Thứ Bảy, 11/08/2012 11:22

“Máu chảy chậm”, nguy cơ “ủ bệnh” của nền kinh tế

Với một nền kinh tế đang phát triển và nguồn vốn được ví như mạch máu nuôi sống từng cá thể DN chủ yếu đến từ các ngân hàng như tại Việt Nam, tăng trưởng tín dụng phải từ 5%/năm trở lên, nếu không sẽ gây ra những hệ lụy về kinh tế - xã hội.

Quan ngại lớn

Một lãnh đạo cao cấp của VIB cho biết, 7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng âm và tình trạng này khá phổ biến ở nhiều ngân hàng, những đơn vị có tăng trưởng thì mức tăng cũng rất thấp. Bởi theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 7 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 0,76%.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mặc dù NHNN đã tích cực đưa ra các biện pháp làm tăng khả năng tiếp cận vốn cho các DN, tuy nhiên trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu, nợ xấu tiếp tục gia tăng, thì tín dụng đối với nền kinh tế vẫn chưa thể cải thiện. Tính đến ngày 25/7, dư nợ tín dụng vẫn giảm khoảng 0,1% so với đầu năm. Trong bối cảnh chưa có giải pháp rõ ràng cho vấn đề nợ xấu, thì khả năng khơi thông tín dụng trong những tháng tới sẽ rất khó khăn.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, khả năng phục hồi kinh tế sẽ gặp nhiều cản ngại khi tín dụng tăng trưởng quá thấp. Lý do là lượng vốn tín dụng trong nền kinh tế Việt Nam rất lớn, năm 2011 chiếm khoảng 125% GDP; đồng thời, nguồn huy động vốn chủ yếu của các DN vẫn đến từ ngân hàng (chiếm khoảng 70% thị trường tài chính, tương đương 75 - 80% vốn của DN). Do vậy, nếu vốn mà không ra được thị trường thì DN sẽ gặp khó trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và đương nhiên ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh tế.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - tiền tệ, tại Mỹ, tăng trưởng tín dụng hàng năm vốn rất thấp, nên nếu tại thời điểm nào đó không tăng trưởng thì đó không phải là nguy cơ cho nền kinh tế. Lý do bởi DN có nhiều nguồn vốn để có thể huy động như TTCK, thị trường trái phiếu, công ty/quỹ mạo hiểm…, chứ không chỉ dựa vào ngân hàng. Điều này có nghĩa, tín dụng chỉ là một phần trong hoạt động cung cấp vốn cho DN. Nhưng ở Việt Nam lại rất khác, khi mà nguồn vốn của DN chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng, nên khi ngân hàng không tăng trưởng tín dụng, các DN “đói” vốn sẽ tạo rủi ro cho nền kinh tế

“Đối với nền kinh tế đang phát triển như ở Việt Nam, việc dừng tăng trưởng tín dụng giống như có bệnh lý trong cơ thể. Tăng trưởng tín dụng từ 5%/năm trở lên là cần thiết, dưới 5% là rất nguy hiểm, bởi sẽ phát sinh những hệ lụy về kinh tế - xã hội”, TS. Hiếu nói.

Không quá băn khoăn

Trong khi đó, một lãnh đạo cao cấp của Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam lại nêu quan điểm, tại Việt Nam, nếu không có đầu tư cao thì tăng trưởng GDP sẽ rất thấp, nhưng tăng đầu tư không thể khiến GDP tăng tương ứng ngay lập tức. Do vậy, tăng trưởng tín dụng thấp là một nguy cơ tiềm ẩn phải lưu ý, chứ không phải rủi ro ngay tức thì. Để từng ngành nghề phát triển ổn định, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là con số tổng thể, nhưng cần phải tách ra đối với ngành nào thì tỷ lệ là bao nhiêu. Cụ thể, với những ngành có tiềm năng phát triển tốt như thương mại, nông nghiệp thì có thể áp mức tăng trưởng tín dụng lên đến 20 - 30%, còn những ngành không khuyến khích thì cần hạn chế.

“Bên cạnh đó, việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài sẽ đỡ rủi ro hơn so với việc tăng nhanh nguồn vốn tín dụng ở trong nước, vốn dễ khiến lạm phát bùng phát trở lại. Do vậy, cần có một chính sách tổng thể ưu đãi để thu hút nguồn vốn FDI”, vị lãnh đạo trên gợi ý.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, vấn đề của Việt Nam hiện nay là quy mô tín dụng quá lớn, tổng tín dụng như NHNN công bố đến 30/4/2012 là khoảng 2,6 triệu tỷ đồng, chiếm trên 100% GDP của năm 2011, hay có những năm đạt đỉnh là khoảng 130% GDP. Quy mô tín dụng rất lớn, nhưng sử dụng không hiệu quả, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, nợ xấu gia tăng. Vấn đề trong năm 2012 là khi nợ xấu gia tăng do sử dụng vốn tín dụng không hiệu quả, DN vẫn muốn vay vốn mới để đầu tư, trong khi về mặt nguyên tắc, các khoản vay cũ thừa đủ để DN phát triển hoạt động nếu sản xuất - kinh doanh hiệu quả.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, đa số DN hiện nay có năng lực tài chính yếu, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, vốn chủ sở hữu nhỏ và khả năng ứng phó với sự thay đổi môi trường kinh doanh hạn chế. Vì vậy, khi môi trường kinh doanh xấu đi, chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt, lãi suất tăng thì các DN sẽ gặp khó khăn về khả năng trả nợ. Theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, đến cuối tháng 3/2012, trong hơn 1 triệu khách hàng được chọn mẫu khảo sát tại 57 tổ chức tín dụng của Việt Nam, có 10.782 khách hàng có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu từ 3 lần trở lên.

Căn nguyên gốc rễ

TS. Ánh cho rằng, vấn đề hiện nay thực chất không phải là tăng tín dụng bao nhiêu, mà là sử dụng vốn hiệu quả đến đâu. Về mặt nguyên tắc, việc sử dụng vốn tín dụng không hiệu quả sẽ tiếp tục làm tăng nguy cơ nợ xấu và khiến DN càng “đói” vốn hơn. Vì vậy, gốc rễ là cần tìm ra cách để tháo gỡ nút thắt lớn nhất trong nền kinh tế hiện nay là vấn đề đầu ra cho nền kinh tế, chứ không phải là tăng tổng tín dụng. Nếu sắp tới có tăng trưởng tín dụng lên tới 7 - 8% đi chăng nữa, thì cũng sẽ xảy ra trường hợp DN sử dụng nguồn vốn dễ dãi đầu tư mạnh vào sản xuất - kinh doanh, nhưng không cải thiện được tình hình tiêu thụ, từ đó nợ xấu tăng lên và năm sau lại muốn vay những khoản vay mới và khoan nợ cũ. Quan trọng hơn nữa là nếu tín dụng được bung ra, cộng thêm các biện pháp nới lỏng khác để lạm phát cao quay trở lại, thì tình trạng nền kinh tế sẽ còn xấu hơn.

“Câu chuyện tăng trưởng tín dụng không được lý giải một cách minh bạch là tại sao phải tăng tín dụng 8 - 10% hay 15 - 17%/năm, trong khi mọi người quên mất nguyên nhân cơ bản gây bất ổn vĩ mô ở Việt Nam chính là đầu tư quá lớn và không hiệu quả, kể cả đầu tư từ vốn tín dụng”, ông Ánh nhấn mạnh.

Hồng Dung

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   “NIM của Vietinbank hiện ở mức 2-2,5%” (11/08/2012)

>   Tiêu cực tại ALCII: Hàng trăm tỉ đồng bốc hơi (11/08/2012)

>   Dịch vụ ngoại hối sẽ dần thu hẹp? (10/08/2012)

>   Vay vốn quốc tế: Không rẻ nhưng cần thiết (10/08/2012)

>   Agribank và HDBank ký thỏa thuận hợp tác (10/08/2012)

>   Ngân hàng có thể tăng trưởng tín dụng tới 27% (10/08/2012)

>   Chuẩn bị chất vấn Thống đốc về nợ xấu (10/08/2012)

>   Khúc quanh khó của tiền tệ (10/08/2012)

>   Điểm mặt ngân hàng “dính” vào doanh nghiệp lỗ trên sàn (10/08/2012)

>   Ngân hàng "vòi tiền" khi doanh nghiệp vay vốn? (10/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật