Sinh non khó mong lớn mạnh
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, việc sử dụng DNNN như một công cụ điều tiết vĩ mô đã dẫn đến đầu tư chéo, bao cấp lẫn nhau, gây ra những hệ lụy xấu.
* Phóng viên: Việc giảm số lượng TĐKT có xuất phát từ thực tế nhiều tập đoàn làm ăn thua lỗ không, thưa ông?
- TS Nguyễn Đình Cung: Việc một số TĐKT thua lỗ, đổ bể vừa rồi có phần từ nguyên nhân thực hiện quyền chủ sở hữu không đầy đủ, đặc biệt là trong sự giám sát nội bộ của chủ sở hữu đối với người quản lý nói riêng và hoạt động doanh nghiệp nói chung. Thực tế này là một trong những lý do khiến yêu cầu phải thực hiện quyền chủ sở hữu một cách đầy đủ, có hiệu lực, hiệu quả trở nên cấp thiết.
* Như vậy thì tư duy “TĐKT, TCT Nhà nước là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô” có thay đổi?
- Về mặt lý luận, người ta không xếp doanh nghiệp là một công cụ điều tiết vĩ mô mà là đối tượng của chính sách. Còn về mặt thực tiễn, việc cho ra đời các TĐKT thời gian qua đã dẫn đến độc quyền, đầu tư nhiều nhưng kém hiệu quả. Việc sử dụng DNNN như một công cụ điều tiết vĩ mô đã dẫn đến đầu tư chéo, bao cấp lẫn nhau, không những không góp phần làm ổn định kinh tế vĩ mô mà còn làm cho kinh tế trở nên xấu hơn.
Hệ quả của nó là giá điện, giá xăng, giá than thực sự chưa vận hành theo cơ chế thị trường. Cứ bù đắp chéo thì giá cả không phản ánh đúng quan hệ thị trường, không phải tín hiệu đúng của thị trường dẫn tới méo mó nguồn lực. Nguy hiểm hơn là giá thấp làm thiếu hụt cung, đẩy gánh nặng lên ngân sách, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Bây giờ, giá điện, giá xăng vẫn chỉ điều chỉnh theo vụ việc, giải quyết một lúc rất khó và càng để lâu càng khó xử lý.
* Giảm số lượng các TĐKT sẽ gặp trở ngại gì, nhất là khi tình hình tài chính của nhiều TĐKT không tốt, thưa ông?
- Lúc mới hình thành các TĐKT, giới chuyên gia đã phản biện rằng TĐKT phải được lớn lên từ nhu cầu nội tại mới gắn kết được, không phải từ quyết định hành chính kiểu như 3 công ty trong ngành xây dựng cộng lại thành tập đoàn công nghiệp và xây dựng. Lúc đó, Lilama là một thương hiệu có tiếng, hoạt động rất tốt. Lẽ ra cần củng cố, phát triển hơn nhưng lại đem cộng vào khiến thương hiệu Lilama mất hút.
Theo tôi, muốn giảm đi thì phải có một cơ quan chuyên trách độc lập thực hiện quyền chủ sở hữu sẽ tốt hơn giao về cho các bộ chủ quản. Vì nguyên tắc là tách chức năng thực hiện quyền sở hữu của Nhà nước ra khỏi chức năng quản lý hành chính Nhà nước, tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi chức năng giám sát quản lý thị trường thì phải có cơ quan độc lập. Lúc đó mô hình tổ chức mới rõ ràng, không cạnh tranh, chèn ép lẫn nhau.
* Hiện đang có mâu thuẫn là yêu cầu thoái vốn ngoài ngành trước năm 2015 nhưng các TĐKT cho rằng khó thực hiện vì thị trường chứng khoán đang xuống. Liệu quá trình này có ì ạch như cổ phần hóa DNNN không, thưa ông?
- Thị trường phải được nhìn nhận là một tồn tại khách quan. Nếu sức mua thấp phải kích cầu giảm giá chứ cứ chào giá trên trời không ai mua. Đã có lệnh hoàn thành trước năm 2015 tức là thị trường của giai đoạn đó, càng để lâu càng mất giá trị tài sản. Phải có thông điệp cực kỳ nhất quán theo cơ chế thị trường và giám sát để họ không lợi dụng bán rẻ, tư túi.
Nếu cứ treo ở đó, tài sản chết không tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, nếu chuyển chủ sở hữu thì vốn được quay vòng trở thành nguồn lực sống tạo ra tài sản. Lúc này phải cân nhắc cả lợi ích xã hội chứ không phải chỉ doanh nghiệp. Quá trình này đòi hỏi phải có trách nhiệm với xã hội, phải thống nhất giữa nhiều bên, cứ ra lệnh mà người ta cảm nhận còn nhiều rủi ro, không theo thị trường thì sẽ không ai làm.
TÔ HÀ
nlđ
|