Thứ Bảy, 15/09/2012 11:03

Nhiều đơn vị xem thường kết luận kiểm toán

Theo số liệu vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố tại Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong 8 tháng đầu năm, KTNN đã kết thúc 55 cuộc kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 4.092 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu ngân sách nhà nước 703 tỷ đồng, giảm chi 898 tỷ đồng và xử lý khác 2.491 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền do KTNN kiến nghị các đơn vị được kiểm toán phải xử lý theo quy định. Tuy nhiên, tình trạng kết luận kiểm toán kiến nghị xử lý nhiều, song kết quả thực hiện lại rất thấp khiến nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại tình trạng coi thường kỷ luật, kỷ cương tài chính tại một đơn vị sử dụng ngân sách vẫn tiếp diễn.

Dẫn số liệu thực hiện kết luận kiểm toán niên độ ngân sách năm 2009, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu bức xúc trước thực trạng “coi thường” kết luận kiểm toán. “Kết luận về niên độ ngân sách nhà nước năm 2009 đã được KTNN công bố cả năm trời, nhưng đến nay, mới xử lý được chưa đến 11.822 tỷ đồng. Vẫn còn hơn 4.758 tỷ đồng chưa xử lý được. Số tiền chưa xử lý theo kết luận kiểm toán bằng số thu ngân sách của nhiều địa phương, vì vậy, không chỉ có Quốc hội đòi hỏi các đơn vị được kiểm toán phải chấp hành nghiêm kết luận kiểm toán, mà xã hội cũng đòi hỏi phải xử lý dứt điểm số tiền này để lập lại trật tự kỷ luật, kỷ cương tài chính quốc gia”, ông Giàu đặt vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hiện không chỉ lo ngại tình trạng kết luận kiểm toán xử lý tài chính nhiều, nhưng thực hiện kết luận kiểm toán ít và tình trạng dây dưa trong việc thực hiện kết luận kiểm toán, mà còn lo ngại tình trạng hành chính hoá các sai phạm hình sự. “Hàng năm, KTNN và Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm, lãng phí, tham ô, tham nhũng hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, hàng vạn mét vuông đất đai, nhưng chủ yếu là xử lý hành chính với tổ chức, cá nhân vi phạm; số vụ việc, số người mà KTNN và Thanh tra Chính phủ chuyển sang cơ quan điều tra để điều tra, khởi tố hình sự rất ít. Tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ dẫn tới… coi thường pháp luật”, ông Hiện nói và đặt vấn đề chất lượng kết luận kiểm toán của KTNN chưa thực sự cao.

Ông Hiện dẫn chứng, các vụ tham ô, lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước lớn chủ yếu do báo chí, nhân dân hoặc do “đấu tranh đấu đá nội bộ” phát hiện ra. Trong khi đó, các cơ quan thanh tra, kiểm toán mỗi năm thực hiện hàng trăm đợt thanh tra, kiểm tra, nhưng phát hiện ra tham ô, lãng phí, thất thoát rất ít. Để nâng cao chất lượng kiểm toán, theo ông Hiện, phải giảm thiểu những kết luận theo kiểu chủ yếu đánh giá những mặt làm được, ưu điểm, tích cực và chỉ ra rất ít hạn chế, tiêu cực của cơ quan được kiểm toán và đặc biệt là tránh tình trạng kết luận kiểm toán chung chung, đại khái.

Cũng như nhiều thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khá lo ngại trước thực trạng kết luận kiểm toán xử lý tài chính nhiều, nhưng xử lý lại ít. “Phải công khai địa phương nào, bộ, ngành nào, tập đoàn, tổng công ty nào không thực hiện nghiêm kết luận kiểm toán. Quan trọng hơn, phải chỉ rõ nguyên nhân tại sao, ai chịu trách nhiệm về việc không thực hiện nghiêm kết luận của KTNN”, bà Doan nói.

Lý giải về thực trạng không thực hiện đầy đủ kết luận kiểm toán, Tổng KTNN, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương và lãnh đạo các bộ ngành - cơ quan cấp trên của đơn vị được kiểm toán. Nếu ở đâu lãnh đạo ý thức được trách nhiệm về thực hiện kỷ luật, kỷ cương tài chính, thì ở đó thực hiện kết luận kiểm toán cao và ngược lại.

Tổng KTNN cho biết, trong kế hoạch kiểm toán năm 2013, sẽ tăng cường kiểm toán tại 29 đầu mối, trong đó có 8 tập đoàn (tăng gấp 4 lần so với năm nay). Nằm trong danh sách này sẽ có cả những đơn vị đã được kiểm toán năm 2012.

Ngoài danh sách 8 tập đoàn nhà nước thuộc diện kiểm toán 2013 mà KTNN đề xuất, Ủy ban Tài chính của Quốc hội còn yêu cầu bổ sung 3 tập đoàn mà dư luận hiện rất quan tâm là Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam và Xăng dầu Việt Nam.

Mạnh Bôn

đầu tư

Các tin tức khác

>   Thuế TNCN: Tranh cãi con số, đẩy khó cho dân (15/09/2012)

>   Cõng thuế và cưỡi thuế (14/09/2012)

>   Điều hành chính sách thuế: Khi “thiểu số” có tiếng nói (14/09/2012)

>   Thuế TNCN: Đừng nói cao thấp một cách lạnh lẽo (14/09/2012)

>   “Sẽ đổi hình thức thu thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán” (12/09/2012)

>   Chủ tịch Quốc hội: '9 triệu đồng chưa phải thu nhập cao' (12/09/2012)

>   Thuế thu nhập cá nhân: Nhiều bất hợp lý của biểu thuế lũy tiến (12/09/2012)

>   Ngày mai, Quốc hội bàn sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân (11/09/2012)

>   Hơn 70.000 doanh nghiệp được gia hạn thuế thu nhập (11/09/2012)

>   Giảm thuế xuất khẩu để giúp TKV vay được vốn ưu đãi (11/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật