Thứ Sáu, 14/09/2012 10:14

Ông Phạm Hồng Sơn: An toàn giao dịch phải bắt đầu tư ý thức tuân thủ của CTCK

Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban chứng khoán, thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin, để mất niềm tin là mất tất cả.

Ra quyết định xử phạt ở mức đình chỉ hoạt động thanh toán bù trừ đối với CTCK Golden Bridge (GBS) dù chỉ trong 10 ngày là sự trăn trở không chỉ của VSD, mà còn cả lãnh đạo UBCK. Khi doanh nghiệp vi phạm, việc chịu phạt là đương nhiên, nhưng một vụ việc xảy ra lại ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trên TTCK.

Làm thế nào để giảm bớt vi phạm, buộc các công ty chứng khoán đi đúng hành lang pháp lý là vấn đề báo Đầu tư chứng khoán đặt ra khi trao đổi với ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban chứng khoán.

Ông Phạm Hồng Sơn

Từ góc độ người quản lý các công ty chứng khoán, theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc một số công ty chứng khoán rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán?

Hiện tượng mất khả năng thanh toán, buộc cơ quan quản lý phải ra quyết định xử phạt đến mức đình chỉ hoạt động thanh toán bù trừ mới chỉ xảy ra ở một vài trường hợp cá biệt, nhưng theo tôi có 2 nguyên nhân chính.

Cụ thể, công ty chứng khoán đã cung cấp nhiều dịch vụ vượt quy định pháp lý cho nhà đầu tư, trong khi chất lượng quản trị rủi ro kém, nên có những lúc đã lộ ra sự mất an toàn trong hoạt động. Với những trường hợp này, việc xử lý vi phạm là đương nhiên, nhưng điều chúng tôi trăn trở nhất là tác động hệ thống đến thị trường, vì hàng ngày có hàng chục, hàng trăm ngàn giao dịch được thực hiện, nên chỉ cần 1 thành viên có lỗi là đã ảnh hưởng đến rất nhiều thành viên, rất nhiều nhà đầu tư trên thị trường.

Ở nguyên nhân đầu tiên, công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ vượt quy định pháp lý, cụ thể là gì, thưa ông?

Hiện nay, hình thái vượt khung rõ nhận thấy nhất là việc công ty chứng khoán cho nhà đầu tư nợ tiền mua cổ phiếu, vượt quá thời hạn hoặc mức cho phép trong quy định về tỷ lệ ký quỹ của Bộ Tài chính.

Theo quy định hiện hành, người bán chứng khoán bắt buộc phải có 100% chứng khoán đặt bán trong tài khoản, còn người mua chứng khoán bắt buộc phải có tiền trong tài khoản ngay trong ngày T+0, không đòi hỏi mức 100% với các cổ phiếu được phép giao dịch ký quỹ, nhưng tối thiểu cũng phải 60% giá trị tiền dự kiến mua.

Tuy nhiên thực tế, một số công ty chứng khoán đã trực tiếp ký hợp đồng hỗ trợ nhà đầu tư quá mức cho phép hoặc cho họ trả chậm tiền mua chứng khoán ngày T, đã tác động đến an toàn trong hoạt động thanh toán, do không được đảm bảo từ gốc.

Bên cạnh đó, hoạt động ứng trước tiền bán chứng khoán cũng được một số công ty chứng khoán thực hiện, trong khi quy định pháp lý chưa đề cập đến nghiệp vụ này. Trong trường hợp vi phạm của một số thành viên đến mức buộc cơ quan quản lý phải hủy thanh toán, đã xảy ra tình trạng là có công ty chứng khoán trót ứng trước tiền bán chứng khoán cho nhà đầu tư, phải chạy đôn đáo, tìm mọi cách để thu hồi khoản tiền này lại.

Những nghiệp vụ như vậy đều chưa được cụ thể hóa bằng quy định pháp lý, nên chỉ cần một số thành viên không giữ được an toàn cho mình sẽ ảnh hưởng chung đến toàn thị trường. Thực trạng này buộc chúng tôi phải xem xét để tìm giải pháp xử lý.

Hướng xử lý vấn đề này của cơ quan quản lý sẽ như thế nào, thưa ông?

Để đảm bảo tính khách quan, đa chiều, chúng tôi dự kiến sẽ có cuộc họp với Hiệp hội kinh doanh chứng khoán để nói rõ hiện trạng tuân thủ pháp lý của công ty chứng khoán, những vấn đề thực tiễn đang xảy ra và ứng xử của các bên liên quan nên như thế nào. Tuy nhiên, quan điểm của cá nhân tôi là để thị trường chứng khoán vận hành an toàn, trước hết các công ty chứng khoán phải thượng tôn luật pháp, tuân thủ đúng quy định pháp luật. Chẳng hạn, hành vi cho nhà đầu tư nợ tiền mua chứng khoán quá quy định là vượt khung, cần phải được chấn chỉnh lại.

Đối với hoạt động ứng trước tiền bán chứng khoán, do quy định hiện hành chưa đề cập đến vấn đề này, nên chúng tôi sẽ lấy thêm ý kiến của các thành viên và các cơ quan liên quan, xem cần ứng xử như thế nào cho phù hợp.

Tuy nhiên, bất kỳ chế tài nào, bất kỳ cơ quan quản lý nào, dù có chi tiết đến mức "cầm tay chỉ việc" cũng không thể để đảm bảo ngăn chặn hoàn toàn các rủi ro phát sinh. Vì thế, yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo sự an toàn cho thị trường chính là ý thức tuân thủ luật pháp của các thành viên đang hoạt động. Ở phía ngược lại, các thành viên cũng cần nhận thức rõ, thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin, để mất niềm tin là mất tất cả.

Tường Vi

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 14/09: Có thể giải ngân dần (13/09/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 13/09/2012 (12/09/2012)

>   Góc nhìn 13/09: Giảm mạnh bị loại trừ nhưng giữ tiền mặt vẫn hơn (12/09/2012)

>   Góc nhìn 12/09: Thận trọng, kiễn nhẫn, tránh bắt đáy (11/09/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 11/09/2012 (10/09/2012)

>   Góc nhìn 11/09: Thận trọng vẫn hơn (10/09/2012)

>   TS. Lê Xuân Nghĩa: “Từ nay đến cuối năm, TTCK chưa thể phục hồi” (10/09/2012)

>   Góc nhìn 10-14/09: “Dìm hàng” HNX? (09/09/2012)

>   Dự báo chứng khoán tuần qua: Thận trọng, tự doanh bán mạnh khi thị trường hồi phục (09/09/2012)

>   Góc nhìn 07/09: Có thể phục hồi kỹ thuật (06/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật