Kẽ hở gây nợ xấu ngân hàng
Chỉ cần cán bộ tín dụng tiến cử khách hàng vào diện vay, cộng với việc làm đẹp hồ sơ vay vốn, doanh nghiệp có thể vay nhiều chục tỷ đồng mà không cần tài sản thế chấp. Đây là một trong những kẽ hở gây nợ xấu ngân hàng.
Mất cả trăm tỷ đồng trong một vụ lừa
Vụ Cty Thương mại Phước Hưng (Cty PH- trụ sở tại thôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột) lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 3 chi nhánh ngân hàng và các cá nhân tại Đắk Lắk, tới thời điểm này tổng nợ lên tới gần cả trăm tỷ đồng của ba ngân hàng: Agribank chi nhánh Cư Mgar; Chi nhánh Ngân hàng Quốc Tế (VIBank) và Chi nhánh ngân hàng Sài Gòn (SCB).
Theo Kết luận điều tra vụ án của Công an tỉnh Đắk Lắk, đối chiếu với các quy định hiện hành của Agribank và giải trình của cán bộ liên quan, có thể thấy ở đây có kẽ hở lớn, nếu cán bộ tín dụng tiêu cực, móc nối với kẻ lừa đảo thì cũng không bị xử lý hình sự, trong khi ngân hàng mất vốn.
Theo quy định 1406 của Agribank Việt Nam về tiêu chí phân loại khách hàng, Cty PH được coi là “khách hàng loại A” nên chỉ cần nộp thêm bản báo cáo tài chính thể hiện 2 năm liền kinh doanh có lãi, lập tức được Agribank chi nhánh Cư Mgar cho vay 21,6 tỷ đồng không cần tài sản thế chấp.
Đúng 1 tuần trước hạn trả nợ đợt đầu vào ngày 19-5-2011, vợ chồng ông Phạm Quang Biểu, chủ Cty PH bị khởi tố và bị bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết luận điều tra, từ năm 2006 đến đầu năm 2010, ông Biểu đã thua lỗ khoảng 65 tỷ trong kinh doanh cà phê, nhưng lại chỉ đạo kế toán ngụy tạo hồ sơ, giả mạo chứng từ để vay vốn, lấy tiền chỗ nọ “trám” vào chỗ kia, khiến nợ chồng nợ ngày càng lớn. Tính đến tới điểm này, nợ gốc cộng nợ lãi mất khả năng thanh toán của Cty PH lên tới gần 100 tỷ đồng.
Mất nhiều nhất là Chi nhánh VIBank đã cho Cty PH vay 35 tỷ đồng, có yêu cầu thế chấp bằng một số tài sản, trong đó khoản thế chấp lớn nhất là 1.000 tấn cà phê nằm tại kho của Cty PH, mà khi dỡ kho kiểm tra mới hay lượng cà phê thực còn chưa tới…3,5 tấn, siết nợ xong vẫn mất hơn 29 tỷ.
Tương tự nhưng thiệt hại ít hơn, là chi nhánh SCB đã cho vay 22,1 tỷ đồng, siết nợ xong mất trên 11,5 tỷ. Kẽ hở của 2 ngân hàng trên, là đã không thẩm định và quản lý chặt chẽ khoản tài sản thế chấp mà khách hàng đã khai báo.
Còn đối với Agribank Cư Mgar, đến nay vẫn ôm khoản nợ xấu 24 tỷ đồng của Cty PH, kẽ hở lộ ra giữa các quy định lỏng lẻo về điều kiện cho vay và trách nhiệm ràng buộc trong toàn hệ thống.
Ai cũng đúng, chỉ khách hàng sai
Tường trình của cán bộ tín dụng Agribank Cư Mgar cho thấy việc kiểm tra, kiểm toán vẫn được thực hiện thường xuyên nhưng không ai phát hiện được gian dối của Cty PH.
Hồ sơ cho vay của Cty PH qua các năm đều được Cty Kiểm toán độc lập Earn & Young Việt Nam kiểm tra nhưng đều không có kiến nghị nào đối với Agribank Cư Mgar.
Tháng 6-2010, Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán cũng không có phát hiện gì về hồ sơ cho vay đối với Cty PH. Tháng 9-2010, đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Đắk Lắk cũng kết luận hồ sơ vay vốn đầy đủ, khách hàng có khả năng trả nợ. Agribank Cư Mgar sử dụng số liệu do khách hàng cung cấp là đúng quy định v.v...
Kết quả giám định của chi nhánh NHNN và kết luận của cơ quan điều tra đều cho rằng Agribank chi nhánh Cư Mgar đã thực hiện đủ, đúng các quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ vay. Lỗi hoàn toàn nằm về phía… khách hàng, do đã khai báo gian dối dẫn đến “rủi ro bất khả kháng, nằm ngoài sự kiểm soát của ngân hàng”.
May cho chi nhánh Agribank Cư Mgar, trước khi bị khởi tố, vợ chồng chủ Cty PH đã tình nguyện giao cho ngân hàng bán trụ sở của Cty PH (đây không phải là tài sản thế chấp cho khoản vay) để trả bớt khoản nợ.
Một thượng tá công tác tại cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk khẳng định, đối với những cán bộ tín dụng trực tiếp quan hệ với các khách hàng lừa đảo dẫn đến làm mất nhiều khoản tiền lớn không thu hồi được xảy ra tại chi nhánh Agribank gần đây, cơ quan điều tra không thể yêu cầu xử lý hình sự, vì họ không làm trái quy định của ngành.
Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Võ Huỳnh - Giám đốc Agribank Đắk Lắk cho biết: Sau khi vụ lừa đảo của Cty PH vỡ lở, Agribank đã sửa đổi quy định cho vay đối với khách hàng kinh doanh cà phê tại các chi nhánh khu vực Tây Nguyên, chấm dứt việc cho vay không cần tài sản thế chấp.
Hoàng Thiên Nga
tiền phong
|