Chủ Nhật, 07/10/2012 14:10

Phải thay đổi tư duy về nợ công và doanh nghiệp nhà nước

Phải thay đổi tư duy một cách triệt để về nợ công và doanh nghiệp nhà nước nếu muốn đất nước phát triển lành mạnh. Những nghiên cứu quốc tế và trong nước gần đây cung cấp bằng chứng đầy thuyết phục cho sự không thể đứng vững của quan điểm "khu vực kinh tế nhà nước là chủ đạo".

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đang diễn ra của Đảng Cộng sản Việt Nam nên bàn kỹ để có quyết định khẩn cấp về thay đổi tư duy liên quan đến 2 lĩnh vực quan trọng này.

C. M. Reinhart và K. S. Rogoff- hiện là hai giáo sư nổi tiếng của Đại học Harvard- trong cuốn sách xuất bản năm 2009 và hàng loạt bài nghiên cứu sau đó của họ, đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng, lạm phát, khủng hoảng ngân hàng...

Họ phân tổng nợ dưới 30% GDP là mức thấp; từ 30 đến 60% GDP là mức vừa; từ 60 đến 90% GDP là mức cao; và trên 90% GDP là mức rất cao.

Họ phân tích chuỗi số liệu thống kê của 70 nước (cả đã phát triển và đang phát triển và chiếm 90% GDP [tổng sản phẩm quốc nội] của thế giới) trong thời gian từ 1800 đến 2011 và rút ra những kết luận đáng chú ý.

Dựa trên số liệu từ năm 1946 đến 2009 của 20 nền kinh tế tiên tiến, họ thấy mức tăng trưởng GDP trung bình là 3,7%/năm khi mức nợ công [nợ bên ngoài và nội địa của chính phủ] thấp, 3%/năm khi mức nợ vừa; 3,4% khi mức nợ cao; và - 0,3% khi mức nợ rất cao. Có ngưỡng rõ ràng ở mức nợ 90% GDP.

Đối với các nền kinh tế mới nổi, ngưỡng nhỏ hơn đáng kể: Phân tích số liệu từ năm 1946 đến 2009 của 24 nền kinh tế mới nổi, họ thấy mức tăng trưởng trung bình hằng năm là: 4,3% cho nhóm nợ công thấp; 4,8% cho nhóm vừa; 4,1% cho nhóm cao; và 1,3% cho nhóm rất cao. Với các thị trường mới nổi thì lạm phát tăng rất mạnh khi nợ công gia tăng.

Vì các nền kinh tế mới nổi thường phụ thuộc nhiều vào nợ nước ngoài, các tác giả cũng xem xét riêng nợ bên ngoài (của chính phủ và tư nhân): Ngưỡng đối với nợ nước ngoài là thấp hơn đáng kể so với ngưỡng của tổng nợ công, tăng trưởng giảm đáng kể khi mức nợ bên ngoài đạt 60% GDP. Với 20 nền kinh tế mới nổi trong khoảng từ năm 1970-2009 cho thấy, tăng trưởng trung bình là 5,4% khi nợ thấp; 5% khi vừa; 2,4% khi nợ cao; và -0,2% khi nợ rất cao.

Phân tích số liệu từ năm 1800-2010, cũng hai tác giả trên đã phát hiện hình mẫu chung rất không may trong các cuộc khủng hoảng tài chính, khủng hoảng ngân hàng, tiền tệ, nợ và lạm phát. Các triệu chứng dẫn đến khủng hoảng là: Dòng vốn chảy vào lớn; giá cổ phiếu tăng mạnh; giá nhà đất tăng mạnh; quỹ đạo tăng trưởng hình chữ V ngược; nợ nần tăng đáng kể.

Các tác động khuếch đại gồm: Các chính sách kinh tế vĩ mô thuận chu kỳ; nợ bị che giấu; đồng tiền bị định giá cao; điều tiết kém; giám sát kém; sự lừa đảo trắng trợn; đánh giá tín nhiệm tín dụng thiển cận.

Hậu quả của khủng hoảng là nợ công tăng cao sau khủng hoảng (tăng khoảng 86% trong các tình huống khủng hoảng sau Chiến tranh thế giới II), thất nghiệp kéo dài và người dân chịu vô vàn thống khổ.

Dưới ánh sáng của những kết quả đáng chú ý trên, hãy ngó qua tình hình nợ công của Việt Nam.

Theo bản tin nợ nước ngoài số 6 của Bộ Tài chính, tổng nợ nước ngoài của chính phủ và được Chính phủ bảo lãnh theo thứ tự từ năm 2006 đến 2009 là 15,64 tỉ USD (31,4% GDP); 19,25 tỉ USD (32,5% GDP); 21,82 tỉ USD (29,8% GDP); 27,93 tỉ USD (39% GDP); và đến 30.6.2010 là 29 tỉ USD. Lưu ý rằng, nợ nước ngoài đã tăng gần 2 lần (1,85 lần) trong vòng 3,5 năm (mức tăng trung bình khoảng 19%/năm).

Báo cáo kinh tế Việt Nam 2012 của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội dẫn số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, nợ nước ngoài của Việt Nam từ năm 2010 và 2011 là 42,2 và 41,5% GDP. Theo đà này thì 4-5 năm, nếu không phải sớm hơn nhiều, sẽ đến ngưỡng nguy hiểm cho các nền kinh tế mới nổi. Trong khi đó, tổng nợ công từ năm 2009 đến 2011 là 52,6; 57,3; và 54,6% GDP.

Đấy là những số liệu chính thức. Số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều. Số nợ công trên chỉ là số của chính phủ trung ương, nếu tính số nợ của các chính quyền địa phương nữa, thì con số sẽ lớn hơn rất nhiều. Bài tuần trước đã nói đến món nợ hơn 91 ngàn tỉ của các chính quyền địa phương đã quá hạn (tổng nợ có thể lớn hơn nhiều lần số quá hạn). Theo kinh nghiệm quốc tế về nợ nội địa trong thời gian từ năm 1900-2006, nợ công nội địa của 64 nước chiếm khoảng 2/3 tổng nợ công. Và nếu ở Việt Nam cũng thế thì mức nợ công đã vượt quá ngưỡng 90% GDP rồi!

Đó là chưa nói đến nợ của các doanh nghiệp nhà nước, mà cuối cùng cũng sẽ làm tăng đáng kể nợ công. Theo Bộ Tài chính, tổng nợ phải trả của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước lên đến 1.043.890 tỉ đồng - bằng cỡ 40% tổng dư nợ của nền kinh tế và khoảng 50% GDP. Chính vì thế, giới hạn nợ công bằng 65% GDP mà Bộ Tài chính đưa ra phải được xem xét lại một cách nghiêm túc.

Đáng ngại hơn, theo Đinh Tuấn Minh cho biết, tại Diễn đàn kinh tế mùa thu vừa qua tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước lên đến 200.000 tỉ đồng - chiếm đến 70% nợ xấu của toàn hệ thống, trong đó phần lớn (153 ngàn tỉ đồng) là "công trạng" của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước! Như thế, tổng nợ xấu lên đến 285,7 ngàn tỉ đồng (cỡ 13,6 tỉ USD ~ 10% GDP). Các ngân hàng quốc doanh cũng dẫn đầu về mức nợ quá hạn (gấp đôi mức của các ngân hàng thương mại tư nhân) và nợ xấu.

Không chỉ Nhà nước phải lo giải quyết các tập đoàn như Vinashin và Vinalines, mà chuyện "cay đắng ximăng: Tập đoàn đổ nợ cho Chính phủ" là chuyện sẽ còn xảy ra.

Cả lý thuyết và thực tiễn quốc tế cũng như Việt Nam cho thấy khu vực kinh tế nhà nước chính là vấn đề của nền kinh tế, chứ không thể giữ vai trò chủ đạo.

Nguyễn Quang A

Lao động

Các tin tức khác

>   Ông Vũ Thành Tự Anh: “Việt Nam có đủ tiềm năng để tăng trưởng bền vững” (05/10/2012)

>   53 tập đoàn, tổng công ty đã xây dựng đề án tái cơ cấu (05/10/2012)

>   Kinh tế Việt Nam: Từ 9 tháng nhìn đến cả năm (05/10/2012)

>   FDI vào TPHCM: dự án cũ tăng vốn, dự án mới giảm mạnh (03/10/2012)

>   "Không thể quản lý giá bằng quyết định hành chính" (03/10/2012)

>   Chấm dứt đổi chiều, giật cục chính sách (03/10/2012)

>   9 tháng, bội chi ngân sách (03/10/2012)

>   ADB hạ triển vọng tăng trưởng Việt Nam xuống 5,1% (03/10/2012)

>   Chặn ngay nguy cơ tái lạm phát (03/10/2012)

>   HSBC dự báo lãi suất OMO sẽ duy trì 8% đến hết năm (02/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật