'Chạy' thuế 800 triệu USD/năm, dệt may khốn đốn
Nếu bỏ ân hạn thuế 275 ngày đối với nguyên phụ liệu nhập khẩu cho sản xuất hàng xuất khẩu thì mỗi năm, doanh nghiệp dệt may sẽ phải "chạy" 800 triệu USD để đóng thuế trước, chờ hoàn thuế.
Bài toán tổn thất này vừa được Hiệp hội Dệt may Việt Nam ước tính nhằm chứng minh sự bất hợp lý trong việc sửa đổi Luật Quản lý thuế vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận hôm 15/8 vừa qua.
Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo - dự kiến sẽ sửa Khoản 3 Điều 42 của Luật Quản lý Thuế hiện hành, yêu cầu doanh nghiệp (DN) phải nộp thuế trước thời điểm thông quan đối với hàng gia công xuất khẩu, hàng tạm nhập tái xuất... DN sẽ chỉ được hưởng thời hạn ân hạn nộp thuế đối với hàng gia công xuất khẩu 275 ngày như hiện nay khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng.
Phân tích về điểm này, Hiệp hội Dệt may cho biết, DN rất khó đảm bảo đầy đủ điều kiện để có bảo lãnh của ngân hàng. Muốn được bảo lãnh, ngoài điều kiện về tiền đặt cọc, DN còn phải đáp ứng điều kiện có tài sản thế chấp và phải nộp phí bảo lãnh.
Đơn cử như, một DN dệt may làm hàng xuất khẩu có doanh số 10 triệu USD/năm thì sẽ phải dành ra khoảng 1,2 triệu USD/năm để nộp thuế. Sau đó, DN sẽ phải xin hoàn thuế liên tục trong một năm.
Với số thuế trên, khi muốn ngân hàng bảo lãnh, ngoài việc chịu thêm phí bảo lãnh, DN còn phải có khối tài sản trị giá 2 triệu USD để thế chấp. Trong khi vốn dĩ, các DN muốn vay ngân hàng thông thường, cũng đã phải có tài sản thế chấp. Đây chỉ là bài toán cho quy mô một DN nhỏ.
Trên thực tế, số DN dệt may có thể đáp ứng được điều kiện để ngân hàng bảo lãnh là rất ít. Đa số DN sẽ phải đi vay tiền để tạm nộp thuế trước, hoàn thuế sau nên dẫn tới hệ lụy phát sinh nhiều thủ tục cho công việc này.
Hiệp hội Dệt may còn tính toán thêm, nếu nhìn tổng thể trong toàn ngành, với tổng doanh số xuất khẩu đạt 16 tỷ USD/năm, sau khi trừ đi phần giá trị của nguyên vật liệu trong nước thì lượng tiền thuế cho nguyên vật liệu nhập khẩu phải tạm nộp để hoàn thuế sau lên tới 700-800 triệu USD/năm.
Quy định mới không chỉ ép DN phải "chạy" vay tiền tạm nộp thuế mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh của DN.
Hơn nữa, đây là khoản vốn lớn, hoàn toàn có thể được sử dụng hiệu quả hơn, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn thay vì đem tạm nộp ngân sách.
Hiệp hội Dệt may lo ngại, khi siết chặt như vậy, DN sẽ mất nhiều thời gian hơn để làm thủ tục nhập khẩu cho từng lô hàng. Trong khi thực tế ngành dệt may, số lượng hàng nhập khẩu các nguyên phụ liệu là vô cùng lớn, từ nhiều đối tác và tiến độ nhận hàng rải rác trong năm. Khi thủ tục mất thời gian, các DN đứng trước nguy cơ bị chậm nhận hàng, ảnh hưởng kế hoạch sản xuất.
Cùng đó, việc phải trả phí bảo lãnh cho ngân hàng cũng khiến cho DN bị đội chi phí đầu vào.
Phản ứng sự điều chỉnh này tới Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội, trong công văn vừa ký đầu tuần này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh, việc siết chặt như vậy là không công bằng.
Cơ quan này thừa nhận, đúng là có một số DN FDI làm ăn thua lỗ, đóng cửa, phá sản nên đã chậm nộp thuế so với thời gian được ân hạn 275 ngày, gây thất thu thuế. Song, hiện tượng trên chỉ là con số nhỏ, còn đại đa số DN dệt may đều làm ăn đứng đắn, nghiêm túc. Quy định mới của Bộ Tài chính sẽ giáng thêm một đòn nặng vào DN, đẩy họ vào bước đường cùng là đóng cửa nhà máy, sa thải người lao động.
Khoản 3 Điều 42 của Dự thảo sửa Luật Quản lý Thuế quy định người nộp thuế phải nộp thuế trước thời điểm thông quan và chỉ được áp dụng ân hạn khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng (275 ngày đối với hàng gia công xuất khẩu, 15 ngày đối với hàng hoá tạm nhập tái xuất, 30 ngày đối với trường hợp khác).
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội yêu cầu cần làm rõ căn cứ để quy định thời hạn bảo lãnh đối với từng loại hàng hóa. Ngoài ra, có thể rút ngắn thời hạn bảo lãnh đối với hàng gia công xuất khẩu xuống 180 ngày thay vì 275 ngày như Dự thảo luật hoặc theo thời gian quy định của chu kỳ sản xuất, gia công hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, có ý kiến trong ủy ban cho rằng, quy định trên sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và duy trì các cân đối vĩ mô của nền kinh tế
|
Phạm Huyền
VEF
|