Góc nhìn 25/10: Tiếp tục nắm giữ tiền mặt
Thị trường duy trì trạng thái giằng co trong biên độ hẹp, chưa có dấu hiệu bật tăng trở lại là nhận định chung của nhiều công ty chứng khoán. Nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ tiền mặt, tránh bị chôn vốn khi cung cầu có sự biến động ở những mã đầu cơ.
Gia tăng tiền mặt trong danh mục
CTCP Chứng khoán Á Âu (AAS): Không kỳ vọng vào một sự biến chuyển mang tính tích cực hơn trong thời gian ngắn sắp tới, AAS tiếp tục đề xuất một quan điểm đầu tư mang tính phòng thủ. Theo đó, gia tăng tiền mặt trong danh mục vẫn là hoạt động được ưu tiên so với động thái mua vào, kể cả việc tham gia với mục tiêu ngắn hạn.
Hiện tại, tình trạng các cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không tốt lại đang được nhà đầu tư chú ý và thực tế cũng cho thấy các chứng khoán này đã và đang tăng mạnh nhiều phiên liên tiếp đang tái diễn trên thị trường. Không hoàn toàn phản đối việc mua theo tại các mã này, tuy nhiên, AAS khuyến nghị nhà đầu tư cần theo dõi sát và nên có những động thái đi trước nhằm tránh việc bị kẹt vốn khi có sự thay đổi bất ngờ về mặt tương quan cung cầu.
Giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu
CTCP Chứng khoán BIDV (BSC): CPI cả nước tháng 10 tăng 0,85% (MoM) hạ nhiệt đúng như kỳ vọng so với mức tăng đột biến 2,2% của thấng 9. Đáng lưu ý, dù không còn tăng “shock”, 2 nhóm “Y tế” và “Giáo dục” vẫn đóng góp chủ yếu vào mức tăng của CPI trong tháng này trong khi các nhóm hàng hóa còn lại chỉ tăng rất nhẹ. Với xu hướng giá cả như vậy, có nhiều cơ sở để kỳ vọng CPI tháng 11 sẽ tiếp tục thấp.
Đà giảm của thị trường mạnh hơn trong phiên 24/10, tuy nhiên vẫn xuất hiện những đợt hồi phục nhẹ xen kẽ trong phiên. Xét toàn phiên, thị trường vẫn đang đi ngang trong biên độ hẹp trong đó HNX-Index dao động quanh vùng 53.9 – 54.6 điểm, VN-Index dao động quanh 395 – 399 điểm. Xu hướng dao động “lình xình” như vậy đã kéo dài nhiều phiên liên tiếp kèm theo thanh khoản thấp cho thấy động lực thị trường đang yếu dần. Rủi ro trong tương quan với lợi nhuận kỳ vọng hiện tại đang tăng dần lên, do đó việc giảm bớt tỷ trọng danh mục thời điểm này là điều nhà đầu tư nên cân nhắc.
Có thể lướt sóng
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Thị trường 24/10 có một phiên giao dịch chậm rãi và buồn tẻ, tâm lý giằng co vẫn khá mạnh mẽ nhưng áp lực bán đã tăng nhẹ trở lại khiến cả hai sàn chốt phiên đều trong xu thế giảm. Sự thận trọng của nhà đầu tư làm cho thanh khoản của thị trường duy trì ở mức thấp, sự đột biến ở giao dịch thỏa thuận lại đến từ cổ phiếu EIB (8 triệu cổ phiếu) và SBT (1,3 triệu cổ phiếu). Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng nhẹ với giá trị gần 20 tỷ đồng, tập trung ở một số cổ phiếu KBC, SSI, GMD…
Thị trường đang có xu hướng đi ngang với diễn biến là những phiên tăng giảm xen kẽ nhau, vì vậy thời điểm này thích hợp cho nhà đầu tư lướt sóng tham gia mua/bán những cổ phiếu cơ bản tại những ngưỡng hỗ trợ/kháng cự chắc chắn.
Khi mà tình hình vĩ mô vẫn chưa có chuyển biến và động lực từ báo cáo tài chính quý III của các doanh nghiệp niêm yết đã hết, FPTS vẫn tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên duy trì tỷ lệ cổ phiếu nhỏ trong danh mục, giữ tiền mặt chờ đợi những cơ hội rõ rệt hơn.
Giằng co hẹp
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Thị trường giằng co giảm điểm trở lại sau khi CPI tháng 10 được công bố. Trái với phiên giao dịch 23/10, một số trụ cột chính trên sàn HSX đã đảo chiều giảm điểm trở lại (VNM, GAS và HPG) trong phiên 24/10. Điều này cho thấy khả năng tiếp tục tăng điểm của nhóm cổ phiếu bluechips thực sự khó khăn trong bối cảnh nhà đầu tư vẫn đang giao dịch khá thận trọng. Thông tin chỉ số giá tiêu dùng đã hạ nhiệt rất nhiều so với tháng trước được công bố trong phiên, tuy nhiên không mang lại hiệu ứng tích cực nào đối với tâm lý nhà đầu tư. Trong khi đó, thanh khoản vẫn ở mức thấp, giao dịch chỉ tập trung vào một số cổ phiếu chủ chốt và sự suy yếu của nhóm này lại đang là yếu tố cản trở thị trường đi lên.
Sau thông tin về chỉ số giá tiêu dùng tháng 10, tin tức về lợi nhuận quý III/2012 của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục đưa ra trong thời gian sắp tới nhiều khả năng sẽ không mang lại điểm sáng tích cực nào đối với thị trường. Do đó, VDS cho rằng VN-Index sẽ tiếp tục giằng co trong kênh giá hẹp 390-400 điểm trong hai phiên giao dịch cuối tuần
Không lo ngại về đợt sụt giảm mạnh
CTCP chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS): Chỉ số CPI đã chính thức được công bố với mức tăng 0,85%. Mức tăng này nằm trong vùng dự báo của nhiều người nên tác động của nó đến phiên giao dịch 24/10 là không lớn, và IVS loại bớt đi một áp lực cho thị trường.
Lịch sử cho thấy, thời điểm như hiện nay rất dễ xảy ra hiện tượng bán mạnh trước khi thị trường bật tăng trở lại. Tuy nhiên, có một lý do mà theo IVS đánh giá là một phần của việc sụt giảm giao dịch, đó là cấm bán khống và kiểm soát chặt dòng tiền ký quỹ.
Do vậy, lo ngại của IVS về một đợt sụt giảm có thể xảy ra thời gian tới đã được giải tỏa phần nào. Tuy nhiên thị trường vẫn trong tình trạng thiếu vắng thông tin như hiện nay sẽ khiến bên bán nản lòng và tăng cường bán ra trong khi bên mua lại không vội vàng.
Trung hạn đi ngang, ngắn hạn giảm điểm
CTCP Chứng khoán MB (MBS): Trên quan điểm kỹ thuật, MBS đánh giá xu hướng chính của HOSE trong trung hạn là đi ngang, và ngắn hạn trong quá trình giảm điểm. Trong phiên giao dịch 24/10, thị trường hình thành một thân nến Spinning Top thể hiện sự lưỡng lự trong xu hướng và dao động quanh MA20. Chỉ số RSI(14) giảm nhẹ đạt giá trị 50. Trong ngắn hạn, MBS cho rằng đợt giảm điểm này sẽ kéo dài trong khoảng 1 phiên nữa và có thể có sự phục hồi nhẹ vào phiên cuối tuần.
Với HNX, MBS đánh giá xu hướng chính là đi ngang trong trung hạn, ngắn hạn có xu hướng giảm nhẹ. Nhà đầu tư nên nắm giữ các cổ phiếu với tỷ lệ giải ngân tối đa 20% trong danh mục.
Mỹ Hà tổng hợp (Vietstock)
FFN
|