Thứ Ba, 02/10/2012 06:55

Thu hút FDI Nhật: Thời điểm mới, cơ hội không mới

Nhật tiếp tục dẫn đầu nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Trong xu thế chuyển dịch hoạt động ra nước ngoài và tìm kiếm các địa điểm mới bên ngoài Trung Quốc để giảm rủi ro do đầu tư tập trung, liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội?

Theo ông Hiromi Goto, trợ lý giám đốc kinh doanh của Sodick Thailand, nhà sản xuất và cung cấp các loại máy phun và CNC hàng đầu của Nhật, thương hiệu Sodick đã có mặt tại Việt Nam từ sáu năm trước nhưng hiện Sodick muốn tăng cường phát triển tại đây.

FDI đang dựa vào người Nhật

Hoạt động của Sodick là cách nhiều doanh nghiệp Nhật thực hiện tại Việt Nam gần đây: các tập đoàn lớn gia tăng sự hiện diện qua các công ty con trong khu vực hoặc tăng sản xuất tại các nhà máy sẵn có tại Việt Nam. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài nhờ vào các chính sách hỗ trợ của chính phủ. Cách thức đầu tư của các doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam hiện cũng thay đổi: không chỉ tận dụng nhân công rẻ cho sản xuất mà còn đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.

Theo số liệu của cục Đầu tư nước ngoài, hầu hết các chỉ tiêu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong chín tháng đầu năm nay đều giảm so với cùng kỳ năm 2011. Tổng vốn FDI chín tháng đạt 9,5 tỉ USD, chỉ bằng 72% cùng kỳ 2011, nhưng con số này được nâng đỡ mạnh từ nguồn FDI Nhật, chiếm xấp xỉ 50%. FDI từ Nhật thực sự tăng vọt gần đây, từ ngoài tốp 5 năm 2010 lên vị trí thứ 3 năm 2011 và dẫn đầu năm 2012.

Theo dự báo của phòng Thương mại và công nghiệp Nhật (JCCI), số doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật vào Việt Nam sẽ tăng 2 – 3 lần trong vài năm tới, do nền kinh tế Nhật gặp nhiều khó khăn, đồng nội tệ tăng giá, nguồn điện thiếu hụt. Ông Toshio Nakamura, giám đốc điều hành JCCI, cho rằng nhu cầu này làm thay đổi xu hướng đầu tư trong doanh nghiệp Nhật, trước đây các doanh nghiệp lớn ra nước ngoài kéo theo các doanh nghiệp nhỏ nhưng nay dòng đầu tư này trở nên độc lập. Mặt khác, gần đây Việt Nam đã có các khu công nghiệp dành riêng cho công nghiệp hỗ trợ, là động lực gia tăng dòng đầu tư này. Các địa phương khá thành công trong thu hút vốn Nhật như Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai…

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Tadashi Kikuchi, tuỳ viên kinh tế tổng lãnh sự quán Nhật, cho rằng đầu tư của Nhật vào Việt Nam không nằm trong xu hướng căng thẳng thương mại giữa Nhật – Trung, từ những năm trước các doanh nghiệp Nhật đã xem Việt Nam là điểm đến độc lập với Trung Quốc. Doanh nghiệp Nhật cũng đặt kỳ vọng vào việc hợp tác giữa hai nước trong nhu cầu công nghiệp hoá nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Tadashi, để tránh tập trung những tập đoàn lớn của Nhật sẽ chọn nhiều điểm đầu tư và việc chọn lựa được xét đến các rủi ro, đặc biệt là về năng lực của chuỗi cung ứng. Nếu tính theo yếu tố này thì nhiều ngành không thể chọn được tại Việt Nam. Ngành xe hơi là một ví dụ, vì chuỗi cung ứng chưa phù hợp, thị trường xe hơi Việt Nam cũng chưa phát triển. “Ưu tiên của doanh nghiệp Nhật trong chọn Việt Nam là ngành công nghiệp phụ trợ vốn phù hợp với các DNNVV”, ông Tadashi nói.

Cơ hội không chỉ riêng Việt Nam

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Việt Nam đang gặp thuận lợi từ dòng vốn Nhật, đặc biệt là nhu cầu tìm kiếm các dịch vụ phụ trợ sau những khó khăn do thiên tai trong nước lẫn nước ngoài (Thái Lan), chi phí lao động trong nước tăng cao, đồng yen tăng giá... “Xu hướng này đã rõ, vấn đề là trong nước đáp ứng như thế nào, việc thu hút FDI cần thể chế tốt và phải giải quyết được những thách thức về cơ sở hạ tầng, những yếu kém về nguồn nhân lực và các chính sách gắn kết với đội ngũ doanh nghiệp trong nước”, ông Doanh nói.

Các nước trong khu vực cũng sẵn sàng tạo ra sức hấp dẫn để thu hút dòng vốn FDI. Bên cạnh Thái Lan, Malaysia vốn có thế mạnh thì Indonesia, Philippines cũng là các địa điểm được ưa chuộng cùng sự trỗi dậy của Myanmar. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, căng thẳng thương mại với Trung Quốc có những tác động nhất định, nhưng thực ra từ bảy năm trước doanh nghiệp Nhật đã có xu hướng chuyển dịch đầu tư để giảm tập trung. Sau sự kiện này chắc chắn sự chuyển dịch sẽ tăng mạnh và Nhật đang có nhiều lựa chọn chứ không chỉ Việt Nam.

Vấn đề là chúng ta có xoay chuyển được tình thế khi họ có nhu cầu. Trong bản đồ đầu tư của châu Á, các nước khác cũng sẽ điều chỉnh. Muốn tận dụng được các cơ hội như vậy Việt Nam phải chứng minh khả năng thu hút FDI và các mong muốn hợp tác nghiêm túc mới là điều kiện tốt kéo dòng FDI vào. “Việt Nam thuận lợi bởi Nhật là đối tác có sự tin cậy về phát triển, là đối tác lớn về nguồn ODA, đầu tư lẫn thương mại… Tuy nhiên muốn thu hút FDI Nhật hiệu quả thì phải có sự chuẩn bị và chủ động”, bà Lan phân tích.

Theo khảo sát của JCCI, các yếu tố doanh nghiệp Nhật lo ngại về môi trường kinh doanh Việt Nam là: yếu kém về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt những bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài khiến các kế hoạch kinh doanh bị động, chi phí tăng cao khó kiểm soát làm rủi ro tăng lên. Các chuyên gia cho rằng, hơn mười năm trước Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội đón làn sóng đầu tư Nhật cũng do những nguyên nhân này, và các doanh nghiệp Nhật đã chọn Trung Quốc. Hiện nay dù Việt Nam đã thuận lợi hơn, nhưng những thách thức đó vẫn còn rất lớn.

Tuyết Ân

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Việt Nam trước làn sóng FDI đang trở lại (02/10/2012)

>   Năm nay có thể nhập siêu 1-1,5 tỷ đô la (01/10/2012)

>   Bộ Công Thương: CPI tăng nhưng không quá lo ngại (01/10/2012)

>   HSBC: Chỉ số PMI ngành sản xuất tháng 9 tăng nhẹ trở lại (01/10/2012)

>   Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2012 (01/10/2012)

>   Tăng trưởng GDP năm 2013 dự báo ở mức 4 - 5% (01/10/2012)

>   Hai kịch bản cho CPI tháng 10 (01/10/2012)

>   Cần một gói kích thích kinh tế mới? (01/10/2012)

>   4 kiến nghị của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (30/09/2012)

>   Nhận diện vốn đầu tư 9 tháng (30/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật