“Xốc lại” các tập đoàn kinh tế
Là doanh nghiệp “con cưng”, được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi nhưng hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước không tương xứng với nguồn lực đầu tư.
Khi mới hình thành một số tập đoàn kinh tế (TĐKT) vào năm 2006, quy mô vốn chủ sở hữu của các TĐKT, tổng công ty (TCT) 90, 91 là 317.647 tỉ đồng. Đến hết năm 2010, con số này đã tăng lên 653.166 tỉ đồng, bằng 204% so với khi mới thành lập. Vốn chủ sở hữu của các TĐKT, TCT Nhà nước hằng năm tăng chủ yếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế, đánh giá lại tài sản, thặng dư vốn thu được trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên và đơn vị phụ thuộc.
“Chết” vì đầu tư đa ngành
Lợi thế của các TĐKT, TCT không chỉ thể hiện ở chỗ được kinh doanh ngành nghề quan trọng mà còn được nhiều ưu đãi khác từ cơ chế, như được để lại toàn bộ lợi tức sau thuế để tái đầu tư (có năm lên đến khoảng 100.000 tỉ đồng) mà không phải chịu lãi suất. Khi gặp khó khăn hoặc làm ăn thua lỗ, các TĐKT, TCT Nhà nước còn được dãn thời hạn khấu hao.
Thế nhưng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế này không tương xứng với nguồn lực được đầu tư. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phải sử dụng tới 2,2 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu trong khi DNTN chỉ cần 1,2 đồng vốn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1,3 đồng (năm 2009). Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các DNNN chỉ đạt 16,5%, tương đương chi phí vay vốn ngân hàng và chỉ tập trung ở một số ít TĐKT có lợi thế như dầu khí, viễn thông, than khoáng sản…
Cùng với xu thế tập đoàn hóa, DNNN lao ra đầu tư ngoài ngành ở các lĩnh vực nhiều rủi ro. Trong mỗi TĐKT đều có công ty chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, công ty đầu tư tài chính. Một số TĐKT còn được thành lập cả ngân hàng riêng để tự cung tự cấp tự vốn. Tổng số vốn các DNNN đầu tư vào chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư và ngân hàng là hơn 77.200 tỉ đồng (tính đến năm 2010).
“Quả đấm thép” thành “bom nổ chậm”
Mải mê dàn trải theo ngành nghề “hot”, không ít TĐKT đã thiếu nguồn lực để đảm đương ngành nghề cốt lõi, chuyên môn hóa sâu. Điển hình là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không đủ sức đầu tư sản xuất điện, để xảy ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Liên tục từ năm 2007, tình trạng thiếu điện tái diễn trầm trọng, phải cắt điện luân phiên đẩy các doanh nghiệp sản xuất vào hoàn cảnh phải làm ca 3 như thời kỳ bao cấp.
Tình hình thiếu điện chỉ dịu đi vào năm 2009 nhưng không phải vì nguồn cung ứng điện được cải thiện mà do tăng trưởng kinh tế suy thoái, nhu cầu sử dụng điện giảm mạnh. Cũng trong thời kỳ này, EVN buộc phải ngừng đầu tư 13 dự án phát triển điện do không thu xếp được vốn vay.
Việc thực hiện vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với kinh tế của các TĐKT, TCT còn nhiều hạn chế. Không chỉ thể hiện ở việc không bảo đảm nguồn cung, các doanh nghiệp độc quyền còn liên tục xin tăng giá trong khi lẽ ra phải giữ giá để tham gia bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát.
Trong khi những “quả đấm thép” như mục tiêu ban đầu chưa được hình thành thì do chưa bảo đảm các yêu cầu về an toàn tài chính, đã xuất hiện những “con tàu đắm” như Vinashin, Vinalines làm nền kinh tế xấu đi. Đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm vì có đến 30/85 TĐKT, TCT có tỉ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu trên 3 lần. Đặc biệt, có 7 TĐKT, TCT có tỉ lệ nợ trên 7 lần, không khác nào những quả bom nổ chậm đe dọa sự an toàn của cả nền kinh tế.
Hiện Chính phủ đang sửa đổi Nghị định 132/CP quy định về đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các TĐKT, TCT. Theo các chuyên gia, tập đoàn do Thủ tướng thực hiện quyền sở hữu sẽ là những ông lớn, còn các TCT ở dưới sẽ trực thuộc các bộ, từ đó sẽ đề cao trách nhiệm của Thủ tướng và các bộ, đặc biệt là trách nhiệm của bộ trưởng và phù hợp với quá trình tái cơ cấu DNNN.
Mức lỗ cao gấp 12 lần doanh nghiệp ngoài Nhà nước
Việc đầu tư vào các lĩnh vực nóng ở cuối chu kỳ tăng trưởng kinh tế và bắt đầu của xu hướng khủng hoảng toàn cầu đã đem lại quả đắng cho các TĐKT, TCT Nhà nước. Cùng với việc bao cấp chéo giá độc quyền, nhiều đơn vị lỗ lớn, tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế. Theo báo cáo của Ban Đổi mới DNNN, mức lỗ bình quân của các TĐKT, TCT năm 2010 cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Cụ thể: EVN lỗ 12.313 tỉ đồng, Vinashin lỗ 5.000 tỉ đồng, TCT Bưu chính Viễn thông lỗ 1.026 tỉ đồng (kết luận thanh tra năm 2009)…
|
PHƯƠNG ANH
nlđ
|