Dịch vụ ngoại hối sẽ dần thu hẹp?
Nhiều khả năng các dịch vụ ngoại hối thời gian tới cũng sẽ tiếp tục kém hấp dẫn bởi chủ trương của Chính phủ là tiếp tục kiểm soát thị trường ngoại hối và NHNN đang điều hành chính sách theo hướng chuyển dần giao dịch huy động và cho vay sang mua – bán ngoại tệ.
Để bù đắp nguồn thu từ tín dụng đang ngày càng sụt giảm, các TCTD đã, đang đẩy mạnh mảng dịch vụ. Đã có một thời gian doanh thu từ các dịch vụ liên quan tới ngoại tệ rất cao và thực sự là “cứu tinh” mỗi khi tăng trưởng tín dụng thấp. Thế nhưng, hiện các dịch vụ liên quan tới đồng USD và ngoại tệ nói chung lại có phần “lép vế”.
Dịch vụ ngoại tệ giảm, trước hết là từ sự lu mờ của đồng USD. Hiện lãi suất huy động USD đối với dân cư tối đa là 2%/năm, với tổ chức là 0,5%/năm. So với mức huy động VND ngắn hạn 9%/năm và trung dài hạn từ 11% đến 12%/năm thì lãi suất huy động USD quá thấp. Lãi suất thấp đã làm giảm sức hấp dẫn của đồng USD. Và hệ quả là, nhiều người dân đã “quay lưng” với USD, chuyển sang VND, kéo theo đó, hoạt động mua bán USD cũng giảm hẳn.
Ảnh: MH
Xét trên khía cạnh quản lý Nhà nước thì đây được xem như thành công sau hàng loạt các giải pháp của Chính phủ và NHNN từ cuối năm 2011 đến nay nhằm ổn định vĩ mô; điều hành chính sách tỷ giá, ngoại hối theo hướng giảm dần đô la hóa trong nền kinh tế, nâng cao vị thế VND. Bên cạnh đó, NHNN đã phối hợp với công an, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử phạt các siêu thị, đại lý, cửa hàng niêm yết giá bán các mặt hàng bằng ngoại tệ, và những địa điểm mua bán ngoại tệ tự do. Và khi vĩ mô ổn định, tỷ giá ổn định, sự hấp dẫn của USD không còn như trước. Thị trường ngoại tệ không sôi động, khiến doanh thu từ các dịch vụ ngoại hối cũng kém hấp dẫn, khiến các ngân hàng không mặn mà với việc phát triển các dịch vụ này.
Chẳng hạn, với một trong những ngân hàng đứng đầu hệ thống về cung ứng dịch vụ ngoại tệ là Vietcombank, thì doanh số mua bán ngoại tệ của ngân hàng tính đến 31/7 chỉ đạt 17,7 tỷ USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ. Đặc biệt, huy động vốn ngoại tệ của Vietcombank liên tục sụt giảm. Tỷ trọng huy động vốn ngoại tệ so với tổng vốn huy động giảm liên tục: từ 46,2% năm 2008 xuống còn 29,2% năm 2011; và đến hết tháng 7/2012 chỉ còn 24,8%. Theo lý giải của Vietcombank, nguyên nhân của sự sụt giảm trên chủ yếu là do suy giảm của nền kinh tế, nên xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, đã tác động tới huy động ngoại tệ. Đồng thời, chính sách chống đô la hóa của NHNN làm giảm mức độ nắm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế. Nếu như thời điểm này những năm trước, các ngân hàng rầm rộ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn cho người gửi USD, đón nguồn kiều hối cuối năm, thì năm nay đã giảm đi rất nhiều. Còn Phó tổng giám đốc một NHTMCP cho rằng, với lãi suất huy động ngoại tệ hiện nay, sức hấp dẫn của đồng USD yếu khiến cho ngân hàng thiếu mặn mà với các dịch vụ liên quan tới ngoại hối.
Và nhiều khả năng các dịch vụ ngoại hối thời gian tới cũng sẽ tiếp tục kém hấp dẫn bởi chủ trương của Chính phủ là tiếp tục kiểm soát thị trường ngoại hối và NHNN đang điều hành chính sách theo hướng chuyển dần giao dịch huy động và cho vay sang mua – bán ngoại tệ. Thậm chí, đã có ý kiến cho rằng, nên quy định kiều hối chuyển về nước cũng chỉ được rút ra bằng VND. Chống đô la hóa sẽ là mục tiêu ưu tiên của Chính phủ và NHNN, và đương nhiên các dịch vụ ngoại hối sẽ thu hẹp dần trong tương lai.
Chí Kiên
thời báo ngân hàng
|