Điều hành chính sách thuế: Khi “thiểu số” có tiếng nói
Xét về hiệu quả, một quan chức từ Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, với mức giảm thuế như áp dụng thì tình hình xuất khẩu chắc chắn sẽ được cải thiện và ngân sách nhà nước sẽ được lợi hơn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng khơi lại được dòng vốn kinh doanh, đẩy mạnh sản xuất trở lại.
Bộ lại… tạo điều kiện
Hôm 10/9, Bộ Tài chính đã có công văn số 12208/BTC-CST báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về khó khăn của ngành than và đề xuất biện pháp giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 10% để hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm này.
Trên 9 triệu tấn tồn kho tính đến cuối tháng 7/2012 và đời sống của khoảng 11 triệu lao động ngành than, dân vùng mỏ đang bị ảnh hưởng trước tình hình sản xuất, kinh doanh “bê bết” của các doanh nghiệp là hai yếu tố chính để Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) “kêu” lên với Chính phủ. Bộ Tài chính trong một văn bản phát hành riêng cho báo chí thông tin rằng: “Tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Than -Khoáng sản Việt Nam trong 7 tháng năm 2012 gặp khó khăn”.
Cụ thể là TKV mới tiêu thụ được 21,8 triệu tấn (gồm trong nước 14,6 triệu tấn và xuất khẩu 7,2 triệu tấn), chỉ bằng 47,9% kế hoạch năm. Với con số tồn kho trên 9 triệu tấn, TKV cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do lượng than tiêu thụ trong nước giảm mạnh đồng nhịp với tăng trưởng kinh tế chậm; giá than xuất khẩu giảm do suy giảm kinh tế toàn cầu...
TKV cho biết, đã tiết giảm chi phí nhưng do giá xuất khẩu giảm nên với mức thuế xuất khẩu 20% thì giá thành than xuất khẩu cao hơn giá bán nên Tập đoàn không xuất khẩu được.
“Hiện tồn kho của TKV rất cao, ảnh hưởng đến nhiều mục tiêu lớn là công ăn việc làm; có nguồn vốn tái đầu tư mở rộng sản xuất mỏ; để ngành than giữ được chỉ số tín nhiệm vay các nguồn vốn ưu đãi…”, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) nói vậy trong buổi họp báo chiều 10/9.
Kịch bản giảm thuế xuất khẩu được tính toán với khả năng trong 4 tháng cuối năm 2012, sẽ giúp TKV xuất khẩu được với sản lượng dự kiến là 6,5 triệu tấn. “Việc điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu ngoài việc tạo điều kiện cho Tập đoàn tăng số lượng than xuất khẩu, giảm tồn kho; Tập đoàn không phải tạm ngừng sản xuất, giải quyết được việc làm cho người lao động…”, Bộ Tài chính khẳng định. Còn ông Thọ thì nói: “Nếu không giải quyết được bài toán thuế XK thì cạnh tranh thế giới rất khó, không giải quyết được tồn kho…”.
Cân nhắc lợi ích
Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia, quan chức được hỏi đều cho rằng, nếu phải giảm thuế để cứu ngành than thì cũng chỉ nên là giải pháp tạm thời. Xét về hiệu quả, một quan chức từ Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, với mức giảm thuế như áp dụng thì tình hình xuất khẩu chắc chắn sẽ được cải thiện và ngân sách nhà nước sẽ được lợi hơn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng khơi lại được dòng vốn kinh doanh, đẩy mạnh sản xuất trở lại.
Vị này cũng phân tích rằng, trong khi các hộ tiêu thụ than lớn ở trong nước đang giảm mạnh mua vào, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp tiêu dùng than lớn như xi măng, phân bón, thép… đều chịu ảnh hưởng hàng tồn kho lớn và sản xuất đình trệ thì giải pháp khả thi nhất cho lượng than tồn kho lớn là xuất khẩu. “Chắc chắn tác động từ việc giảm thuế sẽ tích cực hơn về thu ngân sách”, vị này khẳng định.
Tuy nhiên, một vấn đề khác đang đặt ra là điều hành chính sách thuế như vậy có thiên vị doanh nghiệp mà không nhìn đến lợi ích lâu dài của nền kinh tế? Bởi lẽ, lâu nay, quan điểm về điều hành thuế đối với ngành than vẫn hàm ý phải giữ thuế suất cao để hạn chế xuất khẩu mà tập trung cho tiêu thụ trong nước. Hơn thế, theo một tính toán, chỉ không lâu nữa Việt Nam có khả năng phải nhập khẩu than.
Ngay trong quy hoạch ngành, quan điểm cũng đặt ra là việc khai thác than trước hết phải đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ nội địa và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa hoặc không có nhu cầu sử dụng. Theo đó, đến năm 2015 lượng than xuất khẩu sẽ giảm xuống 5 triệu tấn và tiến tới chấm dứt xuất khẩu hoàn toàn để phục vụ nhu cầu trong nước.
Vậy việc giảm thuế có đi ngược lại chủ trương trên? Ngay cả ở trường hợp đây là “giải pháp có tính tình huống” như nhiều quan chức cho hay, thì liệu hành động này có vì lợi ích trước mắt mà bỏ đi quyền lợi lâu dài của cả đất nước, cả dân tộc?
Nguyên Viện trưởng một Viện nghiên cứu cho rằng, “đôi khi cách điều hành chính sách cho thấy thiểu số có tiếng nói hơn là số đông nhưng chỉ được quyền im lặng”. Ông này nói về câu chuyện thuế suất như vậy với hàm ý lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân nhiều lúc chưa được thể hiện hài hòa trong chính sách.
Nếu xét ở việc tài nguyên than là hữu hạn thì việc cố xuất khẩu cho đủ hạn ngạch cho phép, theo kế hoạch được giao, có lợi gì về dài hạn, cũng không khó để tính toán. Ít nhất, với việc giảm thuế suất cho gần một nửa lượng than được phép xuất khẩu trong năm nay, ngân sách sẽ “thiệt” khoảng 1/4 tổng số thu từ xuất khẩu than trong năm.
Anh Quân
thời báo ngân hàng
|