Thứ Hai, 17/09/2012 22:14

Giảm thuế cho DN tích lũy

Khi tỷ lệ thuế và phí đã lên đến 26,3% trên GDP tức là DN làm được 100 đồng phải nộp hơn 26 đồng sẽ dồn lên chi phí DN. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải giảm thuế để tháo gỡ gánh nặng cho sản xuất kinh doanh, sau khi lãi suất đã giảm.

Lộ trình giảm thuế thu nhập DN (TNDN) xuống 22-23% của Bộ Tài chính phải đến năm 2015 mới thực hiện được, nhưng vẫn cao hơn bình quân thuế TNDN của các nước trong khu vực đến 6-7%.

Thuế chồng lên thuế

Theo một số DN sản xuất hàng xuất khẩu, thuế TNDN hiện nay là 25% tạo áp lực lên chi phí giá thành hàng hóa cùng loại của các nước Đông Nam Á. Thậm chí DN phải chấp nhận thuế chồng lên thuế. Chẳng hạn, theo DN tư nhân xuất nhập khẩu Thái Hưng (Q. Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh), DN là nhà cung ứng hàng hóa cho hệ thống bán lẻ Co.opMart. Trong hợp đồng ký kết giữa hai bên có quy định nhà cung ứng phải hỗ trợ cho hệ thống siêu thị các chi phí về thanh toán, vận chuyển, quảng cáo, các chương trình khuyến mãi như: Sinh nhật hệ thống Co.opMart, in cẩm nang mua sắm giới thiệu sản phẩm… Thế nhưng Co.opMart lại không chịu xuất hóa đơn đối với một số khoản hỗ trợ của nhà cung ứng cho chương trình Sinh nhật hệ thống và in cẩm nang mua sắm để DN Thái Hưng quyết toán thuế. Trong khi ngành thuế TP. Hồ Chí Minh lại tách riêng phần chi phí đó và yêu cầu DN Thái Hưng phải có hóa đơn mới chấp nhận khoản chi phí trên, mới được khấu trừ khi tính thuế TNDN. “Giới chức ngành thuế giải thích, chúng tôi phải mang tất cả các hợp đồng đã ký với Co.opMart trong đó phải thể hiện rõ các điều khoản về chi phí hỗ trợ mới được coi là chi phí hợp lý, hợp lệ để khấu trừ khi tính thuế TNDN” – đại diện Công ty Thái Hưng cho biết. Theo DN, như vậy cùng một mặt hàng nhà cung ứng phải đóng thuế TNDN và nhà bán lẻ tiếp tục lại phải đóng thuế TNDN cho mặt hàng này trong hoạt động kinh doanh của mình.

Những DN ngành mía đường đã từng có thời điểm sẵn sàng nhập khẩu đường nguyên liệu từ các nước lân cận về thành phẩm đường tinh luyện bán ra thị trường, thay vì các DN mía đường thu mua mía của nông dân cũng bởi thuế và phí cao.

Thuế cao… dẫn đến trốn thuế?

Từ việc các sắc thuế quá cao, đã nảy sinh ra nhiều tiêu cực trong hoạt động thu và nộp thuế. Ví như, cùng một chiếc ly thủy tinh DN nhập khẩu, nhưng lại được phân ra nhiều tính năng: ly uống rượu thuế cao hơn ly uống nước lọc, thậm chí thuế suất thấp bằng 0% đối với ly uống thuốc… Lợi dụng kẽ hở này, nhiều DN lách quy định áp mã hàng hóa để cùng một mặt hàng nhưng phân theo mục đích sử dụng để trốn thuế. Hoặc trong giới kinh doanh ô tô hiện nay, nhập khẩu một chiếc xe về nước bán, nhưng lại khai xe chở tiền, xe dân dụng thậm chí tên là xe ô tô nhưng lắp các băng ca của ngành y tế vào lại biến thành xe cứu thương để được áp mã hàng hóa thuế suất thấp. Hay quy định xe ô tô ngoại giao nhập vào không phải chịu thuế, nhưng đến khi chủ xe hết nhiệm kỳ làm việc tại Việt Nam, họ bán, thay đổi biển số, thậm chí để nguyên biển số đi hàng ngày không nộp thuế. Theo ước tính của cơ quan Hải quan TP. Hồ Chí Minh, hiện có trên 1.000 xe ngoại giao đã hết hạn ở lại trong nước, nằm trong diện phải nộp thuế nhưng hàng ngày vẫn lưu hành. Một số DN ở phía Nam cho biết, “bản thân những nhà kinh doanh đôi lúc cũng không phân biệt được đâu là thuế, đâu là phí trong ngôn ngữ ngành thuế. Sự lẫn lộn này dẫn đến tình trạng trốn thuế, trây ỳ thuế tràn lan.

Ông Nguyễn Trọng Hùng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, tại Singapore việc áp mã chỉ có ba bốn mặt hàng, trong khi ở Việt Nam chia ra quá nhiều dẫn đến DN lợi dụng, công chức hải quan cũng lợi dụng kẽ hở trong vấn đề áp mã để làm tiền nhà nhập khẩu. “Chúng tôi đã từng kiến nghị Bộ Tài chính rút gọn nhóm hàng hóa để áp mã, thực tế trong sản xuất áp thuế cùng một tuyến thì mới hạn chế tiêu cực”, ông Hùng nói.

Thực tế, áp thuế tính giá ở các cơ quan hải quan hiện cũng rất rối, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới - WTO và triển khai thuế giá trị gia tăng, tức là tính giá theo giá trị giao dịch thực tế giữa người mua và người bán. Tuy vậy, một mặt hàng nguyên phụ liệu hoặc máy móc thiết bị nhập khẩu về đến trong nước rất khó xác định được giá trị thực của DN đã mua của đối tác nước ngoài là bao nhiêu để áp thuế tính giá. Thông thường một mặt hàng bán trên thị trường quốc tế, giá cả bao nhiêu, lại phụ thuộc vào khả năng nhà đàm phán trong thương vụ đó. Thông tin giá cùng một sản phẩm xơ sợi mỗi DN dệt may mỗi giá khác nhau, do khả năng đàm phán từng DN. Từ đây, dẫn đến một thực trạng cùng một mặt hàng nhập khẩu, có DN bị tính thuế cao, thuế thấp khác nhau. Thực tế, trong vấn đề này cơ quan hải quan chủ yếu dùng mệnh lệnh hành chính “đè” DN ra áp thuế, do không có cơ sở xác định giá, dẫn đến DN gian lận áp thuế tính giá. Theo một quan chức Bộ Tài chính, thất thu thuế trong vấn đề này lên đến 20% trên thuế gián thu.

Khuyến khích sản xuất

Theo một chuyên gia kinh tế, phải giảm thuế mới khích lệ được sản xuất và khuyến khích tiêu dùng, nhưng nếu nhìn vào tổng doanh thu chi phí hợp lý hợp lệ từ năm 2009 đến nay có chiều hướng đi xuống, tức là lợi nhuận DN thu hẹp lại lấy đâu ra thuế TNDN. Vị chuyên gia này tính toán, khi tỷ lệ thuế và phí đã lên đến 26,3% trên GDP tức là DN làm được 100 đồng phải nộp hơn 26 đồng sẽ dồn lên chi phí DN. Theo đó, không những không khuyến khích DN sản xuất, mà còn làm tăng nhập khẩu hàng hóa và không kích thích được tiêu dùng. Trong lúc hàng tồn kho chưa vơi bớt và sức mua chậm chạp như hiện nay, cần phải giảm thuế cho DN để tạo sức bật cho sản xuất và kéo sức mua trên thị trường. Lộ trình giảm thuế TNDN xuống còn 20% phải mất thêm 8 năm nữa là quá xa, ngay lúc này cần phải thực hiện ngay mức thuế TNDN ở mức dưới 20%. Khi mức thuế hợp lý sẽ tạo điều kiện cho DN có tích lũy, tái đầu tư, không quá phụ thuộc vào vấn đề vốn tín dụng như hiện nay. Đặc biệt DN không phải “nhìn giỏ bỏ thóc” như hiện nay và tiềm lực tài chính lớn mạnh sẽ tạo nên những mục tiêu đầu tư dài hạn bền vững hơn trong kinh doanh. Một quan chức ngành thuế đã giải nghệ, hiện làm việc ở Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, “không sợ thu hẹp nguồn thu ngân sách khi giảm thuế cho DN, phải đi kèm là các biện pháp quản lý thuế chặt chẽ hơn tạm nhập tái xuất, thu hẹp đối tượng ân hạn thuế, chống gian lận thương mại… Từ đó sẽ vẫn đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế cho Nhà nước, không vì chỉ tiêu áp cho ngành thuế “năm sau cao hơn năm trước” mà ép DN”.

Phạm Hà Nguyên

Thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Gmobile thế chỗ Beeline (17/09/2012)

>   Thứ trưởng Công Thương thôi chức để làm Chủ tịch EVN (17/09/2012)

>   Than tồn kho cao vẫn đòi tăng giá? (17/09/2012)

>   Ông Hoàng Quốc Vượng làm Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN (17/09/2012)

>   Thực lòng với doanh nghiệp? (17/09/2012)

>   DN “quên” bảo hiểm trách nhiệm giám đốc (17/09/2012)

>   Dệt may Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam (17/09/2012)

>   ‘Mỹ kích cầu, xuất khẩu của Việt Nam có thể hưởng lợi’ (17/09/2012)

>   Oằn vai vì thuế, phí: Vắt kiệt sức doanh nghiệp (16/09/2012)

>   DN xuất khẩu thủy sản sang Mỹ sẽ phải đăng ký lại (16/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật