Sửa luật quản lý thuế, doanh nghiệp thuận lợi hơn?
Bộ Tài chính cho rằng dự thảo Luật quản lý thuế sửa đổi dự kiến được thông qua vào tháng 10-2012 và có hiệu lực vào tháng 7-2013 sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại cho rằng quy định mới sẽ gây thêm khó khăn.
Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2012, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật quản lý thuế sửa đổi vào tháng 10-2012, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tuân thủ một số thủ tục hành chính liên quan đến thuế.
Cụ thể, ông Tuấn cho rằng, trong hoạt động xuất nhập khẩu, doanh nghiệp hay vướng mắc về mã số và giá hàng hóa nhưng theo dự thảo Luật quản lý thuế sửa đổi, doanh nghiệp sẽ được thỏa thuận trước với cơ quan hải quan về việc xác định trước mã số và trị giá hải quan.
Luật sửa đổi cũng quy định về tiêu chí doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan; chẳng hạn như như tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế… Doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sẽ được tạo thuận lợi khi thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu...
Theo ông Tuấn, hiện trong gần 2.800 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam chỉ có 2 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên. Trong khi đó, ông Tuấn cho rằng có đến 5-10% số doanh nghiệp này xứng đáng được là doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan.
Ngoài ra, theo nội dung dự thảo, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thay vì khai thuế giá trị gia tăng theo tháng sẽ chuyển sang theo quí. Việc này có ý nghĩa lớn về vốn trong kinh doanh của doanh nghiệp, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp kiến nghị rằng, nếu được thực thi, một số sửa đổi trong dự thảo Luật quản lý thuế sửa đổi này sẽ gây khó khăn cho họ.
Cụ thể, luật sửa đổi quy định, hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa, hoặc được ân hạn 275 ngày (kể từ ngày thông quan hoặc giải phóng hàng hóa) nếu có tín dụng bảo lãnh. Theo giám đốc phụ trách xuất khẩu một công ty dệt và may lớn tại TPHCM đề nghị không nêu tên cho biết, quy định này sẽ làm giá thành chế biến hàng xuất khẩu tăng thêm từ 8% (trường hợp doanh nghiệp xin bảo lãnh ngân hàng) đến 16% (trường hợp doanh nghiệp vay tiền ngân hàng để nộp trước thuế hập khẩu).
Vị này cho biết: “Quy định này bất hợp lý, chỉ làm giàu cho ngân hàng, mà lại áp dụng tại thời điểm khó khăn hiện nay thì càng bất hợp lý”.
Bên cạnh doanh nghiệp dệt may, vào đầu tháng 9-2012, một số doanh nghiệp thủy sản cũng có ý kiến gửi lên Bộ Tài chính phản ánh về việc doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ra sao nếu quy định này được thực thi.
T. Thu
TBKTSG
|