Ts Trần Du Lịch: Nhà nước không thể cứu thị trường như nhiều người đòi hỏi
Phóng viên Petrotimes đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội về những vấn đề “nổi cộm” nhất trong bức tranh kinh tế Việt hiện nay.
Thoắt cái đã sang quý 4 của năm 2012, một năm nhiều biến động, nhiều “bão giông” của nền kinh tế cũng như thị trường tài chính ngân hàng. “Thời buổi khó khăn” trở thành câu nói cửa miệng của ngay cả những người dân lao động bình thường nhất. Câu chuyện về giá, lãi suất, và thậm chí cả những điều to tát hơn, vĩ mô hơn cũng được quan tâm và cập nhật thường xuyên. Bắt đầu quý 4, có lẽ là thời điểm thích hợp để nghe ngóng những dự báo tích cực về triển vọng của nền kinh tế cả nước trong những tháng cuối năm.
TS Trần Du Lịch
|
Kiểm soát lạm phát là nhiệm vụ quan trọng mà chính phủ phải làm
PV: Giá cả đang là vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay của người dân. Nhất là khi chỉ cố CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 9 tăng đột biến. Liệu đây có phải là dấu hiệu lạm phát quay lại không, thưa Tiến sĩ?
TS. Trần Du Lịch: Xuyên suốt từ năm 2008, nhìn chung, vấn đề chống lạm phát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về chính sách kinh tế của chính phủ. Và đặc biệt từ năm 2010 đến nay, tất cả các nhóm giải pháp ứng phó tình hình đều xuyên suốt tư tưởng chống lạm phát. Kiểm soát lạm phát vẫn là vấn đề quan trọng Chính phủ phải làm. Ngay cả những tháng mà chỉ số CPI giảm trong năm nay thì Chính phủ cũng không hề chủ quan để lạm phát quay lại. Tư tưởng chung là như vậy.
Còn đối với tháng 9 tăng đột biến CPI là do yếu tố chủ quan và tác động chính yếu của hai nhóm hàng hóa dịch vụ y tế và giáo dục. Riêng tháng 9, CPI tăng 2,2% và hai nhóm này đóng góp vào 1,5%. Cũng trong tháng 9, do biến động tăng giá xăng nên dịch vụ vận tải tăng hơn 3%. Còn tất cả các nhóm hàng hóa dịch vụ khác có lĩnh vực còn tăng trưởng âm như thực phẩm, các hàng hoá dịch vụ khác tăng cao nhất cũng chỉ có 0,61%.
Do đó có thể nói rằng CPI tháng 9 tăng cao đột biến chủ yếu là do sự điều chỉnh giá thị trường y tế và giáo dục, trong thời gian đầu năm học.
Còn nhìn chung CPI cả năm 2012, đặc biệt trong 8 tháng đầu năm giảm mạnh, chủ yếu là do tổng cầu của nền kinh tế giảm.
Tuy nhiên, khi CPI giảm do tổng cầu của nền kinh tế giảm không phải là tín hiệu đáng mừng. Khi tín dụng tăng trở lại, hay nói cách khác, nếu nới lỏng chính sách tín dụng và tài khóa thì CPI sẽ tăng lại rất mạnh.
Do đó, theo quan điểm của tôi, việc điều hành chính sách vĩ mô theo tinh thần Nghị quyết 13 vào đầu quý 2 năm 2012 là hợp lý. Và tôi cho rằng năm 2012, CPI vẫn có thể kiểm soát ở mức 8,5 %. Vì thế, không nên lo lắng CPI tăng mạnh mà siết chặt tín dụng. Vì trong tháng 9, tổng dư nợ tín dụng tăng 2%, nền kinh tế thiếu vốn trong khi ngân hàng thừa tiền.
Cần có biện pháp đặc biệt để giảm nợ xấu
PV: Nhận định của ông khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh nền kinh tế Việt Nam giống như một cơ thể thiếu máu nhưng không nhận được máu, mà điểm gây tắc nghẽn hệ tuần hoàn của toàn bộ cơ thể chính là nợ xấu. Bài toán nợ xấu chúng ta đã tìm ra lời giải chưa?
TS. Trần Du Lịch: Nợ xấu là vấn đề nổi cộm nhất trong bức tranh bất ổn vĩ mô hiện nay. Điều nguy hiểm là diễn biến của nợ xấu tăng dần từ đầu năm đến bây giờ, gắn liền với việc thiếu khả năng trả nợ của doanh nghiệp, do làm ăn thua lỗ, do gặp khó khăn về thị trường, tăng hàng tồn kho. Như vậy, có thể thấy, yếu tố nợ xấu không tách rời với sức khỏe của doanh nghiệp. Nợ xấu còn gắn liền với sự đóng băng của thị trường bất động sản. Và nó bộc lộ sự yếu kém trong vấn đề kiểm soát dòng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng thương mại. Nợ xấu cũng liên quan với việc làm ăn kém hiệu quả của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tình trạng nợ xấu đang dẫn tới hệ quả: nền kinh tế không hấp thụ được vốn, và là lời đáp cho câu hỏi tại sao ngân hàng thừa tiền mà nền kinh tế thiếu vốn.
Hồi tháng 5, tại diễn đàn Quốc hội, tôi có đưa ra khái niệm nợ xấu là “cục máu đông” làm nghẽn toàn bộ mạch máu của nền kinh tế. Điều đáng nói là tình hình xử lý nợ xấu cho đến nay vẫn chưa được cải thiện, những phương thức mà Ngân hàng nhà nước đưa ra chưa áp dụng có hiệu quả trong thực tế. Hiện nay, nếu không có biện pháp linh hoạt để xử lý nợ xấu thì nền kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn, đặc biệt là khả năng hấp thụ vốn.
PV: Các biện pháp linh hoạt đó là gì?
TS. Trần Du Lịch: Tôi đề nghị cần có biện pháp đặc biệt để giảm nợ xấu, trong đó nhấn mạnh hai việc. Thứ nhất, buộc tất cả các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu một cách đầy đủ và xử lý nặng những ngân hàng che giấu nợ xấu để không phải trích lập dự phòng tạo nên lợi nhuận ảo. Thứ hai, mạnh dạn “khoanh nợ” đối với những doanh nghiệp đang có điều kiện làm ăn trả nợ, có nghĩa khoanh nợ cũ, cho vay mới để người ta làm ăn trả nợ, dĩ nhiên phải là những doanh nghiệp có triển vọng có thị trường có khả năng trả nợ. Trong ngành xây dựng cũng nên khoanh nợ những doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực giao thông hay những doanh nghiệp đang xây dựng công trình mà ngân sách còn nợ họ.
Với biện pháp như vậy có thể bơm dòng tín dụng vào nền kinh tế một cách phù hợp, không làm tăng nợ xấu và có khả năng giải quyết một phần nợ xấu. Nếu chúng ta cứng nhắc trong vấn đề tín dụng thì sẽ khiến các doanh nghiệp có điều kiện phát triển, có điều kiện làm ăn trả nợ nhưng vướng nợ xấu không tiếp nhận được nguồn tín dụng để hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp "vung tay quá trán"…
PV: Sức khỏe doanh nghiệp cũng là câu chuyện "biết rồi nói mãi" từ năm ngoái qua năm nay, tính đến thời điểm này, “cốt truyện” có gì thay đổi không?
TS. Trần Du Lịch: Phải nói rằng chính sách giảm tổng cầu của nền kinh tế thực hiện suốt 2011 đã có tác động mạnh mẽ đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là giảm sức mua thị trường, giảm tốc độ xuất khẩu, tăng hàng tồn kho, tăng số lượng doanh nghiệp phải giải thể, ngưng hoạt động. Và đặc biệt khi nợ xấu xuất hiện, khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp giảm đi, tuy nhiên, nói qua phải nói lại, bản thân doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhược điểm. Đó là rất nhiều doanh nghiệp thiếu chiến lược dài hạn, gặp gì kinh doanh đó, thậm chí đang sản xuất công nghiệp có triển vọng lại “với tay” sang kinh doanh bất động sản.
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hơn bốn ngàn doanh nghiệp làm "tay trái" bất động sản, nghĩa là đăng ký kinh doanh bất động sản ở mức độ khác nhau. Họ bỏ sở trường đi làm sở đoản, kinh doanh theo phong trào. Một số doanh nghiệp thì vung tay quá trán, tăng trưởng dựa vào vốn vay. Nên khi nền kinh tế có dấu hiệu biến đổi bất thường thì trở tay không kịp. Với đặc thù hệ thống doanh nghiệp như vậy cộng với những bất ổn và thay đổi chính sách đã làm cho nhiều công ty không trụ nổi và bộc lộ những yếu kém rất rõ. Do đó, quan điểm của tôi là bằng tất cả chính sách công cụ của mình, Nhà nước phải hỗ trợ cho những doanh nghiệp đang lâm vào khó khăn do tác động của các chính sách vĩ mô đang thực thi, nhưng đồng thời, cũng để thị trường tự điều chỉnh, “đào thải” một số doanh nghiệp quá yếu kém không có tương lai.
Khi thị trường tự điều chỉnh, những doanh nghiệp nào làm ăn bài bản, có chiến lược, có căn cơ thì sẽ phát triển mạnh. Đây là một cơ hội thanh lọc của thị trường. Nói nôm na, Nhà nước hỗ trợ thị trường chứ không thể cứu thị trường như nhiều người đòi hỏi và cũng không thể làm được điều đó.
Không thể xảy ra nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng thương mại
PV: Nhân nói về sức khỏe doanh nghiệp, không thể không đề cập đến hệ thống ngân hàng thương mại vốn là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận cũng như giới chuyên gia tài chính thời gian gần đây. Từ tách nhập, cho đến các sai sót ở tầm quản lý. Nhận định tổng quát nhất của ông xung quanh câu chuyện này?
TS. Trần Du Lịch: Phải nói thế này, nếu so với thời điểm quý 4 năm 2011 thì hệ thống ngân hàng thương mại có sự tiến bộ đáng kể về mặt thanh khoản, nguy cơ đổ vỡ hệ thống không thể xảy ra. Tuy nhiên, tôi cho rằng, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam có ba điểm yếu:
Một là tăng quá nhanh số lượng nhưng chất lượng hoạt động và đặc biệt đạo đức nghề nghiệp không theo kịp.
Hai là khả năng kiểm soát dòng tín dụng yếu kém, không nói là cá biệt có tiêu cực trong vấn đề cung cấp tín dụng, đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nợ xấu.
Ba là một hệ thống có chức năng gần giống nhau nhưng lại thiếu tính đa dạng trong việc phân khúc thị trường dẫn đến tình trạng phần lớn các ngân hàng thương mại chỉ hướng vào một bộ phận khách hàng, vào những công ty lớn, sự phân bố nguồn tín dụng cho nền kinh tế thông qua ngân hàng thương mại kém hiệu quả, những doanh nghiêp vừa và nhỏ không tiếp cận được nguồn tín dụng, nhiều ngân hàng tập trung nguồn tín dụng vào một bộ phận nhỏ khách hàng, nên tăng rủi ro cho bản thân. Theo đề án tái cấu trúc ngân hàng thương mại, Nhà nước thể hiện được mục tiêu xử lý những tồn tại nêu trên, nhưng quá trình thực hiện cho đến nay chưa có kết quả khả dĩ tạo được niềm tin cho thị trường.
Hiện nay, đang có dấu hiệu một số ngân hàng phá trần huy động 9%, cho thấy vấn đề mất thanh khoản của một bộ phận ngân hàng đang quay trở lại. Chủ trương tái cấu trúc ngân hàng thương mại theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 của Đảng là đúng đắn, nhưng lộ trình thực hiện chưa đạt kết quả như mong muốn.
PV: Dự báo chính sách vĩ mô đến cuối năm 2012 sẽ như thế nào, thưa Tiến sĩ?
TS. Trần Du Lịch: Từ nay đến cuối năm, tôi cho rằng cơ bản Chính phủ vẫn điều hành kinh tế vĩ mô như tinh thần Nghị quyết 13 áp dụng từ đầu quý II năm nay, sẽ không có đột biến về chính sách. CPI trong những tháng cuối năm sẽ tăng trở lại, nhưng cả năm cũng chỉ ở mức từ 8- 8,5% so với tháng 12 năm 2011.
Lãi suất khó có thể giảm sâu hơn, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Kế hoạch tăng dư nợ tín dụng cả năm từ 8 -10% như Ngân hàng nhà nước đã tuyên bố trước đây khó có thể đạt được. Tình trạng nợ xấu vẫn là vấn đề nan giải nhất trong vấn đề kinh tế vĩ mô hiện nay, nên khả năng hấp thụ tín dụng của doanh nghiệp là rất hạn chế. Trừ phi Chính phủ có “chủ trương” khoanh nợ cho một số ngành, và lĩnh vực mới có cơ hội để tăng tín dụng cho nền kinh tế. Tỷ giá VND dao động với biên độ 1 - 2 % từ nay đến cuối năm là phù hợp. Trong chính sách tài khóa, giảm thu ngân sách theo kế hoạch trong năm 2012 đang là vấn đề khó khăn mà Chính phủ phải đối phó những tháng cuối năm.
Kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốc độ tăng trưởng nhưng rất chậm. Những khó khăn trước mắt sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2013. Do đó, trong năm 2013 kinh tế nhìn chung vẫn ở trong tình trạng trì trệ, với tốc độ tăng GDP chỉ có thể nhích hơn năm 2012 đôi chút (khoảng 5,5%). Các loại thị trường đều chưa thể khởi sắc, đầu tư chưa thể tăng nhanh, sức mua vẫn tăng chậm. Thị trường bất động sản chưa thể phục hồi. Thị trường chứng khoán chưa lấy được niềm tin. CPI sẽ giữ ở mức tăng như năm 2012 – TS. Trần Du Lịch. |
Lê Chi (thực hiện)
petrotimes
|