Tôi đi “buôn”… tiền
Giới săn tiền cho rằng, những người mới vào nghề, non kinh nghiệm dễ bị trúng kế do các “cò” giăng ra. Khi biết bị lừa đành ngậm bồ hòn làm ngọt, coi đấy là bài học kinh nghiệm xương máu, cho đấy là “phí ngu”… còn đã là dân chơi thì phải giấu bởi nếu nói ra sẽ bị chê cười và mất uy.
Bài 2: Bị giăng bẫy
Thế giới “săn lùng” tiền cổ, tiền giấy không lưu hành, tiền có số seri “độc” cũng đầy những câu chuyện ly kỳ, xen lẫn đó là sự giành giật lẫn nhau bởi tính cạnh tranh khốc liệt. Chỉ cần chậm vài giây là sẽ bị kẻ khác hớt tay trên những đồng tiền quý giá… Những mưu mô, cạm bẫy luôn được giăng ra để rình các con mồi là các nhà sưu tập tiền.
* Bài 1: Thú "săn" tiền...
Ở bài đầu tiên nói về thú “săn” tiền, một thú chơi đòi hỏi sự am hiểu lẫn “chất chơi” của dân chơi. Lần này phóng viên lại được nghe những câu chuyện đầy ly kỳ nhưng cũng đầy khốc liệt bởi ma lực những “đồng tiền” mang lại.
Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, hiện dân có thú chơi tiền rất nhiều, riêng ở Hà Nội đã có rất nhiều câu lạc bộ được thành lập, mỗi câu lạc bộ có ít nhất là 10 người tham gia, chưa kể những cá nhân, nhà sưu tầm ở các tỉnh lẻ… thế nên để có được đồng tiền theo ý muốn bổ sung vào bộ sưu tập “giá trị” của mình, họ phải cạnh tranh và có những thủ thuật, quân bài là những mối lái, đại loại giống như “cò” để nghe ngóng.
“Chỉ cần chậm vài giây là sẽ bị kẻ khác hớt tay trên ngay, bởi vậy, hễ nghe ở đâu có tiền cổ, tiền có số seri “độc” là phải “alô” ngay cho “cò” ở gần rồi lên đường bất kể ngày đêm…”, H. nhân vật lão làng trong hội (bài 1, Thú “săn” tiền) lên tiếng.
Theo H. không phải lần nào đi “săn” cũng thành công, nhiều lúc đi đến tận nơi, “mục sở thị” nhưng đành thất thểu ra về mà chẳng thu được gì. Nhất là những chuyến đi về tỉnh lẻ, mất tiền tàu xe đã đành, có những khi còn nguy hiểm đến tính mạng…
Quang, tay chơi tiền cổ, người béo bệ vệ ở nhóm H. bực tức: ngày trước, dạo mới vào nghề, gần tối nhận được thông báo của một “cò” ở Bắc Giang, có người dân trong núi đào được đồng tiền cổ “Thiên Cảm Nguyên Bảo” sau lưng có chữ Càn Vương, đời Lý Thái Tông, đúc khoảng năm 1044 – 1049, nghe nói tới đồng tiền quý, tôi ra giá 5.000.000 đồng, được đồng ý, vớ bẫm tôi vội giắt lưng 7.000.000 đồng rồi lên xe đến Bắc Giang ngay trong đêm.
"Xuống tới nơi “cò” bảo phải đi vào trong thôn, cách 40km, trong bóng tối ướt đẫm sương đêm, trên chiếc xe cà tàng, ánh đèn xe lờ mờ chúng tôi men theo con đường ven núi quanh co, đường đầy đất đá, ổ trâu khiến chiếc xe như muốn gãy làm đôi, người tôi nhiều phen như muốn bay ra khỏi xe. Tôi thầm nghĩ, giữa đêm khuya, đường vắng vẻ thế này, nếu có kẻ xông ra đánh cướp thì chắc toi.
Tới tận gần giữa đêm mới tới, đó là một căn nhà cấp 4 xập xệ, đêm khuya, xen lẫn tiếng chó sủa, “cò” đập cửa ầm ầm dựng chủ nhà dậy. Chủ nhà, một người đàn ông gầy nhòm, mặt trâng tráo nhìn tôi rồi nói như hét: “sao đến muộn vậy?”. “Cò” nói vài câu anh ta làu bàu một lúc rồi bảo chờ. Vừa đói, vừa khát, chủ nhà lại có vẻ hằn học vì mất… giấc ngủ, không có thành ý khiến tôi cảm thấy bất an… khi xem đồng tiền cổ “Thiên Cảm Nguyên Bảo”, dưới ánh điện tù mù, tôi thấy đồng tiền hoen rỉ, soi đèn pin, tôi lặng người, mồ hôi nhễ nhại phát hiện tiền giả cổ và nghĩ có khi đã trúng kế do chủ và cò giăng ra.
Lấy cớ không mang theo đủ tiền và cần xem xét thêm, chủ nhà lộ chân tướng, nhảy rồ lên: “Mày nói vậy là thế nào, chẳng nhẽ tao đi lừa chúng mày! Mấy ông trước đến đây đều khẳng định đây là tiền thật, do bí tiền nên tao mới gọi người bán”.
Tôi nhỏ nhẹ... nhưng ông ta càng làm lớn chuyện rồi dựng luôn ba ông to khỏe đang nằm gần đấy dậy quyết làm cho ra nhẽ… “Cò” đứng ra khuyên can rồi đàm phán. Cuối cùng, do thất thế và thấy tình hình nguy hiểm tôi đành bấm bụng chi 500.000 đồng chỉ vì làm… mất giấc ngủ của gia chủ.
Mệt, đói, không được việc, lại suýt bị “tẩn”, lúc về “cò” lại giở trò đòi công lao… đi lại, lấy rẻ 300.000 đồng vì không mua được hàng, biết gặp phải tay không vừa đành bỏ tiền lại… ấm ức quay về lúc rạng sáng mà chẳng thu được thành quả gì, lại mất một số tiền lớn so với thời điểm đó, tuy vậy, như thế vẫn còn may so với nhiều người bị lột sạch… Quang kể lại.
Giới săn tiền cho rằng, những người mới vào nghề, non kinh nghiệm dễ bị trúng kế do các “cò” giăng ra. Khi biết bị lừa đành ngậm bồ hòn làm ngọt, coi đấy là bài học kinh nghiệm xương máu, cho đấy là “phí ngu”… còn đã là dân chơi thì phải giấu bởi nếu nói ra sẽ bị chê cười và mất uy.
Tuấn, người trẻ tuổi nhất trong nhóm cho hay: nghề chơi tiền rất khốc liệt, nhất là tranh giành nhau khi có “hàng”, đã có nhiều cuộc chiến đổ máu xảy ra trong giới vì tranh giành những đồng tiền cổ quý hiếm.
“Có những rủi ro khác khi muốn sở hữu những tờ tiền cổ, tờ tiền có số seri “độc”, đặc biệt là khi đặt hàng ở nước ngoài, dù là nhờ cậy người thân… khi “ngài” bưu điện cho lưu lạc ở tận nơi nào đó… chưa kể bị ăn chặn, bị lừa…”, Tuấn nói.
Bài 3: “Một vốn bốn lời”
Hoàng Bá
thời báo ngân hàng
|