Cần cứu thị trường Nhật Bản cho xuất khẩu tôm VN
Mặc dù, xuất khẩu thủy sản đang có dấu hiệu phục hồi ở một số thị trường vào thời điểm cuối năm nhưng các doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như thiếu nguyên liệu chế biến, thiếu vốn cho sản xuất; đặc biệt nổi lên là đối mặt với các rào cản thương mại từ các thị trường nhập khẩu....
Chế biến hải sản xuất khẩu
|
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu tình trạng trên không được giải quyết kịp thời, có thể ảnh hưởng xấu đến việc hoàn thành nhiệm vụ xuất khẩu thủy sản của cả năm.
Gặp khó tại các thị trường truyền thống
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tám tháng đầu năm nay đạt gần 4 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Mặc dù, kim ngạch tăng nhưng thời gian qua xuất khẩu ở một số thị trường chủ lực lại đang có dấu hiệu sụt giảm.
Nhật Bản, Mỹ và EU đang là những thị trường chủ lực, chiếm đến 61,6% thị phần tôm xuất khẩu của Việt Nam; trong đó, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất, chiếm đến 27% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, giữa tháng Năm vừa qua, khi cơ quan thẩm quyền Nhật Bản quyết định áp dụng chế độ kiểm tra 30% số lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Nhật Bản về chỉ tiêu Ethoxyquin ở mức 0,01ppm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đã giảm đáng kể.
Chỉ tính trong nửa đầu tháng Tám vừa qua, giá trị xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đã giảm 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Do vẫn phát hiện Ethoxyquin trong tôm xuất khẩu của Việt Nam, ngày 31/8 vừa qua, cơ quan thẩm quyền nước này đã tiến hành kiểm tra 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu Ethoxyquin.
Tại thị trường EU, xuất khẩu sang thị trường này đều sụt giảm từ 13,8 đến 46,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia ngành thủy sản đánh giá, nguyên nhân chính là do suy thoái kinh tế thế giới vẫn còn tiếp diễn khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản giảm đáng kể, nhất là nhóm hàng thủy sản cao cấp như tôm, cá ngừ, mực... Đối với thị trường Mỹ, trong bảy tháng đầu năm nay, đã có bốn tháng giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm từ 8 đến 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ dừng lại ở các thị trường nhập khẩu, mà các doanh nghiệp còn phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn khác như từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu thủy sản tăng theo giá thức ăn, vật tư khiến người nuôi bỏ hầm, treo ao khiến các nhà máy thiếu nguyên liệu trầm trọng.
Giám đốc công ty Nha Trang Food cho biết tình trạng khan hiếm đã dẫn đến giá nguyên liệu thủy sản liên tục bị đẩy lên. Hiện nay, giá tôm nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức 115.000-120.000đ/kg, loại 30con/kg, tăng 2.000-3.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng Tám vừa qua; nhưng với tình hình dịch bệnh như hiện tại, giá thành sản xuất tôm nguyên liệu đã tăng 20-25% so với cùng kỳ năm ngoái và sự dè dặt của các doanh nghiệp khi mua tôm nguyên liệu vì e ngại tôm bị nhiễm Ethoxyquin đã khiến nhiều hộ nuôi bị thua lỗ nặng nề và đang dần dần ”treo” ao.
Hiện nay, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với việc giá điện tăng cao, khiến ngành sản xuất đặc thù như chế biến thủy hải sản càng khó khăn hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn là thủ tục và chi phí kiểm tra Nhà nước cho hàng thủy sản xuất khẩu vẫn chưa được giải quyết sớm theo kiến nghị của Hiệp hội và doanh nghiệp, và đang từng ngày “kéo lại” năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trước các quốc gia xuất khẩu tương tự như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia….
Cần ngay những biện pháp quyết liệt
Theo các chuyên gia ngành thủy sản, trước mắt, Việt Nam cần cấp bách tháo gỡ “vấn đề Ethoxyquin” để “cứu” thị trường tôm Nhật Bản. Với biện pháp kiểm tra 100% lô tôm Việt Nam về chỉ tiêu Ethoxyquin hiện nay, đã và đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đang hoàn toàn ở thế bị động và không dám xuất hàng sang thị trường này.
Đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, VASEP đã khẩn thiết đề nghị Tổng cục Thủy sản chỉ đạo khẩn cấp để cứu vãn thị trường này và đề nghị Tổng cục tiếp tục các biện pháp ngoại giao đấu tranh quốc tế, tìm chất thay thế Ethoxyquin.
Song song, Tổng cục cần có biện pháp nhanh chóng và cấp thiết là trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định hàm lượng tối đa cho phép chất Ethoxyquin trong thức ăn nuôi tôm ở mức 0,5 ppm thay cho mức 150 ppm như hiện nay. Đây là ngưỡng tối đa trong thức ăn đã được một số đơn vị nghiên cứu là không phát hiện được chất Ethoxyquin trong thành phẩm tôm nuôi.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám nhấn mạnh Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định nuôi trồng thủy sản sẽ là đơn vị trực tiếp nghiên cứu và sớm đưa ra hoạt chất thay thế tối ưu nhất trong tháng Chín này. Đây là nhiệm vụ cấp bách nhằm xoay chuyển tình thế trong nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ hỗ trợ thêm kinh phí thực hiện. Bộ sẽ có những biện pháp quyết liệt tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tôm để không "đánh mất" thị trường nhập khẩu quan trọng này.
Về phía các doanh nghiệp, ngành khuyến cáo cần chủ động hơn trong nắm bắt diễn biến các thị trường, nhất là những thị trường xuất khẩu thủy sản trọng điểm nhằm xây dựng kịch bản đối phó sớm với những tranh chấp có thể phát sinh, thì mới giảm thiểu được rủi ro cho nông sản xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh vấn đề cần nhất hiện nay là các doanh nghiệp thủy sản phải đặc biệt chú ý đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong hoạt động xuất khảu thủy sản. Lượng có thể giảm, nhưng chất cần phải tăng - đó là yêu cầu sống còn để doanh nghiệp hội nhập.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần phải tháo gỡ cho các doanh nghiệp chính là giảm “cơn khát” tiền đồng để doanh nghiệp có vốn lưu động quay vòng thu mua kịp thời nguyên liệu cho người dân, trả lương công nhân và các chi phí sản xuất khác.
Các doanh nghiệp cho rằng, ngành cũng cần tìm mọi biện pháp giảm các chi phí gián tiếp và chi phí dịch vụ cho các doanh nghiệp thủy sản trong điều kiện chi phí đầu vào, vận chuyển đều tăng cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tiếp tục cần sự hỗ trợ và phối hợp tích cực hơn của cơ quan quản lý nhà nước và VASEP, bởi đây là "lối thoát" lớn để xuất khẩu tôm tăng trưởng trong thời gian tới.
Thúy Hiền
Vietnam+
|