Thứ Hai, 15/10/2012 09:30

Rủi ro nợ ngân hàng, nhà đầu tư "hốt hụi chót"

Thực tiễn trên sàn chứng khoán đã chỉ rõ, rủi ro lớn nhất của nhà đầu tư là cổ phiếu mình sở hữu bị hoặc sẽ bị hủy niêm yết vì doanh nghiệp thua lỗ lớn, thậm chí phá sản. Hầu hết các cổ phiếu dạng này (DVD, VSP, THV…) chịu “chết” vì nợ ngân hàng quá lớn, lớn cả về số lượng tiền và lớn cả về tỷ lệ “gấp nhiều lần” vốn chủ sở hữu.

Và thực tiễn này sẽ ngày càng rõ dần khi hàng loạt các đơn vị nợ ngân hàng “quá lớn” lâm vào tình trạng “ngày càng bế tắc” trong kinh doanh và trả nợ, dẫn đến khả năng phá sản có thể phải xảy ra. Nhất là các đơn vị nợ lớn ngành bất động sản, vận tải biển. Đây là “bi kịch” đối với nhà đầu tư và thị trường, và “vết thương niềm tin” này phải cần thời gian khá dài để có thể “phai nhòa”. Đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân của bi kịch nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm cũng là điều cần thiết hiện nay.

Vì sao nợ ngân hàng tại doanh nghiệp niêm yết có thể “quá lớn”? Câu trả lời trực tiếp là mỗi ngân hàng đã cho vay doanh nghiệp số tiền lớn và nhiều ngân hàng đã “bu vào” cho vay như thế, tạo hiệu ứng “tổng” đẩy số nợ lên “khổng lồ”.

Tại sao từng ngân hàng lại có thể cho doanh nghiệp niêm yết vay số tiền lớn đến thế? Câu trả lời trực tiếp là ngân hàng thường cho doanh nghiệp niêm yết vay bằng cơ chế tín dụng “thoáng” khi nhận thế chấp “chính dự án vay vốn” như dự án chung cư, con tàu, hoặc thế chấp “kho hàng”, máy móc thiết bị, cổ phiếu… Khác với việc ngân hàng cho một doanh nghiệp tư nhân vay, phải thế chấp bằng tài sản đảm bảo khác (như chủ quyền nhà, đất người vay), dẫn đến khống chế dư nợ cho vay vì phải thấp hơn giá trị tài sản đảm bảo ban đầu.

Tại sao ngân hàng thường “mạnh tay” áp dụng cơ chế “tín dụng thoáng” với doanh nghiệp niêm yết? Câu trả lời có lẽ là ngân hàng còn dựa vào “tuyến hai” là vốn chủ sở hữu doanh nghiệp. Ở doanh nghiệp niêm yết, vốn chủ sở hữu là “vốn có thật”, khác với doanh nghiệp khác có thể là vốn “tự khai khi xin giấy phép”.

Ngân hàng “tin rằng” nếu lỡ rủi ro ở tài sản thế chấp “thoáng”, ngân hàng “còn đó” vốn chủ sở hữu để thu nợ bù vào. Thậm chí ngân hàng còn nhìn vào “tiềm năng” ở “tuyến ba” khi đơn vị có thể phát hành thêm vốn để lấy tiền trả nợ ngân hàng nếu “tuyến hai” gặp khó khăn.

Tính toán như trên ở từng ngân hàng có thể đúng nhưng trong thực tế, vốn chủ sở hữu chỉ có thể “bù” cho một ngân hàng, không thể “bù” cho cả một hội chợ ngân hàng cho vay “thoáng”. Và “tuyến ba” không thể huy động tham gia “trả nợ ngân hàng” như mong mỏi vì nhà đầu tư tẩy chay mua vào trước thực trạng kinh doanh bi bét của đơn vị.

Đến đây, khi nhà đầu tư “mất vốn nặng nề” thì ngân hàng cũng phải đồng hành trong “tổn thất vốn tín dụng".

Bên cạnh sự hỗ trợ “mạnh và thoáng” từ ngân hàng, doanh nghiệp chỉ có thể vay nợ “khổng lồ” bằng quyết tâm và tài “thuyết phục” giỏi của CEO đơn vị với ngân hàng. Vay nợ lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu là “phiêu lưu lớn trong kinh doanh”. Tại sao các CEO đã dũng cảm “phiêu lưu” như thế? Câu trả lời có lẽ là trong cuộc phiêu lưu kinh doanh này, nếu “thắng to” thì không hiểu cổ đông có được gì nhưng nếu thất bại hoặc “trắng tay” thì có lẽ cổ đông “hưởng trọn” vì các CEO sẽ tìm cách “thoái sạch vốn” trước khi công khai vấn đề như nhiều bài học trên sàn.

CEO doanh nghiệp niêm yết khác với ông chủ doanh nghiệp tư nhân, người phải mất hết tài sản khi vốn vay không hiệu quả.

Mọi người đều biết rằng khi đầu tư hoặc mua sắm tài sản lớn, người mua đều nhận được “đền ơn” của người bán. CEO đơn vị sẽ hưởng khoản này. Khi khoản đầu tư có hiệu quả, điều may mắn với cổ đông là doanh nghiệp có thể thu hồi vốn trả nợ ngân hàng. Đã hiếm thấy nhà đầu tư hưởng lợi đáng kể từ các khoản đầu tư có nguồn vay nợ “khủng” của ngân hàng. Chỉ thấy đa phần là nhà đầu tư “chết lặng” vì những khoản “nợ khủng” này. Thậm chí có những CEO doanh nghiệp niêm yết đã vội “cắt ngọn, ăn chặn” nhà đầu tư như bài học từ PVL, VKP.

Việc ngân hàng cho doanh nghiệp niêm yết vay nợ “khủng” thường không được bàn bạc và có Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Trong mô hình vay nợ “khủng” này, người có thể “hưởng lợi và thoát thân, thoát vốn an toàn” lại chính là chủ thể của sự việc, đó là CEO đơn vị. Người phải nhận “bi kịch mà mình không được bàn bạc, quyết định” là nhà đầu tư.

Người quyết định cho vay “thoáng” dẫn đến tổn thất vốn ngân hàng là bộ phận nghiệp vụ tín dụng. Người chịu “tổn thất vốn từ hoạt động tín dụng” là những cổ đông ngân hàng cho vay. Thực tiễn này có nhiều bất cập cần phải hiệu chỉnh để có thể phát triển thị trường chứng khoán ở cả doanh nghiệp vay vốn lẫn doanh nghiệp ngân hàng.

Thực tiễn phải công nhận hiện nay là những doanh nghiệp niêm yết không nợ hoặc nợ ngân hàng không đáng kể thường phát triển tốt và ổn định, hiếm gặp rủi ro lớn. Là những “niềm tin còn lại” của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán hiện nay.

Đã đến lúc thị trường mong rằng Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán cùng ngồi lại để đưa ra mô hình ngân hàng cho doanh nghiệp niêm yết vay theo hướng những khoản đầu tư lớn của doanh nghiệp niêm yết nên để cổ đông bàn bạc quyết định. Đại hội cổ đông quyết định đầu tư lớn thì nên kèm theo đó quyết định bổ sung vốn bằng phát hành là chính, tín dụng là phụ. Những khoản tín dụng trên giới hạn nào đó cần được sự đồng thuận của Đại hội đồng cổ đông.

Nguyễn Đình Dũng (Vietstock)

ffn

Các tin tức khác

>   TAS: Bị chấm dứt tư cách thành viên trên HNX (13/10/2012)

>   DongABank chính thức tăng vốn lên 5,000 tỷ đồng (12/10/2012)

>   TMP: Góp 48.3 tỷ đồng nắm quyền chi phối Thủy điện Dakrosa (12/10/2012)

>   DIC: 9 tháng lãi 4.4 tỷ đồng, HĐQT giảm ½ kế hoạch năm (12/10/2012)

>   VNM: Doanh thu 9 tháng đạt gần 1 tỷ USD (12/10/2012)

>   Bán khống: Chứng khoán HSC và nhân viên lừa… nhà đầu tư? (12/10/2012)

>   TS4: Điều chỉnh bổ sung Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên (12/10/2012)

>   ITD hỗ trợ công ty con và liên kết trả nợ cho ACB (12/10/2012)

>   SVC: Ước 9 tháng thu nhập cổ đông công ty mẹ đạt 98% kế hoạch (12/10/2012)

>   DDM: Cổ đông không muốn bán tàu, vậy lấy gì trả nợ? (12/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật