Doanh nghiệp phản ứng trái chiều trước đề án tăng lương
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa có công văn gửi đến các địa phương về đề án tăng lương vào năm 2013 theo 2 phương án. Theo Phương án 1, mức lương tối thiểu áp dụng cho 4 vùng sẽ tăng từ 530.000 lên 700.000 đồng và phương án 2, mức tăng lương tối thiểu cho 4 vùng sẽ tăng từ 400.000 lên 500.000 đồng/ tháng. Nếu được thông qua, Chính phủ sẽ công bố điều chỉnh mức lương tối thiểu vào tháng 10/2012 và bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2013.
Theo ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (APROCIMEX): Tăng lương cho người lao động là hoàn toàn cần thiết, vì nó sẽ giúp người lao động có một cuộc sống đảm bảo, giúp tái cơ cấu lại sức lao động. Đầu tư tăng lương là đầu tư cho chất xám, đầu tư cho trí tuệ. Hơn nữa, lương cho người lao động không phải là chi phí quá lớn, nó chỉ chiếm 1% tổng chi phí của doanh nghiệp. Đặc biệt với công ty APROCIMEX thì nó chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra. Trong khi đó, đối với một doanh nghiệp, còn có rất nhiều chi phí khác lớn hơn như xăng dầu, phương tiện vận chuyển, lãi suất ngân hàng,… Nhưng nếu như chúng ta có chế độ chăm sóc cho người lao động tốt thông qua việc tăng lương thì người lao động sẽ nhiệt tình hơn trong công việc và gắn bó với công ty nhiều hơn, giúp công ty đứng vững và phát triển.
2 phương án tăng lương của Bộ Lao động - Thương Binh - Xã hội:
- Phương án 1: Mức lương tối thiểu áp dụng cho vùng I tăng từ 2 triệu lên 2,7 triệu đồng/ tháng; vùng II từ 1,78 triệu lên 2,4 triệu đồng/ tháng; vùng III từ 1,55 triệu lên 2,13 triệu đồng/ tháng và vùng IV từ 1,4 triệu lên 1,93 triệu đồng/ tháng. Với phương án này, tiền lương tối thiểu sẽ tăng lên từ 530.000 đồng tới tối đa 700.000 đồng.
- Phương án 2: mức lương tối thiểu vùng I sẽ tăng từ 2 triệu lên 2,5 triệu đồng/ tháng; Vùng 2 tăng từ 1,78 triệu lên 2,25 triệu đồng/ tháng; vùng III từ 1,55 triệu lên 1,95 triệu đồng/ tháng và vùng IV là 1,4 triệu lên 1,8 triệu đồng/ tháng.
|
Cùng với quan điểm trên, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cho biết, hoàn toàn đồng ý với đề án tăng lương. Ông cho rằng, bất cứ đề án nào tạo điều kiện hỗ trợ cho người lao động để người lao động có một cuộc sống tốt hơn thì bản thân tập đoàn DOJI luôn quan tâm. Hàng năm, 98% người lao động của Tập đoàn DOJI cũng đều được tăng lương cho người lao động với mức tăng 25%. Hiện nay lương trung bình của DOJI, cộng cả phần thưởng kết quả kinh doanh vào khoảng 6,5 triệu đồng/ người/ tháng.
Khác hẳn với 2 ý kiến trên, ông Nguyễn Sỹ Quang - Giám đốc Công ty Công ty Cổ Phần Cơ điện và Xây dựng Cotana lại cho rằng: Mặc dù lương chỉ chiếm một phần nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp, nhưng việc tăng lương cho người lao động trong thời điểm này là vô cùng khó khăn đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, với những doanh nghiệp làm thầu phụ cho những doanh nghiệp xây dựng như Cotana đang rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn do phải gánh một khoản nợ rất lớn từ ngân hàng.
Giải thích về những khoản nợ, ông Quang đưa ra ví dụ dự án Xây dựng khu tái định cư Yên Hoà- Cầu Giấy do Cotana làm thầu phụ, theo bảng dự thầu năm 2005 thì tổng giá trị dự án là 5,6 tỷ đồng. Nhưng từ năm 2005 đến năm 2012 tổng giá trị dự án đã điều chỉnh lên đến 18 tỷ đồng, do có sự điều chỉnh về giá và thiết kế nên vật tư tăng lên và chủng loại vật tư cũng thay đổi.
Tuy nhiên, trong quá trình làm nhà thầu phụ chỉ được thanh toán 80% những hạng mục có trong bảng dự thầu năm 2005, còn những thứ phát sinh do điều chỉnh thiết kế, giá, thì sau khi quyết toán công trình mới được lấy. Nhưng trong quá trình đang làm dở thì ngân sách không tiếp tục giải ngân do cắt giảm đầu tư công, nên không lấy được tiền, dẫn đến nợ đọng, và khó khăn cho doanh nghiệp. Vì thế, vấn đề tăng lương đối với doanh nghiệp trong thời điểm này là vô cùng khó khăn. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nên lùi thời gian tăng lương, để doanh nghiệp có thêm thời gian ổn định sản xuất, ông Quang cho biết.
Song ý kiến lùi thời gian tăng lương của ông Quang và một số doanh nghiệp lại không nhận được sự đồng tình của dư luận. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động cho thấy, mức lương tối thiểu của doanh nghiệp hiện nay mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình. Hơn nữa, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu, nên áp dụng tăng lương vào thời điểm 1/1/2013 là hoàn toàn hợp lý và nằm trong lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu chung do Chính phủ đề ra.
Tương tự điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng khoảng hơn 60% nhu cầu người lao động và thấp hơn mức lương trả trên thị trường khoảng 20%. Với mức lương này người lao động không thể bù đắp sức lao động giản đơn chứ chưa nói đến tích lũy để tái sản xuất sức lao động.
Ông Nguyễn Sỹ Bích- Trưởng ban Quản lý KCN tỉnh Bắc Ninh tại cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cũng nhận định: Một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hiện nay trả lương cho người lao động khá cao. Ví dụ như doanh nghiệp Nokia tại Bắc Ninh lương chính thức cho người lao động mới vào làm việc là 6 triệu, còn Samsung là 5 triệu, nếu làm thêm 2 tiếng đồng hồ thì lên 7-8 triệu. Như vậy người lao động mới tồn tại được. Còn mức lương tối thiểu của doanh nghiệp đưa ra hiện nay không đủ cho mức sống tối thiểu của người lao động./.
Chu Huỳnh
Báo kinh tế Việt Nam
|