Thứ Hai, 15/10/2012 17:06

Kích cầu tín dụng cuối năm

Bên cạnh đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp với khách hàng doanh nghiệp, nhiều NHTM đã tung ra sản phẩm tín dụng tiêu dùng nhằm thu hút khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, nhiều NHTM kiến nghị tháo gỡ thủ tục hành chính để khơi thông dòng vốn, giúp các NHTM có thể xử lý nhanh nợ xấu.

Kiến nghị gỡ khó

Trong một cuộc họp mới đây, nhiều NHTM kiến nghị Bộ Tư pháp tháo gỡ những khó khăn liên quan đến đăng ký giao dịch bảo đảm. Theo đó, trong điều kiện doanh nghiệp thiếu tài sản bảo đảm là bất động sản có thể thế chấp bằng hàng tồn kho.

Tuy nhiên điều này khó được chấp nhận, bởi thực tế đã xảy ra trường hợp doanh nghiệp dùng một tài sản để thế chấp vay tiền tại nhiều NH, gây rủi ro rất lớn. Vì vậy, để việc thế chấp tài sản hàng tồn kho được thuận tiện, các NHTM đề nghị Bộ Tư pháp hỗ trợ thông tin về quy định bảo đảm, thực trạng tài sản khách hàng đem cầm cố, thế chấp, nhằm phòng ngừa rủi ro.

Ngoài ra, nhiều NHTM cho biết theo Điều 13 Nghị định 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm, trường hợp yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm tiếp theo, người yêu cầu đăng ký không phải xóa đăng ký đối với giao dịch bảo đảm đã đăng ký trước đó.

Nhưng thực tiễn đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất cho thấy một số văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất yêu cầu phải xóa đăng ký thế chấp của khoản vay cũ, đã gây khó khăn cho hoạt động của NH, hạn chế khả năng tiếp cận vốn của khách hàng.

Các NHTM cũng kiến nghị cần có những quy định rõ trách nhiệm của công chứng viên trong chứng thực các văn bản liên quan đến cầm cố, thế chấp để đảm bảo quyền lợi cho NHTM khi xảy ra tranh chấp về tài sản liên quan đến các văn bản đã được công chứng, chứng thực.

Về việc thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để vay vốn sản xuất kinh doanh, các NHTM đề nghị bổ sung các tổ chức kinh tế được thế chấp quyền sử dụng đất để đảm bảo cho các mục đích hợp pháp khác ngoài mục đích vay vốn sản xuất kinh doanh, như phát hành bảo lãnh, mở L/C, bao thanh toán...

Theo một lãnh đạo NHTM, khi khách hàng không trả được nợ vay, NHTM có quyền khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, hiện nay, thời gian tòa án giải quyết vụ án rất chậm, có trường hợp kéo dài vài năm, ảnh hưởng đến việc thu nợ của NH, nhất là các vụ án liên quan đến tài sản bảo đảm là hàng hóa, vì thời gian xử lý lâu giá trị tài sản sẽ giảm, không đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi phát mãi tài sản.

Để tạo điều kiện cho NHTM giải quyết nhanh chóng nợ xấu, tòa án các cấp nên thực hiện đúng quy định của pháp luật về thời hạn giải quyết vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên cho vay.

Kích tín dụng cá nhân

Mảng tín dụng doanh nghiệp dù có hồi phục nhưng vẫn còn chậm chạp, nên hiện nay nhiều NHTM đã kích cầu tín dụng cuối năm ở mảng khách hàng cá nhân với nhiều chương trình cho vay ưu đãi. Đơn cử, OCB có thế mạnh ở mảng tín dụng mua ô tô.

Nếu trước đây NH này chủ yếu cho vay mua ô tô mới, nay cho vay mua cả ô tô cũ với lãi suất ưu đãi 15,5%/năm. Bắt đầu từ tháng 10 ABBank cũng tung ra chương trình “Cho vay dễ dàng - Nhận ưu đãi lớn” cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân với lãi suất giảm 2%/năm so với lãi thông thường.

Ngoài ra, tùy vào số tiền vay và mục đích vay NH sẽ có quà tặng ngay cho khách hàng vay vốn. Trong khi đó, tại VPBank khách hàng vay vốn mua nhà được NH tặng quà là hộp nhựa cao cấp.

Tuy nhiên, một lãnh đạo ACB cho biết dù kéo giảm lãi suất cho vay nhưng lượng khách hàng cá nhân vay rất ít, bởi khách hàng có nhu cầu mua nhà thực sự, với thu nhập hàng tháng khó đủ khả năng trả nợ gốc và lãi vay, trong khi nhiều người dân cũng hạn chế vay tiêu dùng, mua xe. Vì vậy, những chiêu kích cầu tín dụng cá nhân khó giúp các NHTM gia tăng tín dụng từ nay đến cuối năm.

Theo một chuyên gia NH, trong giai đoạn hiện nay, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Nhà nước cần có các giải pháp tập trung giải quyết hàng tồn kho, thông qua đẩy mạnh hơn các chương trình kích cầu tiêu dùng. Ngoài ra, vấn đề lớn của doanh nghiệp hiện nay không phải là lãi suất mà là sự đồng bộ, ổn định của các cơ chế chính sách của Nhà nước.

Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách tổng thể quy hoạch phát triển ngành nghề, quy hoạch đất đai để doanh nghiệp ổn định sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại trong nước tạo đầu ra cho doanh nghiệp.

Các chính sách liên quan đến đầu vào của sản xuất cần ổn định và nhất quán. Nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp này, tín dụng của NHTM sẽ tăng trưởng một cách an toàn và bền vững.

Thiên Ngân

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Dọn dẹp cơ cấu sở hữu chéo (15/10/2012)

>   Tôi đi “buôn”… tiền (15/10/2012)

>   Bài 1: Thú “săn” tiền … (12/10/2012)

>   Một tháng sau cuộc “hôn nhân” SHB với Habubank (15/10/2012)

>   TPHCM: 9 tháng, kiều hối ước đạt 3 tỷ USD (15/10/2012)

>   Xử lý tài sản bảo đảm, “chủ nợ” vẫn cầm “đằng lưỡi“ (15/10/2012)

>   Rủi ro nợ ngân hàng, nhà đầu tư "hốt hụi chót" (15/10/2012)

>   ABBank ưu đãi doanh nghiệp xuất nhập khẩu (12/10/2012)

>   Vi phạm tiền tệ - ngân hàng: Ngăn ngừa trước, xử phạt sau (15/10/2012)

>   MBB: Tháng 9, tăng trưởng tín dụng 10% (15/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật