hướng của lạm phát. Một vài nhân tố tác động đến giá có thể đảo ngược rất nhanh và việc lạm phát tăng của tháng 9 không đến từ các yếu tố vĩ mô mà từ nhóm giáo dục và y tế”, Tiến sĩ Jonathan Pincus, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận xét.
Nếu tính cả 9 tháng đầu năm, lạm phát đã tăng 5,13% so với cuối năm ngoái. Như vậy, trong 3 tháng cuối năm, nếu lạm phát hằng tháng tăng từ 1% trở lên thì lạm phát cả năm sẽ hơn 8%, vượt qua mục tiêu 7-8% của Chính phủ. Khả năng này rất có thể xảy ra vì chi tiêu của người dân thường tăng mạnh vào các tháng cuối năm.
Tuy nhiên, theo ông Pincus, việc nền kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng trưởng chậm trong thời gian tới sẽ làm giảm giá năng lượng, giúp Việt Nam kiềm chế được lạm phát. Một yếu tố quan trọng khác là giá cả lương thực - thực phẩm đang khá ổn định và nếu vẫn như thế từ đây đến cuối năm thì lạm phát sẽ không tăng nhiều.
Đồng tình với quan điểm trên, Ngân hàng JP Morgan trong một báo cáo cuối tháng 9 về Việt Nam cho rằng lạm phát thường gia tăng vào cuối năm. Tuy nhiên, do kinh tế thế giới tăng trưởng yếu kém và Việt Nam cũng vậy, lạm phát cuối năm nay sẽ không tăng vọt.
Xem lại chính sách
Dù nhận định khá lạc quan nhưng ông Pincus cũng cảnh báo lạm phát cuối năm tăng nhiều hay ít còn phụ thuộc rất lớn vào chính sách điều hành của Chính phủ. Theo ông, nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn cứ cung cấp tín dụng dễ dãi cho các ngân hàng thì lạm phát sẽ tăng cao.
Có thể thấy lượng cung tiền ra nền kinh tế vẫn tăng khá mạnh. Theo báo cáo phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, tính đến ngày 31.8.2012, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng đến 10,37% so với cuối năm 2011, trong khi tăng trưởng GDP 9 tháng chỉ đạt 4,37%. Về mặt lý thuyết, giả sử từ đây đến cuối năm, lượng tiền chảy vào nền kinh tế vẫn tiếp tục được duy trì, trong khi tăng trưởng GDP vẫn yếu ớt thì nhiều khả năng, cái kết sẽ là tốc độ tăng của giá cả hàng hóa.
Trên thực tế, điều đó đang diễn ra. Dù tiền trong nền kinh tế vẫn tăng nhưng luồng vốn chỉ chảy lòng vòng trong hệ thống ngân hàng, trong khi hầu hết các doanh nghiệp sản xuất vẫn không tiếp cận được tín dụng. Cuối cùng điều này có thể dẫn đến thiếu hụt hàng hóa và đẩy giá cả tăng lên.
Ngoài ra, còn có nguy cơ từ việc tăng giá điện khi gần đây, Chính phủ đã đồng ý tăng giá than bán cho Tập đoàn Điện lực để sản xuất điện (mức tăng bình quân lên đến 35%), khiến chi phí sản xuất điện sẽ tăng thêm. Mặc dù Bộ Công Thương đã thông báo giá điện trong tháng 10 không tăng nhưng không vì thế mà giảm đi kỳ vọng của doanh nghiệp về một đợt tăng giá điện mới trong các tháng kế tiếp.
Bên cạnh đó là nguy cơ từ gói kích thích kinh tế mới của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc hay Trung Quốc, khiến luồng vốn rẻ có thể tràn vào Việt Nam. Điều này có thể sẽ làm tăng giá các mặt hàng nguyên nhiên liệu như đã từng xảy ra trước đây.
Rõ ràng, việc CPI tháng 9 tăng đột biến đã khiến tình hình kinh tế đang xấu dường như trở nên xấu hơn. Và khả năng lạm phát quay trở lại là hoàn toàn có thể.
“Việc cần làm nhất là xem lại các chính sách, bởi tình hình hiện tại đã khác. Chính sách tiền tệ cần phải nới lỏng một chút để doanh nghiệp tiếp cận vốn và tiếp tục điều chỉnh lãi suất để họ sống được. Nhưng chính sách tài khóa thì cần thắt chặt, kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát”, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận xét.
Sơn Thanh
Nhịp cầu đầu tư
|