Giảm giá kích cầu, thị trường ximăng vẫn ảm đạm
Cùng chung cảnh ngộ với mặt hàng thép xây dựng, mặc dù doanh nghiệp ximăng
đã nỗ lực giảm giá để kích cầu tiêu dùng, nhưng trước tình hình thị trường
bất động sản “bất động” như hiện nay khiến cho các mặt hàng “ăn theo” này lâm
vào tình trạng ngày càng khó khăn.
Hiệp hội ximăng Việt Nam (VNCA) cho biết, sản xuất ximăng trong tháng qua
chỉ đạt 3,77 triệu tấn, giảm 12% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng qua, sản
xuất ximăng đạt 31,59 triệu tấn, giảm gần 2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù
tiêu thụ ximăng trong tháng qua tăng 5,5% so với tháng trước, ở mức 3,62 triệu
tấn, nâng tổng mức tiêu thụ trong 8 tháng lên 30,58 triệu tấn, vẫn giảm gần 4%
so với cùng kỳ năm ngoái.
Về giá bán, hiện ximăng đầu nguồn tại các đơn vị ổn định so với tháng
trước, dao động ở mức 1,24 triệu đến 1,26 triệu đồng/tấn loại PCB30; từ 1,28
triệu đến 1,63 triệu đồng/tấn loại PCB40. Đặc biệt, do tiêu thụ chậm, giá bán lẻ
tại các địa phương cũng được điều chỉnh giảm từ 80.000 đến 100.000 đồng/tấn, phổ
biến ở mức từ 1,3 triệu đến 1,5 triệu đồng/tấn ở miền Bắc và từ 1,6 triệu đến
1,7 triệu đồng/tấn tại miền Nam.
Mặc dù giá ximăng giảm , nhưng đến thời điểm này thị trường ximăng vẫn "ảm
đạm", doanh nghiệp sản xuất đang đứng trước bài toán bí đầu ra cho sản phẩm.
VNCA cho hay, cũng như mặt hàng thép xây dựng, mặt hàng ximăng lâu nay vốn đã bế
tắc trong việc tìm kiếm đầu ra, các doanh nghiệp sản xuất lại càng thêm khó
trong “tháng ngâu” - tháng có rất ít dự án, công trình khởi công xây dựng. Bên
cạnh đó, do tình hình khó khăn chung của cả nước, đặc biệt là cung lớn hơn cầu,
cộng với sự trầm lắng của thị trường bất động sản - một trong những đầu ra của
sản phẩm ximăng vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi trở lại khiến sức tiêu thụ chậm,
tồn kho ximăng tính đến cuối tháng 8 lên 0,63 triệu tấn; tồn clinke lên 2,12
triệu tấn.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, trong năm 2012, sản lượng ximăng dự kiến
đạt từ 60 đến 62 triệu tấn; nhu cầu tiêu thụ nội địa khoảng 47-48 triệu tấn,
xuất khẩu 7-8 triệu tấn. Như vậy, cung vẫn lớn hơn cầu, sức tiêu thụ nội địa
giảm, các doanh nghiệp ximăng đã và đang tích cực tìm thị trường xuất khẩu
clinker, ximăng, nhưng lượng xuất khẩu không nhiều.
Tính đến nay, các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu được 0,8 triệu tấn
ximăng và 4 triệu tấn clinke. VNCA cho biết, xuất khẩu clinker, ximăng là một
công việc kinh doanh rất khó khăn và mới mẻ đối với doanh nghiệp do tính cạnh
tranh của thị trường ximăng khu vực và thế giới rất gay gắt; các điều kiện
logistics của ta còn yếu kém; các doanh nghiệp không những không hợp tác với
nhau mà còn cạnh tranh nhau rất gay gắt, nên bị các nhà nhập khẩu nước ngoài ép
giá, gây thiệt hại chung cho toàn ngành.
Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), Chính phủ
Algeria vừa phê chuẩn Ch ương tr ình cho phát triển kinh tế - xã hội với tổng
kinh phí thực hiện dự kiến 284 tỷ USD, tập trung vào đầu tư phát triển cơ sở hạ
tầng; phát triển nền kinh tế quốc dân và để hiện đại hoá, phát triển dịch vụ
công cộng. Tuy nhiên, khả năng cung ứng của thị trường nội địa Algeria rất hạn
chế, thiếu nguồn cung ximăng cho xây dựng. Ngay trong năm 2012, Algeria cho nhập
1-1,5 triệu tấn ximăng và sau này sẽ gọi thầu nhập khẩu từng lô.
Ngoài Algeria,
một số nước Tây Phi khác cũng có nhu cầu lớn về ximăng như Mali khoảng 1-1,2
triệu tấn, Nigeria khoảng 300.000 tấn ximăng/năm; các thị trường khu vực Đông và
Nam Phi cũng đang liên tục tăng. Với những nhu cầu này, các doanh nghiệp trong
ngành ximăng có khả năng xuất khẩu sang thị trường này nên sớm liên hệ với các
thương vụ Việt Nam tại các quốc gia để được hướng dẫn cách thức và thủ tục thâm
nhập thị trường này.
Tuy nhiên, theo VNCA, đây chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết bài toán
cung - cầu. Về lâu dài, để đẩy mạnh tiêu thụ vẫn phải phụ thuộc vào tăng trưởng
kinh tế. Khi nền kinh tế hồi phục, kéo theo tăng trưởng về đầu tư, xây dựng hạ
tầng, phát triển khu đô thị thì mới giải quyết được vấn đề. Trước mắt, các doanh
nghiệp cần duy trì sản xuất theo diễn biến nhu cầu thị trường, tìm các giải pháp
kích cầu tiêu thụ sản phẩm, giảm tồn kho, tiết kiệm tối đa mọi chi phí đầu vào
để hạ giá thành sản phẩm, phấn đấu đạt gần sát mức sản xuất tiêu thụ và xuất
khẩu năm 2011./.
Văn Xuyên
Vietnam+
|