Thứ Sáu, 10/08/2012 10:42

Khúc quanh khó của tiền tệ

Bảy tháng đầu năm tín dụng toàn hệ thống, tính cả trái phiếu doanh nghiệp, tăng 1,06% so với cuối năm ngoái là số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố. NHNN cũng dự báo năm nay tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 6% - 8%, đồng thời cho biết lãi suất huy động 9% sẽ ổn định, nhưng không cố định.

Thách thức tín dụng

So với mức 1,4% tăng trưởng tín dụng (kể cả trái phiếu doanh nghiệp) sáu tháng, thì tín dụng tháng 7 âm. Tín dụng đang trong giai đoạn biến động mạnh do tương đối nhiều các khoản vay lãi suất cao được trả trước hạn để vay mới. Theo NHNN, đến ngày 3-8-2012 khoảng 70% các khoản vay cũ đã được điều chỉnh lãi suất về dưới 15%/năm và dự kiến hết tháng 8, tỷ lệ sẽ chừng 95% - 100%.

Hiện tại lãi suất các khoản vay mới dao động xung quanh 13% - 14%/năm. Thậm chí một số ngân hàng đã cho vay lãi suất 11% - 12%/năm với doanh nghiệp hiệu quả, nhưng câu chuyện thúc đẩy tín dụng không còn phụ thuộc vào lãi suất như đầu năm. Hai tuần gần đây, trái phiếu Chính phủ thêm một lần nữa trở nên hút hàng và các công ty tư vấn tài chính đã liên tục khuyến cáo khách hàng quay lại với thứ hàng hóa này. Kết quả lợi tức trái phiếu kỳ hạn 1-2 năm lại rơi xuống dưới 9%/năm.

Hàng tồn kho ngày càng trở thành cửa ải khó vượt qua đối với doanh nghiệp. Sức mua thấp, hàng tồn nhiều, nhà sản xuất vay vốn để làm gì? Tiền ngân hàng đang thừa và nó sẽ tiếp tục chảy vào trái phiếu nếu không cho vay được. Khác với trước, giờ đây ngân hàng buộc phải thận trọng hơn trong giải ngân và chọn lựa người vay bởi tốc độ bành trướng của khối nợ xấu chưa dừng lại. Lợi nhuận giảm là điều ngân hàng phải chấp nhận. Theo chi nhánh NHNN TPHCM, lợi nhuận trước thuế bảy tháng qua so với cùng kỳ của các ngân hàng trên địa bàn đã giảm 37%.

Vì sao 9%?

Ổn định giá trị tiền đồng là một trong những ưu tiên của NHNN. Con đường này đã được những người điều hành chính sách tiền tệ bắt đầu từ quí ba năm 2011 và bây giờ nó đang ở khúc quanh khó nhất. Độ chênh lệch tiền gửi Việt Nam đồng và ngoại tệ hiện vẫn còn đủ sức để tạo sức hấp dẫn cho tiền đồng. Nhưng nếu lãi suất huy động về dưới 9%, không có gì đảm bảo sự dịch chuyển từ tiền đồng sang vàng, ngoại tệ sẽ không diễn ra.

Hãy xem sự vững chắc của cái neo lãi suất 9% đến đâu?

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nói: “Để điều hành chính sách tiền tệ theo lạm phát mục tiêu phải có những điều kiện nhất định và chúng ta chưa có đủ điều kiện đó, nhưng NHNN đang hướng tới việc dần tạo ra những điều kiện ấy”.

Cho đến giờ, các bộ, ngành đều đưa ra những kịch bản khác nhau về lạm phát.

NHNN đưa ra ba phương án khác nhau, cụ thể phương án một lạm phát 7%; phương án hai 6% và phương án ba 3,5% - 4,5%, trong đó phương án hai là mục tiêu hướng đến. Riêng tháng tám, cơ quan quản lý ngành ngân hàng dự báo CPI tiếp tục âm 0,15% - 0,2%. Một cách khách quan, sự chuẩn bị với nhiều giả thiết như thế là không thừa vì lạm phát phụ thuộc một phần vào hai yếu tố lương thực và xăng dầu, mà giá cả nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam.

Nhìn vào đây, giả sử lạm phát cả năm 7%, thì ngưỡng lãi suất huy động 9% là kịch tường, không thể thấp hơn nhằm đảm bảo cho người gửi tiền có lãi suất thực dương. Bất kỳ sự điều chỉnh lãi suất nào dưới ngưỡng này đều phải thận trọng.

Trường hợp lạm phát 6%, lãi suất thực dương tới 3%, tiền đồng được “bồi” thêm ưu thế và không ít người chọn lựa gửi tiền ngân hàng, thay vì đầu tư, làm ăn. Lúc này giảm lãi suất huy động thêm 0,5-1% có ý nghĩa lớn và không thể không tính đến. Có giảm không? Liều lượng giảm, thời điểm giảm đều phải cân nhắc. Những bước đi nhẹ, thí dụ giảm lãi suất nhiều lần, mỗi lần 0,25%, xem ra hợp lý. Nhìn xa hơn, lãi suất phải ổn định trong một thời gian nhất định để người dân, doanh nghiệp có thể lên kế hoạch đầu tư kinh doanh. Nghĩa là phải trả lời câu hỏi: sang năm lãi suất có giữ được không? Hay giảm bây giờ, rồi sang năm lại tăng?...

Tham chiếu quá khứ, lạm phát hiện tại so với cùng kỳ là 5,34%, so với cuối năm ngoái là 2,22%. Đây là con số thấp. Tuy nhiên lạm phát của bảy tháng đầu năm nay so với bảy tháng năm ngoái vẫn tăng 11%. Nguy cơ tiềm ẩn của lạm phát vẫn chưa hết.

Còn nếu lạm phát như phương án ba, thì giảm lãi suất là điều không tránh khỏi!

Đừng để niềm tin chấp chới

Nhiều ngân hàng cho biết đến nay tăng trưởng tín dụng vẫn giẫm chân tại chỗ. Những tháng còn lại của năm 2012 phấn đấu tín dụng tăng 1%/tháng, tức cả năm khoảng 6%, không dễ. Cái không dễ nằm ở chỗ vốn không thiếu, mặt bằng lãi suất đã bằng mức năm 2007 – năm trước khủng hoảng – song sản xuất và sức mua không còn là vùng trũng để vốn chảy vào. Hậu quả của việc giảm tổng cầu quá mạnh từ tháng 2-2011 đến tháng 3-2012 đã khiến sức mua kiệt quệ.

Thời điểm này cả tín dụng và chi tiêu ngân sách đang được đẩy ra. Quan trọng không phải là số tiền ra bao nhiêu, mà là ra như thế nào, chi tiêu làm sao. Giới tài chính tính toán giải ngân đầu tư công hết quí ba cần phải đạt 70-75% chỉ tiêu thì mới xử lý được hàng tồn kho, hỗ trợ sản xuất. Chi tiêu đầu tư công không nên dồn sang quí bốn bởi khi đó độ trễ của nó sẽ ảnh hưởng tới lạm phát năm sau. Tín dụng cũng không cần phải “ăn dồn ăn cố”. Nền kinh tế vừa qua một thời gian “ăn kiêng” để chống lạm phát, nay có nên lại đụng đũa dồn dập đến những món kiêng đó khi mà cơ thể chưa phục hồi hẳn?

Tăng trưởng đang là mơ ước của nhiều quốc gia, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Nhưng để có được mức tăng trưởng cao các năm trước, nền kinh tế đang phải trả giá. Kinh tế đã phải thắt lưng buộc bụng, đánh đổi, thậm chí một số lĩnh vực phải “hy sinh” để có được lạm phát hợp lý. Nếu lạm phát năm nay ước 6% và tăng trưởng kinh tế dự báo khoảng 5,5% thì có thể chấp nhận không? Và trên hết, niềm tin vào tiền đồng đang được gây dựng, đừng để sự khởi đầu đó chấp chới, nguội dần rồi mất đi!

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   Điểm mặt ngân hàng “dính” vào doanh nghiệp lỗ trên sàn (10/08/2012)

>   Ngân hàng "vòi tiền" khi doanh nghiệp vay vốn? (10/08/2012)

>   Hai mặt của “nới“ tín dụng bất động sản (10/08/2012)

>   Phá rào cản tín dụng (09/08/2012)

>   NHNN ban hành Thông tư 23 về chế độ điều hòa và giao dịch tiền mặt (09/08/2012)

>   Doanh số giao dịch VNĐ và USD trái chiều nhau (09/08/2012)

>   Chứng khoán - Ngân hàng: Từ ngang hàng thành lệ thuộc (09/08/2012)

>   Lãi suất giảm, ngân hàng sống bằng gì? (09/08/2012)

>   Mua nợ xấu của ai? (09/08/2012)

>   Tỷ giá tăng không quá 2% (09/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật