Dung Quất xin vốn khủng để đầu tư hạ tầng
Quảng Ngãi đề nghị trích 10% tổng thu ngân sách hàng năm tại Khu kinh tế (KKT) Dung Quất để đầu tư hạ tầng KKT này.
KKT Dung Quất được xây dựng với mục tiêu trở thành KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, trên cơ sở các ngành chủ lực như hóa dầu, hóa chất, cùng các loại hình công nghiệp nặng quy mô lớn như luyện cán thép, đóng tàu biển… Đặc biệt, Dung Quất được định hướng xây dựng thành một thành phố công nghiệp mở trong tương lai, có trung tâm lọc hóa dầu, trung tâm thương mại, trung tâm dịch vụ cảng… Mới đây, KKT này đã được Chính phủ xếp vào nhóm 5 KKT trọng điểm ưu tiên đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015.
Theo ông Phạm Như Sô, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, kiêm Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất, việc quy hoạch, phát triển và thu hút đầu tư KKT đang được tỉnh rất quan tâm và đây cũng là áp lực đáng kể để Dung Quất thật sự phát triển đúng tầm. KKT Dung Quất đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch với diện tích tăng 4,5 lần. Việc mở rộng KKT Dung Quất nhằm tạo điều kiện để Quảng Ngãi giải quyết bài toán thu hút đầu tư, nhưng kèm với đó là một “bài toán khó” trong việc phát triển hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
“Sau khi Chính phủ có quyết định mở rộng diện tích KKT Dung Quất, rất nhiều nhà đầu tư lớn tìm đến đây, như Tập đoàn Semcorp đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện công suất 1.200 MW, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore với Dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) quy mô 1.200 ha”, ông Sô nói và cho biết, tổng vốn đầu tư hai dự án này lên đến 3 tỷ USD.
Hiện tại, Quảng Ngãi đã và đang xúc tiến đầu tư các hạng mục giao thông quan trọng như tuyến đường Dốc Sỏi - cảng Dung Quất đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đường Trì Bình - Dung Quất đang kêu gọi nhà đầu tư theo hình thức BT, đường Tịnh Phong - Dung Quất 2 sẽ giao Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư…
Điểm thuận lợi của Dung Quất là nằm gần KKT mới Chu Lai (Quảng Nam). Với điều kiện này, Dung Quất đang đẩy mạnh hợp tác cùng Chu Lai để quy hoạch phát triển phù hợp và hỗ trợ lẫn nhau, nhất là hạ tầng Sân bay Chu Lai đang được nâng cấp đầu tư.
Để đạt được mục tiêu thu hút nhiều hơn nhà đầu tư, vấn đề đầu tiên với một KKT chính là quy hoạch và phát triển hạ tầng sao cho tương xứng. Chuẩn bị cho việc này, tháng 8 vừa qua, Ban quản lý KKT Dung Quất và Liên danh Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd - Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Cảng - Đường thủy đã ký kết Hợp đồng tư vấn lập Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2.000 Khu bến cảng Dung Quất II.
Cảng này được quy hoạch trên cơ sở Vịnh Dung Quất 2, có thể đón tàu có trọng tải 250.000 - 300.000 DWT, tạo tiền đề để phát triển Cụm công nghiệp nặng Dung Quất II. Khi Dung Quất II hình thành, sẽ tạo ra vùng đất khoảng 5.000 ha để phát triển công nghiệp nặng và khoảng 2.000 ha để phát triển công nghiệp phụ trợ.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn thu Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của KKT Dung Quất. Tỉnh này cũng đề nghị trích khoảng 10% (tương đương 1.500 tỷ đồng/năm) từ tổng thu ngân sách hàng năm tại KKT Dung Quất (15.000-16.000 tỷ đồng) từ nay đến năm 2015, để thực hiện mục tiêu tạo nguồn vốn 7.500 tỷ đồng đầu tư hạ tầng.
Hoàng Thủy
đầu tư
|