Thứ Tư, 03/10/2012 09:26

Chặn ngay nguy cơ tái lạm phát

Nền kinh tế đất nước đã đi qua 3/4 thời gian của năm 2012 với sự gắng sức cao nhất để tiến gần hơn những mục tiêu đề ra. Đến nay, dựa trên những diễn biến có thể tác động, khả năng ứng phó, nhất là sự chỉ đạo từ Chính phủ, bức tranh kinh tế 9 tháng qua tuy chưa đạt như mong muốn, nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu khả dĩ hơn...

Chưa đạt như mong muốn

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2012 tăng 4,73% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tốc độ tăng GDP các quý nhích dần: quý I: 4%; quý II: 4,66%; quý III: 5,35%. Mức tăng trưởng kinh tế trên là hợp lý trong điều kiện cả nước tập trung thực hiện mục tiêu năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Sản xuất công nghiệp từng bước "ấm" dần dù không đều. Tuy nhiên, xu hướng chuyển biến, dù là rất chậm đã xuất hiện khiến chỉ số tồn kho đầu tháng 9 của ngành công nghiệp chế biến hạ thấp hơn, với mức tăng 20,4% so với năm trước, vẫn còn khá cao nhưng có xu hướng giảm dần.

Thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng đạt 9,526 tỷ USD, bằng 72,1% cùng kỳ; riêng vốn đã giải ngân đạt 8,1 tỷ USD, gần bằng mức cùng kỳ được đánh giá là khá tích cực. Những con số trên tuy chưa đạt mong muốn nhưng đã minh chứng cho khả năng duy trì mức ổn định cao nhất có thể của nền kinh tế, trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài gặp khó, Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều quốc gia để thu hút nguồn vốn ngoại.

Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 83,8 tỷ USD, tăng 18,9% cùng kỳ, gồm: khu vực kinh tế trong nước đạt 31,3 tỷ USD, giảm 0,6%; khu vực vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 52,5 tỷ USD, tăng 34,6%. Đáng lưu ý, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng cao nhờ sự đóng góp thiết thực của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, với những mặt hàng chủ yếu như: điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may... Kết quả xuất khẩu đã bù đắp cho những suy giảm của nền kinh tế, nhất là tạo đầu ra cho sản xuất. Đặc biệt, đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 mặt hàng so với tháng trước, trong đó có sự xuất hiện lần đầu của nhóm hàng sắn và sản phẩm chế biến từ sắn; máy ảnh/quay phim và linh kiện.

Mặc dù vậy, nền kinh tế cũng bộc lộ những hạn chế là nguy cơ tái lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 ở mức tăng 2,2% so với tháng trước; sản xuất công nghiệp chậm phục hồi, tồn đọng sản phẩm, sức mua nội địa trầm lắng...

Hướng tới mục tiêu tăng trưởng hợp lý

Những diễn biến 9 tháng qua cho thấy nền kinh tế đã và sẽ còn hứng chịu nhiều khó khăn, chưa thể sớm bứt phá. Trong hoàn cảnh đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khơi thông các nguồn lực nhằm vượt qua rào cản, hỗ trợ cộng đồng DN giữ vững nhịp độ và từng bước tăng trưởng; tạo đà ổn định đời sống dân sinh trong 3 tháng cuối năm.

Để ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất, Chính phủ kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, trọng tâm là Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 13/NQ-CP. DN sẽ tiếp tục được hỗ trợ thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, tập trung vào quá trình đăng ký thành lập DN mới, thuế và hải quan; xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu; hoãn, giãn, giảm các loại thuế... để DN có thêm điều kiện duy trì hoặc phục hồi sản xuất. Về phòng chống nguy cơ lạm phát, các bộ, ngành, địa phương đang quan tâm đến diễn biến thị trường, nhất là việc áp dụng mức phí dịch vụ y tế mới và diễn biến giá cả của những mặt hàng thành phần tính trong "rổ" hàng hóa. Các đơn vị chăn nuôi, hiệp hội ngành hàng phân phối lưu ý thỏa đáng và có biện pháp giảm khả năng tăng giá thực phẩm, dưới tác động của tăng giá thức ăn chăn nuôi, cũng như nhu cầu tiêu thụ gia cầm tăng cao dịp cuối năm. Tất cả nhằm triệt tiêu yếu tố gây áp lực lên CPI cả năm.

Nhằm ổn định đời sống xã hội, Chính phủ chủ trương lành mạnh thị trường nội địa, tăng cường quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng lậu để bảo vệ DN chân chính; đẩy nhanh tiến độ những công trình, dự án quan trọng cấp quốc gia theo hướng giải ngân nhanh, kết hợp hỗ trợ tiêu thụ nguyên, vật liệu trong nước; khuyến khích xuất khẩu và tăng cường thu hút ĐTNN...

Theo đại diện một số tổ chức quốc tế nhận xét, trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường toàn cầu rơi vào diễn biến khó lường, kết quả phát triển kinh tế Việt Nam 9 tháng qua là chấp nhận được; đồng thời đã xuất hiện những dấu hiệu khả dĩ hơn. Đó là xu hướng GDP tăng dần qua các quý - từ đó cho phép vươn lên, đạt mức 5,2% cả năm...

Hồng Sơn

Hà Nội mới

Các tin tức khác

>   HSBC dự báo lãi suất OMO sẽ duy trì 8% đến hết năm (02/10/2012)

>   Thu hút FDI Nhật: Thời điểm mới, cơ hội không mới (02/10/2012)

>   Việt Nam trước làn sóng FDI đang trở lại (02/10/2012)

>   Năm nay có thể nhập siêu 1-1,5 tỷ đô la (01/10/2012)

>   Bộ Công Thương: CPI tăng nhưng không quá lo ngại (01/10/2012)

>   HSBC: Chỉ số PMI ngành sản xuất tháng 9 tăng nhẹ trở lại (01/10/2012)

>   Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2012 (01/10/2012)

>   Tăng trưởng GDP năm 2013 dự báo ở mức 4 - 5% (01/10/2012)

>   Hai kịch bản cho CPI tháng 10 (01/10/2012)

>   Cần một gói kích thích kinh tế mới? (01/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật