FDI vào TPHCM: dự án cũ tăng vốn, dự án mới giảm mạnh
Đã hết 3 quí của năm 2012 nhưng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới vào TPHCM tiếp tục bị giảm mạnh và phần lớn nguồn vốn mới dựa vào các doanh nghiệp đang hoạt động tăng vốn mở rộng đầu tư.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, mặc dù trong 9 tháng đầu năm nay toàn thành phố có đến 278 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng 3,35% so với cùng kỳ năm ngoái nhung tổng vốn đầu tư cam kết của các dự án này chỉ đạt hơn 447,5 triệu đô la Mỹ, giảm đến 76,4% so với cùng kỳ. Phần lớn dự án mới đều có quy mô nhỏ.
Bù lại, trong cùng thời gian này, toàn thành phố có đến 85 dự án FDI đang hoạt động đăng ký tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 623 triệu đô la Mỹ, tăng 78,73% so với cùng kỳ. Mức tăng này cao hơn rất nhiều so với tổng vốn đăng ký mới của các dự án mới được cấp phép.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư hiện hữu tăng vốn để mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh, bổ sung thêm ngành nghề mới… Trong số này các dự án tăng thêm vốn nhiều gồm Nhà máy Bia Việt Nam (Singapore) tăng thêm 68,1 triệu đô la Mỹ, tập đoàn Nidec (Nhật) tăng thêm 40 triệu đô la Mỹ, Lotte Việt Nam (Hàn Quốc) tăng thêm 25 triệu đô la Mỹ, BMS Việt Nam (Singapore) tăng 11,8 triệu đô la Mỹ,…
Như vậy, tính chung tổng vốn đầu tư (kể cả cấp mới lẫn tăng vốn) trong 9 tháng đầu năm nay tại TPHCM là 1,07 tỉ đô la Mỹ, chỉ bằng 47,47% cùng kỳ năm 2011.
Tuy nhiên theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, kết quả chung này giảm do trong cùng thời gian này của năm 2011, Ban Quản lý các Khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Công ty TNHH First Solar Việt Nam (hiện dự án đã dừng triển khai) với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ đô la Mỹ nên đã đẩy tổng vốn đầu tư năm 2011 lên cao.
Mặt khác, mặc dù tổng quan thu hút đầu tư nguồn vốn FDI vào TPHCM bị giảm mạnh, nhưng xét thời gian ngắn gần đây thì đang có chiều hướng tăng nhẹ trở lại. Cụ thể chỉ tính riêng quí 3, tổng số dự án FDI được cấp mới là 100 dự án (tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái), với tổng vốn đăng ký là gần 200 triệu đô-la Mỹ (tăng đến 70,6% so với cùng kỳ năm 2011). Ngoài ra trong quí này, TPHCM cũng có 35 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là hơn 128 triệu đô-la Mỹ. Tính chung tổng vốn đầu tư (kể cả cấp mới lẫn tăng vốn) quí 3-2012 đạt hơn 327 triệu đô-la Mỹ, tăng 32,23% vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2011.
Chín tháng đầu năm nay dù thị trường bất động sản cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nguồn vốn FDI mới trong lĩnh vực bất động sản vào TPHCM cũng đạt hơn 117,6 triệu đô la Mỹ với 7 dự án được cấp phép. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn cam kết cao thứ hai đạt gần 94 triệu đô la Mỹ với 29 dự án và lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có vốn đăng ký cao thứ 3 đạt khoảng 89 triệu đô la Mỹ với 91 dự án được cấp phép…
Quốc Hùng
TBKTSG
|