Giảm lãi vay: Ngân hàng, doanh nghiệp bất đồng chính kiến
Mặc dù lãi suất cho vay đã được điều chỉnh xuống dưới 15%/năm, nhưng hầu hết ý kiến của doanh nghiệp tại TP.HCM đều cho rằng, mức này là chưa hợp lý.
Ông Nguyễn Công Tuấn, Giám đốc Tài chính Công ty cổ phần Thực phẩm HANCO cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tồn kho tăng cao như hiện nay, lãi suất nên điều chỉnh giảm về 12%/năm.
Đưa ra mức lợi nhuận lên đến vài ngàn tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) trong 6 tháng đầu năm nay, ông Nguyễn Công Tuấn cho rằng, đó là một điển hình cho sự mâu thuẫn lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp. “Doanh nghiệp hiện chỉ muốn hoà vốn, trong khi ngân hàng mong lãi cao là vô lý”, ông Nguyễn Công Tuấn nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho hay, đang có sự nhầm lẫn giữa lãi suất danh nghĩa và chi phí vốn. “Nhiều người cho rằng, ngân hàng huy động 9%, cho vay 15% là có lãi biên 6%. Điều này không chính xác, bởi ngoài chi phí 9%, còn dự trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền gửi, dự phòng chung, chi phí thuê văn phòng, khấu hao điện, nước…, do đó, khoản chênh lệch lãi suất mà ngân hàng được hưởng rất thấp”, ông Phước phân tích.
Nhiều chủ doanh nghiệp đang phải tính toán làm sao để có doanh thu phù hợp, lượng hàng tồn kho ở mức hợp lý nhất. Trước đây, không ít doanh nghiệp chấp nhận vay vốn với lãi suất cao để “cầm cự” qua cơ bĩ cực, song do tình hình kinh tế khó khăn kéo dài, dẫn tới tình trạng nhiều doanh nghiệp đã phá sản, nhưng chưa công bố. Do đó, để cứu doanh nghiệp, hơn lúc nào hết, ngân hàng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn (dù liều lượng nhỏ hơn trước), để họ duy trì hoạt động cho đến khi kinh tế hồi phục trở lại.
“Một số ngân hàng đang mời chào cho vay với lãi suất 12 - 13%/năm. Nhưng để tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp phải đáp ứng được nhiều điều kiện khắt khe của ngân hàng”, giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng tiêu dùng cho biết.
Thậm chí, theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN), nhằm kích thích sức mua trong bối cảnh cả doanh nghiệp nhỏ và lớn đều gặp khó khăn, nhất là khó khăn về đầu ra, lãi suất cho vay phải được xem xét điều chỉnh giảm xuống dưới 10%/năm.
“Để làm được điều này, cần phải có lộ trình, nhưng vẫn phải làm, vì không chỉ doanh nghiệp tồn kho, mà ngành ngân hàng cũng tồn kho vốn”, ông Văn Đức Mười nói.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, từ nay đến cuối năm, nếu lạm phát dưới 7%, lãi suất huy động có thể giảm xuống dưới 8%. Quý I và quý II/2013, nếu lạm phát giữ ở mức 4 - 6%, lãi suất huy động có thể giảm thêm một mức nữa. Khi đó lãi suất cho vay chắc chắn sẽ giảm hơn nữa. “Việc đưa lãi suất cho vay xuống dưới 10% là có thể thực hiện được với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chậm nhất khoảng 2 năm, nhanh nhất khoảng tháng 6/2013 là có thể thực hiện được mục tiêu này”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.
“Ngân hàng khó đạt chỉ tiêu lợi nhuận”
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank
Với mức lãi suất cho vay áp dụng đối với 4 đối tượng khách hàng ở mức 13 - 14%/năm hiện nay, lãi biên (chênh lệch lãi suất huy động - cho vay) trong kinh doanh tín dụng của DongA Bank chỉ khoảng 2,5%. Vì thế, sau khi trừ chi phí trong kinh doanh, lợi nhuận thu về từ hoạt động cho vay cũng chỉ đóng góp một phần nhỏ vào tổng lợi nhuận của Ngân hàng.
Trên thực tế, các ngân hàng thương mại phải đồng hành cùng DN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và điều chỉnh giảm lãi suất khoản vay cũ, ưu đãi lãi suất khoản vay mới. Do đó, các ngân hàng thương mại khó đạt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. 6 tháng đầu năm 2012, DongA Bank đạt khoảng 750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận. Song điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ hoàn thành được chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm nay ở mức 1.500 tỷ đồng, mà có thể phải điều chỉnh.
Nguyên nhân là do việc thực hiện điều chỉnh lãi suất các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm đã làm cho lợi nhuận của Ngân hàng bị hụt 40 tỷ đồng/tháng. Ước tính, 6 tháng cuối năm, DongA Bank bị hụt 240 tỷ đồng lợi nhuận.
“Sẵn sàng đáp ứng vốn cho vay”
Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT VietinBank (CTG)
Chênh lệch lãi suất huy động và cho vay tại VietinBank hiện dao động 2 - 2,5%, nên không thể nói ngân hàng lãi cao. Với tình trạng nợ xấu gia tăng hiện nay, Ngân hàng phải trích lập dự phòng đầy đủ, lợi nhuận bị co lại, thậm chí còn giảm mạnh so với quý I đầu năm nay. Bản thân VietinBank do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đến 1.453 tỷ đồng, nên lãi sau thuế quý II/2012 của VietinBank chỉ còn 565 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Nếu cuối năm nợ xấu giảm, Ngân hàng sẽ được hoàn nhập dự phòng vào lợi nhuận, song trước diễn biến thị trường hiện nay, kỳ vọng nợ xấu cuối năm giảm sẽ rất khó. Với chủ trương chia sẻ cùng doanh nghiệp, chúng tôi đã sớm thực hiện cắt giảm lãi suất khoản vay cũ về 15%/năm, đồng thời ưu đãi khoản vay mới cho khách hàng. Hiện lãi suất cho vay vốn lưu động tại Ngân hàng là 11 - 12%/năm và cho vay trung, dài hạn xoay quanh 13 - 14%/năm. Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn cho vay của doanh nghiệp.
“Không giảm lãi suất, ngân hàng khó khơi thông tín dụng”
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
Bối cảnh thị trường hiện nay buộc các ngân hàng thương mại phải hy sinh một phần lợi nhuận, để có thể khơi thông dòng chảy tín dụng. Bởi nếu duy trì lãi suất cao, các ngân hàng thương mại không thể cho vay, thì vốn sẽ khó sinh lời, trong khi ngân hàng phải trả lãi cho người gửi tiền. 7 tháng đầu năm nay, tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ đạt 1%, mục tiêu tăng trưởng 8 - 10% mà ngành ngân hàng đặt ra cho 6 tháng cuối năm cũng không dễ thực hiện. Do đó, nếu không giảm lãi suất, ngân hàng sẽ khó khơi thông vốn, lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng.
|
Tân Linh
Đầu tư
|