Chủ Nhật, 23/09/2012 15:37

Gánh nặng thuế má đang ngày càng gia tăng

Người dân và doanh nghiệp đang ngày càng nặng gánh với các khoản thuế và phí do quy mô thu ngân sách nhà nước đang ngày càng mở rộng, các nghiên cứu riêng của một quan chức Bộ Tài chính lẫn của Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định.

Tiến sĩ Vũ Như Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách, Bộ Tài chính khẳng định, các sắc thuế gắn trực tiếp với sản xuất kinh doanh và đời sống người dân trong nước như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng đang ngày càng tăng trong tổng thu ngân sách hàng năm.

Tăng thuế vì không thể giảm chi ngân sách?

Tuy không chỉ rõ mức tăng cụ thể của ba loại thuế trên nhưng ông khẳng định là ba khoản thu này đã tăng đáng kể, làm thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng lên 63% trong năm 2011, 64,1% năm 2010 từ mức 50,7% của năm 2001.

Theo tính toán của ông Thăng, quy mô thu ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 10 năm qua đạt 26,6% GDP, trong đó thu từ thuế và phí đạt 24,2%.

Ông nhận xét, tỷ lệ thu của ba loại thuế này đã tăng lên trong ngân sách nhà nước, bất chấp thực tế là các khoản thuế này đã được tiết giảm trên thực tế.

Cụ thể, mức thuế suất cao nhất của biểu thuế thu nhập cá nhân đã được giảm từ mức 50% trước đây xuống còn 35% hiện nay, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đã được giảm từ 32% xuống còn 28% và 25% từ đầu năm 2009. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã bãi bỏ mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 20% từ năm 2004.

Ông nói tại một hội thảo tổ chức cuối tuần trước tại Hà Nội: “Việt Nam đang đối mặt với mâu thuẩn căn bản, đó là đòi hỏi giảm dần mức độ động viên ngân sách nhà nước để khuyến khích sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích tụ vốn cho đầu tư phát triển và yêu cầu đảm bảo nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước”.

Theo ông Thăng, quy mô tổng chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2001-2010 đã lên tới 30,6% GDP. Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2010 đã tăng 6,2 lần so với năm 2000.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2011-2015 được Quốc hội thông qua đầu năm ngoái, tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí được yêu cầu giảm xuống dưới 22-23% GDP.

Ông nói tiếp: “Vấn đề là nếu thực hiện theo các mục tiêu về giảm mức động viên ngân sách và giảm bội chi ngân sách, thì quy mô chi ngân sách cũng đồng thời phải giảm xuống”.

Tuy nhiên, ông cho rằng việc giảm quy mô chi ngân sách là vấn đề “nhạy cảm và khó khăn”, đặc biệt với quốc gia có quy mô chi thường xuyên quá lớn như Việt Nam.

“Việc cắt giảm chi thường xuyên ở đâu và bao giờ cũng trở nên khó khăn và thường xuyên phải đối mặt với nhiều phản ứng tiêu cực từ phía người dân”, quan chức Bộ Tài chính cảnh báo.

Cảnh báo từ Quốc hội

Tuy nhiên, ở góc độ đại diện cho người dân, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có cái nhìn khác.

Một báo cáo của Ủy ban Kinh tế công bố gần đây khẳng định: “Những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực”.

Báo cáo này đánh giá, điều này, cùng với “thuế lạm phát” hàng năm ở mức hai con số trong vòng 5 năm qua, đã làm cho sức mua của người dân suy giảm mạnh.

Chẳng hạn, xét riêng về thuế thu nhập, mặc dù Việt Nam có các thang bậc thuế suất khá tương đồng nhưng khoản thu thập chịu các thang thuế suất tương ứng lại thấp hơn rất nhiều so với các nước khác.

Ví dụ đối với thuế thu nhập cá nhân, khoảng thu nhập chịu thuế suất 10% ở Việt Nam là xấp xỉ 3.451-5.175 đô la Mỹ/năm. Trong khi đó con số tương ứng ở Thái Lan và Trung Quốc lần lượt là 4.931-16.434 đô la/năm và 3.801-9.500 đô la/năm.

Tương tự như vậy, mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 25% được áp dụng cố định cho mọi doanh nghiệp ở Việt Nam, trong khi các nước khác lại áp dụng nhiều mức thuế suất khác nhau dao động từ 2% đến 30%.

Bên cạnh thuế thu nhập, Việt Nam còn áp nhiều khoản thuế cao khác đánh vào tiêu dùng như thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu. Đặc biệt, ngoài các khoản thuế và phí, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải trả các chi phí không chính thức cao.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho rằng, mức thu từ thuế và phí, không kể thu từ dầu thô, của Việt Nam hiện nay là rất cao so với các nước khác trong khu vực.

Cụ thể, trung bình trong 5 năm gần đây, tỷ lệ thu từ thuế và phí/GDP của Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia là xấp xỉ 15,5%, Philippines là 13,0%, Indonesia là 12,1%, và của Ấn Độ chỉ là 7,8%.

Bên cạnh đó, dù mấy năm qua Chính phủ thực hiện hàng loạt các biện pháp cắt và miễn giảm thuế nhằm kích thích tổng cầu thì thu thuế và phí, không kể dầu thô, của Việt Nam chưa có dấu hiệu giảm. Những ước tính sơ bộ của năm 2010 và 2011 từ Quyết toán NSNN cho thấy tỷ lệ này tiếp tục duy trì ở mức cao và thậm chí còn gia tăng, lần lượt khoảng 22,6% và 24,4% GDP.

Những con số trên, theo Ủy ban Kinh tế, cho thấy mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực.

Ủy ban cảnh báo rằng, tổng mức thu thuế/GDP cao đã hạn chế khả năng tích lũy, làm giảm đầu tư phát triển, và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân, và đồng thời khuyến khích các hành vi gian lận và tham nhũng.

Tư Hoàng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Sửa luật quản lý thuế, doanh nghiệp thuận lợi hơn? (22/09/2012)

>   'Chạy' thuế 800 triệu USD/năm, dệt may khốn đốn (22/09/2012)

>   Thu nhập từ đầu tư chứng khoán: Sẽ được tính lại thuế? (21/09/2012)

>   Hạn chế bội chi ngân sách ở mức dưới 4,5% GDP (20/09/2012)

>   Giảm thuế cho DN tích lũy (17/09/2012)

>   Doanh nghiệp nợ BHXH đầm đìa (16/09/2012)

>   Nhiều khoản thuế vô lý (16/09/2012)

>   Nhiều đơn vị xem thường kết luận kiểm toán (15/09/2012)

>   Thuế TNCN: Tranh cãi con số, đẩy khó cho dân (15/09/2012)

>   Cõng thuế và cưỡi thuế (14/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật