Chủ Nhật, 16/09/2012 15:57

Hiệp định TPP sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam

VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam.

Vòng đàm phán thứ 14 về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc tại Virginia, Mỹ vào sáng nay (16/9) theo giờ Việt Nam, với nhiều tiến bộ trong một loạt các lĩnh vực. Nhân dịp này, phóng viên thường trú VOV tại Mỹ đã phỏng vấn với Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam.

Xin ông đánh giá sơ bộ về kết quả vòng đàm phán TPP vừa qua, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến Việt Nam như xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp Nhà nước…?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Chúng tôi vừa kết thúc vòng đàm phán kéo dài hơn 10 ngày với 8 nước, trong đó có Hoa Kỳ, Brunei, Chile, New Zealand, Peru, Singapore, Malaysia và Australia.

Tôi cho rằng các nhóm đàm phán đã đạt được những tiến bộ rất đáng kể trong các lĩnh vực liên quan đến thị trường hàng hóa, hải quan, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại cũng như các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch vụ và đầu tư.

Các bên cũng đã trao đổi sâu và hiểu rõ nhau hơn trong những lĩnh vực khác, đặc biệt là môi trường, lao động và quyền sử hữu trí tuệ.

Trong những lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam như thương mại hàng hóa, chúng tôi rất quan tâm đến mở cửa thị trường cho xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ. Đoàn đám phán của Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những cuộc trao đổi rất hữu ích. Theo quan điểm của Việt Nam, đây là mặt hàng xuất khẩu rất quan trọng, là một trong những lợi ích cốt lõi của Việt Nam khi tham gia đàm phán TPP, nên cần được tiếp cận thị trường một cách thỏa đáng.

Phía Hoa Kỳ cho rằng dệt may là mặt hàng rất nhạy cảm đối với nước này. Trong các Hiệp định thương mại tự do khác, Hoa Kỳ đều có cách tiếp cận mở cửa dần dần đối với sản phẩm dệt may của các nước.

Chúng tôi đang cố gắng thảo luận với Hoa Kỳ để đi đến một giải pháp chấp nhận được cho cả hai bên, đáp ứng được quyền lợi của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Về vấn đề doanh nghiệp Nhà nước, chúng tôi đã khẳng định với Hoa Kỳ rằng, với những cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như trong khuôn khổ TPP, thì không cần phải có những quy định riêng cho khối doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, Việt Nam sẵn sàng xem xét ý kiến của các nước liên quan khác, kể cả Hoa Kỳ nếu họ chứng minh được sự cần thiết phải đàm phán về vấn đề doanh nghiệp nhà nước. Trong quá trình thảo luận đó, nếu có, thì cũng cần lưu ý một số nguyên tắc. Nếu họ chứng minh được rằng doanh nghiệp Nhà nước có thể tạo ra sự phân biệt đối xử trên thị trường thì chúng ta cũng không nên sửa chữa bằng cách tạo ra một sự phân biệt đối xử ngược với doanh nghiệp Nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước cần phải được đối xử công bằng như tất cả các doanh nghiệp khác trên thị trường chứ không nên tạo ra một gánh nặng nào cho họ hoặc phân biệt đối xử với họ.

Trong quá trình đó, phải hết sức lưu ý đến quyền lợi công cộng của các nước, ví dụ như dịch vụ công. Các doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng, đặc biệt là dịch vụ công đối với quốc gia thì phải được hưởng sự đối xử đặc biệt của nhà nước.

Một vấn đề nữa cần lưu ý là đặc thù của mỗi nước, đặc biệt là trình độ phát triển, trong bối cảnh trình độ phát triển của Việt Nam thấp hơn các nước tham gia đàm phán TPP khác. Đối với các vấn đề còn lại thì chúng tôi cũng đang cố gắng đảm bảo quyền lợi tối đa của Việt Nam, tìm kiếm một thỏa thuận cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ trong hiệp định này.

PV: Theo ông, Hiệp định TPP sẽ mang lại những cơ hội gì cũng như tạo ra những thách thức gì cho Việt Nam?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Khi tham gia TPP, điều đầu tiên chúng ta hướng tới là mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, chúng ta đã có thỏa thuận thương mại tự do với một số nước Đông Á như Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng chưa có thỏa thuận thương mại tự do với Hoa Kỳ.

Chính vì vậy mà chúng ta tham gia TPP đề tìm kiếm một thỏa thuận tương tự với Hoa Kỳ, mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu của Việt Nam và qua đó tăng cường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, nếu chúng ta có thể đưa ra những cam kết liên quan đến việc sửa đổi, điều chỉnh một số quy định pháp luật về đầu tư thì điều này sẽ có tác dụng thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đây là những lợi ích có thể nhìn thấy được thông qua đàm phán TPP.

Hơn nữa, với tư cách là một trong những thành viên sáng lập ra hiệp định tự do mới này, vị thế của Việt Nam sẽ được nâng cao, không những trong khu vực mà còn cả trên trường quốc tế. Khi tham gia TPP, bên cạnh các lợi ích kinh tế thì chúng ta cũng phải cân nhắc một cách tổng thể các lợi ích khác như chính trị và chính trị địa.

Tương tự như các đàm phán về tự do thương mại khác, đàm phán TPP cũng đặt ra nhiều thách thức. Đầu tiên là thách thức mở cửa thị trường cho các nước tham gia hiệp định này. Theo chúng tôi, thách thức này sẽ không quá lớn vì chúng ta đã có hiệp định thương mại tự do với các nước tham gia đàm phán, trừ Hoa Kỳ và Peru. Do vậy, mở cửa thị trường ở đây chủ yếu là mở cửa thị trường cho Hoa Kỳ.

Như chúng ta đã biết, cơ cấu hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ mang tính bổ sung cho cơ cấu hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam hơn là mang tính cạnh tranh trực tiếp. Tất nhiên là sẽ xảy ra cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản như thịt bò, thịt gà nhưng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có thể đảm phán được một lộ trình giảm thuế phù hợp thì chúng ta có thể vượt qua được những thách thức đó và nắm bắt được cơ hội mở cửa thị trường Hoa Kỳ.

PV: Như vậy là chúng ta đã xác định được cơ hội và thách thức khi tham gia TPP, vậy chúng ta đang có lợi thế gì trong việc nắm bắt những cơ hội này cũng như vượt qua những thách thức sẽ gặp phải?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Lợi thế của chúng ta là kinh nghiệm trong vệc khai thác lợi ích của một số thỏa thuận thương mại tự do khác. Phải thừa nhận là trong thời gian trước thì các doanh nghiệp Việt Nam có phần chưa quan tâm một cách thỏa đáng đến cơ hội thị trường mà các thỏa thuận tự do thương mại mang lại.

Trong 2, 3 năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu quan tâm và sử dụng ưu đãi từ các thỏa thuận này mà bằng chứng là số lượng giấy chứng nhận xuất xứ cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tăng lên rất mạnh.

Với lợi thế này, khi chúng ta có thêm thỏa thuận thương mại tự do với Hoa Kỳ thì tôi tin là chỉ trong một thời gian ngắn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm ra và tận dụng những lợi ích đó.

Lợi thế thứ 2 là chúng ta đã có một thời gian dài thực hiện chính sách đổi mới toàn diện các mặt khác nhau của đời sống. Chúng ta đang là thành viên của WTO, có thỏa thuận thương mại song phương với Hoa Kỳ và thỏa thuận thương mại tư do với nhiều nước. Chế độ chính sách của Việt Nam đã trải qua nhiều sửa đổi và cho đến giờ phút này đã tương thích với các quy định của WTO. Đó là một thuận lợi để chúng ta có thể nắm bắt được xu thế mới trong thương mại thế giới hiện nay và qua đó cân nhắc thêm một số cam kết để có thể tiến thêm một bước nữa trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và toàn thế giới.

Điểm bất lợi của chúng ta là sức cạnh tranh của một số ngành kinh tế cũng như của doanh nghiệp còn yếu. Nhà nước đã nhận ra điều này và đưa ra một loạt chương trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ của quốc gia mà của cả từng ngành, từng doanh nghiệp và từng sản phẩm nữa.

Chúng tôi hy vọng với quá trình tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, chúng ta sẽ tạo ra một môi trường khuyến khích cạnh tranh trong nước, giúp doanh nghiệp lớn mạnh và sẵn sàng đương đầu với cạnh tranh từ bên ngoài.

Không phải bây giờ chúng ta mới nghĩ đến chuyện cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài mà chúng ta đã đối diện với hình thức cạnh tranh như vậy từ rất lâu rồi, từ lúc chúng ta ký hiệp định thương mại song phương về mở cửa thị trường cho một số chủng loại nông sản của Hoa Kỳ vào Việt Nam.

Khi tham gia WTO, chúng ta đã giảm thuế nhập khẩu theo cam kết, mở cửa thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, tức là chúng ta đã có thời gian tập dượt và làm quen với cạnh tranh. Trong thời gian vừa qua, mặc dù trên thị trường có những cạnh tranh khốc liệt nhưng phải nói rằng phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đứng vững mà còn trưởng thành rất nhiều.

Tuy nhiên, mức độ mở cửa thị trường trong TPP sẽ lớn hơn so với mức độ mở cửa trong WTO và các hiệp định thương mại tự do khác. Do đó, ngoài việc tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thì chúng tôi sẽ cố gắng đàm phán lộ trình mở cửa thích hợp, để dành thời gian cho các doanh nghiệp nghiên cứu các thách thức và sẵn sàng đối diện với cạnh tranh khi chúng ta hạ thuế xuống 0% cho các sản phẩm đến từ bên ngoài.

PV: Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong xuất khẩu thủy sản vào Mỹ, nhưng một số mặt hàng nông sản nổi tiếng như thanh long thì lại hầu như vắng bóng tại đây, ông có thể lý giải nguyên nhân cho thực trạng này?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Trên lĩnh vực xuất khẩu nông sản vào Hoa Kỳ, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, chẳng hạn như xuất khẩu tôm, cá tra và thủy sản nói chung. Chúng ta đã làm tốt đến nỗi Hoa Kỳ đã phải có những động thái bảo vệ sản xuất của họ, trong đó có các vụ kiện chống bán phá giá mà chúng tôi cho răng không hợp lý.

Điều đó chứng tỏ chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong xuất khẩu thỷ sản và các loại nông sản như cà phê hay hạt tiêu. Nhưng đúng là một số sản phẩm khác nổi tiếng của chúng ta như thanh long vẫn chưa có vị trí thỏa đáng trên thị trường Hoa Kỳ.

Theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân là người tiêu dùng Hoa Kỳ rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Họ cần biết sản phẩm đó được sản xuất theo một quy trình nào đó có thể kiểm soát được về mặt chất lượng. Có thể hiện nay chúng ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đó, nhưng tôi nghĩ rằng một khi người nông dân và các doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu các thủ tục của nước ngoài thì họ sẽ tìm cách làm sao để quy trình sản xuất của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Nếu làm được điều này thì tôi tin rằng trong tương lai không xa, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có mặt ngày càng nhiều trên thị trường Hoa Kỳ.

PV: Tuần trước, lãnh đạo các nước tham gia đàm phán TPP cam kết sẽ hoàn tất Hiệp định này trong thời gian sớm nhất có thể, theo ông thì quá trình đàm phán có thể kết thúc trong năm nay như dự kiến không?.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Cho đến giờ này thì chúng ta có thể khẳng định là không thể hoàn tất TPP trong năm nay được vì Canada và Mexico sẽ tham gia đàm phán vào đầu tháng 12. Trong trường hợp này thì hy vọng kết thúc đàm phán sẽ TPP trong năm nay là điều không tưởng.

Chúng tôi quan tâm đến chất lượng đàm phán hơn là thời hạn kết thúc đàm phán, dù tốc độ đàm phán cũng rất quan trọng. Chỉ khi nào chúng ta đạt được một thỏa thuận có chất lượng, đáp ứng được quyền lợi của Việt Nam một cách thỏa đáng thì chúng ta mới có thể kết thúc cuộc đàm phán này được.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Nhật Quỳnh

VOV

 

Các tin tức khác

>   Xây nhà máy nước giải khát Number One Hà Nam (16/09/2012)

>   “Xốc lại” các tập đoàn kinh tế (16/09/2012)

>   Sinh non khó mong lớn mạnh (16/09/2012)

>   Tổ máy cuối cùng Thủy điện Sơn La phát điện vào cuối tháng 9 (16/09/2012)

>   Mỗi năm một cú sốc: DN ô tô chán nản, mệt mỏi (16/09/2012)

>   Tiếp máu” cho DN hồi sinh (15/09/2012)

>   Nhà thầu Trung Quốc “tháo thân” (14/09/2012)

>   Giải cứu doanh nghiệp: Đừng chỉ là 'đòn gió' (14/09/2012)

>   Trông chờ vào khu vực doanh nghiệp tư nhân (13/09/2012)

>   Cần cứu thị trường Nhật Bản cho xuất khẩu tôm VN (13/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật