Oằn vai vì thuế, phí: Vắt kiệt sức doanh nghiệp
Ngộp thở trong vòng vây thuế, cộng đồng doanh nghiệp còn mệt mỏi chung sống với hàng chục loại phí. Số tiền đóng phí hằng năm rất lớn, vượt quá sức chịu đựng của họ.
Chỉ riêng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, hơn 10 khoản phí đang được các hãng tàu tận thu khiến doanh nghiệp (DN) kêu trời. Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty May Sài Gòn 3, than: “Nhiều phí lắm, có đến mấy chục loại, không tài nào nhớ hết được!”. Hiện tổng chi của DN cho các loại phí đã tăng khoảng 20% so với năm 2011, có loại tăng đến 50%.
Tốn tiền tỉ
Gần như độc quyền cung cấp dịch vụ vận tải biển, các hãng tàu ngoại cạnh tranh nhau bằng cách giảm giá cước nhưng lại “đẻ” ra nhiều loại phí để gom tiền khách hàng. Trưởng phòng xuất nhập khẩu một công ty may mặc liệt kê: Để xuất/nhập 1 container 20 feet, DN phải trả hơn 10 loại phí, gồm: phí vận đơn 30 USD, phí xếp dỡ container 60-80 USD, phí cân bằng container 30-33 USD, phí phát hành lệnh giao hàng 30 USD, phí đại lý 30 USD, phí vệ sinh container 5-8 USD, phí vận chuyển nội địa từ nhà máy đến cảng (tùy quãng đường), phí nâng - hạ container, phí làm hàng, phí tách hóa đơn và cấp giấy ủy quyền, phí chứng từ báo hàng đến, phí lưu kho…
Ngoài ra còn có một số loại phí “trời ơi” như phí cháy nổ, phí đi qua vùng biển nhiều rủi ro, phụ phí tiền tệ, phí đình công (nếu đưa hàng vào lãnh thổ thường có đình công)…
Trong trường hợp chậm trễ thanh toán phí cho hãng tàu, DN không lấy được hàng thì sẽ phải trả thêm phí lưu kho bãi. Cộng lại, để hàng từ nhà máy xuất đi hoặc nhập hàng đưa về nhà máy, công ty phải tốn khoảng 300 USD tiền phí cho 1 container 20 feet. Trung bình, mỗi tháng công ty xuất/nhập 80 container loại này, tổng tiền phí là 24.000 USD và cả năm là 288.000 USD. Số tiền cực lớn!
Không đáng có
Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề, DN còn bị móc hầu bao bởi nhiều khoản phí, thủ tục không đáng có. Trong lĩnh vực chế biến - xuất khẩu thủy sản, cơ quan quản lý áp dụng việc lấy mẫu kiểm nghiệm bắt buộc lô hàng làm điều kiện cấp chứng thư xuất khẩu. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu kiểm tra từng lô hàng, 1 container hàng thủy sản xuất khẩu tốn từ 5-15 triệu đồng phí kiểm nghiệm.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, khẳng định việc kiểm tra này là không cần thiết, chỉ gây lãng phí cho DN. Thay vì kiểm tra trên từng lô hàng, cơ quan chức năng có thể kiểm tra trên quy trình sản xuất, có như vậy mới giảm được chi phí và tạo sự thuận lợi cho DN làm ăn.
Theo phản ánh của nhiều DN xuất khẩu thủy sản, hiện danh mục các khoản thu lệ phí kiểm nghiệm chất lượng, an toàn vệ sinh thủy sản xuất khẩu tăng chóng mặt, gồm hàng chục chỉ tiêu và mức phí cho mỗi chỉ tiêu dao động từ vài chục ngàn đồng đến 600.000 - 700.000 đồng.
Đó chỉ là những khoản phí công khai, còn phí “không tên” thì cũng nhiều vô kể, nhất là trong lĩnh vực quảng cáo. Ví dụ, muốn dựng một bảng quảng cáo ngoài trời, DN quảng cáo phải làm thủ tục xin phép khoảng 10 cơ quan chức năng.
Hầu hết ở các cửa cấp phép, DN đều phải có phong bì lót tay. “Để dựng một ô quảng cáo ngoài trời (diện tích khoảng 2 x 2,5 m) trên đường Lê Lợi, quận 1 - TPHCM, DN phải tốn 25.000 USD/năm. Hơn 50% trong số này là các chi phí không chính thức” - giám đốc một công ty quảng cáo cho biết.
Tất cả những khoản phí này dĩ nhiên được DN cộng vào giá thành, người tiêu dùng phải chịu, đồng thời đẩy giá bán lên cao khiến DN không bán được hàng còn thị trường thì trở nên đắt đỏ, bất lợi cho nền kinh tế.
Chính phủ đang xem xét lại thuế, phí
Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, thuế cao và phí nhiều là vấn đề lớn. Trước những bất cập về thuế, phí khiến DN bức xúc, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết Chính phủ đang có kế hoạch xem xét lại các loại thuế và phí trên tinh thần đồng thuận là thuế thu nhập DN sẽ được xem xét giảm trước.
“Có nhiều ý kiến xung quanh mức giảm thuế thu nhập DN nhưng theo tôi, nên giảm ngay 5% (còn 20%) ngay từ bây giờ để kéo thuế suất này xuống bằng với mức trung bình của nhiều nước, đồng thời khuyến khích DN dù hiện tại DN không có lãi nhiều. Ngoài ra, trước mắt nên giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 7%-8%” - ông Thành đề xuất.
|
Thanh Nhân
Người lao động
|