Cạnh tranh huy động vốn vẫn “nóng”
Trong khi phải cắt giảm lãi suất cho vay về mức phù hợp để kích thích tín dụng, thì các NHTM lại khó có thể giảm chi phí đầu vào.
Ngược lại, các nhà băng đang phải cạnh tranh để giữ thị phần khách hàng gửi tiết kiệm. Tại nhiều ngân hàng, người gửi tiền được hưởng lợi suất cao hơn trần lãi suất huy động 9%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 1 năm.
Tăng lãi suất, khuyến mãi
Qua khảo sát của ĐTCK tại một số ngân hàng cổ phần quy mô vừa và nhỏ, hiện khách hàng gửi tiền vẫn có thể gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 - 6 tháng, với lợi suất cao hơn mức 9%/năm. Bởi lẽ, để có thể cạnh tranh được với các nhà băng lớn khi còn vướng trần lãi suất, nhà băng nhỏ sẵn sàng chi thêm 1 - 3%/năm lãi suất cho người gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, khác với trước đây, khoản chênh lệch lãi suất này được chi trước cho khách hàng, thì nay các ngân hàng đều chuyển sang trả sau. Bên cạnh đó, ngân hàng còn đưa ra hình thức khuyến mãi như: thẻ cào, quà tặng…, nhằm thu hút người gửi tiền.
Một số ngân hàng còn tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài. Chẳng hạn, tại SCB, với kỳ hạn tiết kiệm từ 12 - 24 tháng, lãi suất được nâng lên 12%/năm. Đồng thời, SCB đưa ra các chương trình ưu đãi như “tài khoản thanh toán đa lợi”, “đầu tư linh hoạt”; miễn/giảm phí hơn 10 dịch vụ; vay cầm cố hợp đồng tiền gửi với lãi suất chỉ cao hơn 1%/năm so với lãi suất tiền gửi thực hưởng khi có nhu cầu vay.
Thực tế, thanh khoản của các NHTM hiện nay đã được cải thiện đáng kể so với trước. Trong bối cảnh thị trường khó khăn, ảnh hưởng nhất định đến môi trường kinh doanh của DN, khiến đầu ra của dòng vốn ngân hàng chững lại. Song không phải vì thế mà các nhà băng có thể mạnh dạn cắt giảm chi phí đầu vào, cũng như giảm bớt thị phần huy động, ngược lại ngày càng phải gia tăng.
Theo ông Vũ Mạnh Tiến, Phó tổng giám đốc DaiABank, tính đến ngày 30/6, số dư huy động của DaiABank đạt 6.100 tỷ đồng, tăng 17,25% so với năm 2011, cao gần gấp 3 so với tăng trưởng huy động toàn ngành là 6,49%. Thế nhưng, để có thể giữ được nguồn tiết kiệm và thu hút khách hàng mới, từ đầu năm đến nay, DaiA Bank cũng phải đưa ra các chương trình khuyến mại lớn, với giá trị giải thưởng lên đến hàng tỷ đồng.
Tổng giám đốc DongA Bank, ông Trần Phương Bình cho rằng, mức lãi suất 9%/năm hiện nay là phù hợp để khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm. Trong bối cảnh hiện nay, dù chứng khoán, bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục, nhưng nếu cắt giảm thêm lãi suất tiết kiệm, ngân hàng sẽ khó có thể thu hút được khách hàng gửi tiền.
Tại Navibank, chỉ với số tiền gửi từ 2 - 20 triệu đồng, khách hàng sẽ nhận được lãi suất 12%/năm (nếu gửi kỳ hạn trên 12 tháng) và được lĩnh lãi hàng tháng. Với kỳ hạn tiền gửi từ 1 - 12 tháng, lãi suất tiết kiệm được Navibank áp dụng mức 9%/năm. Trong khi đó, để có thể kích thích được tín dụng, Navibank tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay. Với gói vốn 1.000 tỷ đồng giải ngân từ tháng 8 đến hết năm 2012, Navibank áp dụng lãi suất không quá 14%/năm và số tiền cho vay đối với một khách hàng DN có thể lên đến 50 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Kể từ tháng 8/2012, HDBank cho vay tiền đồng đối với DN với lãi suất giảm còn 12 - 12,5%/năm, cá biệt có những trường hợp chỉ dưới 11%/năm. Tổng hạn mức gói hỗ trợ cho DN là 3.000 tỷ đồng. Không chỉ DN, mà hiện lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân cũng được HDBank ưu đãi tối đa, với chương trình giảm lãi suất lên đến 4%/năm, tức lãi suất cho cá nhân vay chỉ còn 12%/năm. Trong khi đó, HDBank đang huy động với lãi suất 9%/năm cho kỳ hạn ngắn và 11,5%/năm cho kỳ hạn dài.
Khả năng giảm trần lãi suất huy động
HSBC nhận định, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ sớm cắt giảm thêm mức 1%/năm lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất huy động, vì tăng trưởng kinh tế vẫn yếu và lạm phát cơ bản sẽ giảm xuống đáy khoảng 7% trong năm 2012.
“Chúng tôi hy vọng sẽ sớm có thông tin về việc cắt giảm thêm 1%/năm lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất huy động trong thời gian gần”, đại diện HSBC nói.
HSBC cho rằng, việc cắt giảm lãi suất sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động tín dụng. Nguyên nhân là nhiều cá nhân, DN đang đẩy mạnh quá trình cắt giảm nợ và họ không muốn vay thêm. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ cá nhân, DN muốn vay lại khó có thể tiếp cận vốn vay, vì thiếu tài sản thế chấp đạt chất lượng cao hoặc đang ở trong tình trạng mắc nợ trầm trọng.
Thống đốc NHNN vừa thông báo, trần lãi suất huy động trong thời gian tới sẽ được giảm xuống dưới mức 8%/năm (hiện là 9%/năm), qua đó các ngân hàng cắt giảm lãi suất cho vay. NHNN có thể sử dụng biện pháp hành chính để ngân hàng cắt giảm lãi suất, song việc giảm trần lãi suất huy động lần này sẽ được NHNN thực hiện thận trọng và có thể chưa vội thực hiện, vì e ngại lãi suất giảm sâu thì người dân không mặn mà gửi tiền.
Thùy Vinh
đầu tư chứng khoán
|