Thứ Hai, 17/09/2012 06:30

DN “quên” bảo hiểm trách nhiệm giám đốc

Hoạt động kinh doanh của DN có thể được bảo vệ và giảm bớt rủi ro từ những quyết định sai của nhà điều hành.

Năm 2012 có rất nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị phá sản, thua lỗ. Nguyên nhân chủ yếu theo nhiều chuyên gia kinh tế là do sự chỉ đạo, quản lý điều hành sai sót của các vị lãnh đạo DN. Mặc dù bảo hiểm trách nhiệm giám đốc có thể là một công cụ giúp DN bảo vệ rủi ro trong điều hành của người lãnh đạo nhưng rất ít DN Việt Nam để ý tới yếu tố này.

Không chi trả nếu sai pháp luật

Để làm rõ hơn vấn đề, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, lấy ví dụ giả thiết từ một số vụ việc liên quan đến kinh tế nổi cộm gần đây, như vụ nợ nần của bà Diệu Hiền, Công ty CP Thủy sản Bình An. Nếu bà Diệu Hiền tham gia bảo hiểm trách nhiệm giám đốc sẽ được bảo hiểm cho những hoạt động điều hành sai nhưng không cố ý của mình. Đầu tiên, công ty bảo hiểm sẽ chi trả các chi phí khiếu kiện, ra tòa, án phí…, tiếp đó họ căn cứ vào hạn mức hợp đồng đã ký để chi trả các khoản nợ chứ không phụ thuộc vào tổng mức nợ của bà Diệu Hiền. Ví dụ, bà ký hợp đồng bảo hiểm hạn mức 100 tỉ đồng thì nếu có khiếu kiện xảy ra sẽ được chi trả đúng 100% hạn mức đó.

Tuy nhiên, “bảo hiểm trách nhiệm giám đốc không chi trả đối với hành động sai do cố ý, nghĩa là khi thực hiện hành động giám đốc biết trước sẽ gây thiệt hại về tài chính cho bên thứ ba. Trong trường hợp này, công ty bảo hiểm sẽ kiểm tra, phối hợp với các cơ quan điều tra cụ thể vụ việc rồi quyết định. “Ví dụ, với việc bà Diệu Hiền chỉ đạo đầu tư dàn trải sang các lĩnh vực khác như bất động sản dẫn đến thâm hụt ngân sách công ty, thua lỗ không có tiền trả nợ; công ty bảo hiểm sẽ xem như phần đầu tư này không có lợi cho Bình An hoặc nếu điều tra ra do tư lợi cá nhân thì không được bảo hiểm” - ông Lộc đưa ra giả thuyết.

Trường hợp thứ hai là vụ bầu Kiên. Mặc dù vụ việc có gây ảnh hưởng đến cổ phiếu niêm yết của một ngân hàng nhưng nếu ông Nguyễn Đức Kiên có tham gia loại hình bảo hiểm này vẫn không được bảo hiểm chi trả. “Lý do là không có khiếu kiện của cổ đông hay đối tượng nào đối với riêng ông Kiên, thứ hai là ông Kiên đã làm sai pháp luật” - ông Lộc ví dụ.

Trong khi đó, đại diện một công ty bảo hiểm nêu một trường hợp khác. Có hai phó tổng giám đốc một hãng hàng không khi thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro giá xăng dầu đã không thông qua HĐQT. Hậu quả là hai vị này phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật và bồi thường liên đới vì đã gây thiệt hại cho các cổ đông. Tuy nhiên, qua điều tra nhận thấy mục đích hành động của hai vị này là vì chính DN, không hề tư lợi nên vẫn được bảo hiểm bồi thường chi phí khiếu kiện và tổn thất gây ra.

Cách tạo uy tín với nhà đầu tư

Theo bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, phụ trách bảo hiểm tài chính Công ty TNHH Bảo hiểm Chartis Việt Nam, Nghị định 102/2010/NĐ-CP được coi là chìa khóa mở cánh cổng cho loại hình bảo hiểm trách nhiệm giám đốc có mặt tại Việt Nam. Nghị định dành cho cổ đông nhỏ quyền khởi kiện cán bộ quản lý vi phạm trách nhiệm trong việc điều hành DN, đặt nặng hơn vấn đề trách nhiệm pháp lý của người điều hành DN. “Nhận thức ngày càng cao về rủi ro từ việc điều hành quản lý của các vị lãnh đạo, nhiều DN Việt Nam đã tham gia bảo hiểm này, có DN còn yêu cầu nâng hạn mức bảo hiểm lên 30-50 triệu USD. Ngoài ra, việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm giám đốc cũng là một cách để DN nâng uy tín đối với cổ đông” - bà Quỳnh nói thêm.

Ngược lại, ông Phùng Đắc Lộc lại cho rằng đa số DN vẫn chưa biết thông tin hoặc chưa mặn mà với loại hình bảo hiểm này. Nhận thức của cả DN lẫn cổ đông về trách nhiệm pháp lý của người điều hành DN còn thấp. Nếu bất mãn về việc điều hành của giám đốc, họ cũng chỉ phê bình trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông mỗi năm một lần, ít ai nghĩ đến việc kiện người đó ra tòa.

“Ngoài ra, trong điều lệ của DN ít đề cập đến vấn đề nếu giám đốc ra quyết định sai gây ảnh hưởng lớn cho DN thì cá nhân người đó phải chịu trách nhiệm pháp lý. Ở Việt Nam, tổng giám đốc có cổ phần lớn trong DN nên dù họ có quyết định sai thì cổ đông sẽ nghĩ chính người đó cũng thiệt hại, thậm chí còn nhiều hơn cổ đông nên chẳng kiện cáo làm gì” - ông Lộc phân tích thêm. Một số công ty bảo hiểm khác cho biết họ không còn triển khai sản phẩm này ở Việt Nam vì thấy không hiệu quả.

Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi thông tin về loại hình bảo hiểm này với nhiều DN nhưng phần lớn đều nói không hề biết. Số ít DN biết đến thì cho rằng không cần thiết và tốn chi phí, nhất là khi đang khó khăn nhiều bề như thiếu vốn, thiếu nguyên liệu… Tuy nhiên, cũng có nhiều vị giám đốc, nhất là những công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, cho biết lãnh đạo một công ty đại chúng phải chịu rất nhiều áp lực nên cũng muốn chuẩn bị riêng cho mình phương án phòng rủi ro từ xa.

Bảo hiểm trách nhiệm giám đốc (Directors & Officers Liability Insurance - D&O) là loại hình bảo hiểm được tạo lập ra để bảo vệ trách nhiệm cá nhân của các nhà quản lý DN trước các khiếu kiện phát sinh do hậu quả của những quyết định sai của họ gây nên thiệt hại về mặt tài chính cho bên thứ ba là chủ nợ, cổ đông hoặc nhân viên trong DN...

Trên thế giới, D&O được coi là loại hình bảo hiểm phổ biến đối với các nhà điều hành trong các công ty lớn. Theo số liệu thống kê của Công ty Tư vấn Watson Wyatt Worldwide (Mỹ), có tới 95% công ty nằm trong danh sách Fortune 500 (500 công ty hàng đầu của Mỹ) có tham gia bảo hiểm D&O; có ít nhất 31% công ty gặp phải khiếu kiện liên quan tới D&O, đặc biệt là các công ty tài chính, truyền thông, công nghệ…

QUANG HUY

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Dệt may Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam (17/09/2012)

>   ‘Mỹ kích cầu, xuất khẩu của Việt Nam có thể hưởng lợi’ (17/09/2012)

>   Oằn vai vì thuế, phí: Vắt kiệt sức doanh nghiệp (16/09/2012)

>   DN xuất khẩu thủy sản sang Mỹ sẽ phải đăng ký lại (16/09/2012)

>   Doanh nghiệp phản ứng trái chiều trước đề án tăng lương (16/09/2012)

>   Dệt may kiến nghị được miễn giảm thuế (16/09/2012)

>   Hiệp định TPP sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam (16/09/2012)

>   Xây nhà máy nước giải khát Number One Hà Nam (16/09/2012)

>   “Xốc lại” các tập đoàn kinh tế (16/09/2012)

>   Sinh non khó mong lớn mạnh (16/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật