Ngân hàng: Ai cứu, cứu ai?
Nợ cũ khó thu hồi, vốn mới không giải ngân được, các ngân hàng đang tìm mọi cách tự cứu mình trước khi quá muộn. NHNN hành xử thế nào khi các NHTM "vượt rào" để thoát nạn?
NHNN yêu cầu các NHTM thực hiện trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa) là lãi suất huy động cộng tối đa 3%/năm. Bên cạnh đó, các NHTM lớn cũng đạt được thỏa thuận: đối với các lĩnh vực khác, mức cộng tối đa không quá 6%/năm (tức khoảng 18%/năm). Lãi suất cho vay đã giảm nhưng tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm tiếp tục ở mức âm gần 2%, trở thành mối lo ngại không chỉ cho hệ thống ngân hàng mà cả nền kinh tế. Như vậy, mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 6% trong năm nay là rất khó đạt được.
Nợ: Ðảo hay không cũng mặc!?
Khách hàng của ngân hàng đang chia thành hai nhóm chính: Nhóm có nhu cầu vay nhưng còn nợ cũ chưa trả nên không được vay; Nhóm không có nhu cầu vay do lãi suất vẫn quá cao, hoặc do hàng tồn kho còn nhiều. Đối với nhóm thứ nhất, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT NHTMCP BIDV cho rằng, nếu khách hàng thu xếp được tiền trả nợ cũ, ngân hàng sẽ tiếp tục cho vay với lãi suất hiện tại và định kỳ hạn trả nợ phù hợp hơn. "Cũng không nên truy cứu tiền trả nợ đó từ đâu ra…", ông Hà nói. Vay chỗ này để trả chỗ kia, vậy có phải đảo nợ không? Ông Trần Xuân Châu, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cho rằng, chưa có một khái niệm chính thức về đảo nợ. Đảo nợ được hiểu thông thường là vay NHTM này để trả ngân hàng khác. Vốn vay không đi vào sản xuất, kinh doanh thực thụ thì mới là vấn đề. "Nếu thanh tra, kiểm tra ra chúng tôi sẽ có thái độ đối với NHTM đó. Còn nếu cho vay để sản xuất kinh doanh thì không thể gọi là đảo nợ được…", ông Châu nói. Như vậy, có thể hiểu NHNN muốn đích đến của đồng vốn là vào sản xuất kinh doanh, cho dù đường đi của nó có hơi "lắt léo"! Một vấn đề khác, để khuyến khích khách hàng vay vốn, nhiều NHTM đã chấp nhận kéo dài thời hạn cho vay hơn trước. Ví dụ, cho vay ngắn hạn trước đây là dưới 6 tháng, thì nay được kéo dài thành dưới 12 tháng. Điều này sẽ thuận lợi hơn cho người vay, nhưng khiến rủi ro của ngân hàng tăng. Lãnh đạo một NHTM lớn đã đề nghị: Thay vì quy định khi NHNN xét cấp tín dụng, cho mở chi nhánh…, nợ xấu của tổ chức tín dụng phải dưới 3%, thì nay cần nới tỷ lệ này lên 5% và cho thời hạn 3 - 5 năm để NHTM cơ cấu, xử lý nợ xấu.
Ngọn lửa bất ổn âm ỉ cháy
UBND TP.HCM vừa chỉ định BIDV là nhà đầu tư thực hiện dự án khu nhà thấp tầng (khu dân cư phía nam đại lộ Đông - Tây) trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm TP.HCM. Đây chính là giải pháp cấp bách nhằm gán nợ bằng dự án cho những khoản Thành phố đã vay, trong đó có vay từ nguồn BIDV, chủ yếu dùng để đền bù giải tỏa toàn bộ khu quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm. Cấp bách, vì chỉ tính riêng năm nay, số nợ gốc ước tính Thành phố phải trả hơn 4.000 tỷ đồng và lãi vay phải trả là hơn 1.000 tỷ đồng (tính ra TP.HCM phải trả khoảng 3 tỷ đồng/ngày!).
Thay vì phải rút dần khỏi các lĩnh vực đầu tư phi tài chính, xu hướng đầu tư ngoài ngành của các ngân hàng có nguy cơ tăng trở lại |
Từ ví dụ điển hình này, nhìn rộng hơn thì thấy: hơn 60% tài sản khách hàng dùng thế chấp vay ngân hàng hiện là bất động sản. Giá bất động sản sụt giảm, thị trường đóng băng, khách hàng có muốn bán nhà, đất để trả nợ cho ngân hàng cũng không bán được. Lãi mẹ đẻ lãi con. Ngân hàng lo khách hàng phá sản thì ngân hàng chỉ là đồng chủ nợ, chờ xử lý để xếp hàng thu nợ e rằng quá lâu và rắc rối. Ví dụ, theo quy định khi khách hàng mất khả năng trả nợ, ngân hàng sẽ phát mại tài sản thế chấp để thu hồi vốn cho vay. Nhưng giờ, bất động sản bán cho ai? Hơn nữa, để xử lý món nợ theo hướng phát mại tài sản, trước đây cũng phải mất vài ba năm. Giai đoạn này chắc chắn phải chờ lâu hơn. Nếu khách hàng nhượng lại cho ngân hàng chính tài sản hình thành từ vốn vay (như trường hợp của UBDN TP.HCM nói trên), sẽ tiện cả đôi đường - khách hàng trả được nợ (tất nhiên bị ép giá), ngân hàng thu được vốn. Cách này có thể áp dụng cho cả các trường hợp gán nợ bằng các "sản phẩm" đa dạng khác. Và không chỉ dùng để giải quyết những món đã cho vay, một số NHTM áp dụng giải pháp này ngay cả với món cho vay mới: cho vay với điều khoản nợ sẽ được chuyển thành vốn góp trong một số trường hợp nhất định... Như vậy, thay vì phải rút dần khỏi các lĩnh vực đầu tư phi tài chính, xu hướng đầu tư ngoài ngành của các NHTM có nguy cơ tăng trở lại. Vấn đề ở chỗ, theo quy định hiện nay, tỷ lệ đầu tư ngoài ngành của các tổ chức tín dụng không được quá 30% vốn điều lệ. Vậy NHNN sẽ xử lý thế nào những trường hợp NHTM vượt rào này?
Trong khi đó, theo kế hoạch hành động của ngành ngân hàng (vừa được NHNN ký ban hành tháng 4/2012) nhằm triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011 - 2015 - trong phần nhiệm vụ cơ cấu lại tài chính, hoạt động và quản trị của các tổ chức tín dụng - NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phải từng bước thoái vốn đầu tư vào những ngành, lĩnh vực phi tài chính hoặc lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro (lộ trình 2012-2014). Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các tổ chức tín dụng xây dựng cơ chế: đối với một số công trình, bất động sản thế chấp ngân hàng ở tình trạng sắp hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán sẽ được Chính phủ xem xét mua lại để phục vụ cho mục đích an sinh xã hội và hoạt động của các cơ quan nhà nước… Ông Trần Xuân Châu NHNN còn cho biết, ngoài các biện pháp giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, mua bán nợ…, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN xây dựng giải pháp tổng thể cho các khoản nợ của doanh nghiệp không có khả năng cơ cấu; nợ đang xử lý khi doanh nghiệp không hoạt động nữa. Văn bản này sẽ được ban hành trong nay mai.
Không chỉ doanh nghiệp cần cứu, mà các NHTM cũng đang lâm nạn và cần được cứu. Chỗ trên "con thuyền" cứu nạn chỉ có hạn, hẳn NHNN sẽ phải cứu ngân hàng này mà không cứu ngân hàng kia. Vì thế, các NHTM đang tìm cách tự cứu mình trước khi quá muộn. Ngọn lửa bất ổn trong hệ thống ngân hàng đang âm ỉ cháy!
Lãi suất huy động bằng VND
đang phổ biến ở mức 2,5-3%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; có kỳ hạn dưới 1 tháng là 3,5-4%/năm; từ 1 tháng trở lên là 11,5-12%/năm. Lãi suất cho vay VND đối với các lĩnh vực ưu tiên là 13,5-16,5%/năm, thấp nhất 12%/năm; 14,5-18%/năm đối với sản xuất kinh doanh khác; 17-20%/năm đối với lĩnh vực phi sản xuất. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng USD ở mức 6-7,5%/năm; trung và dài hạn 7,5-9%/năm. Giao dịch trên thị trường liên ngân hàng chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn như qua đêm và 1 tuần. Lãi suất giao dịch giảm từ 0,22% (kỳ hạn 2 tuần) đến 3,27% (kỳ hạn 6 tháng). |
Thái Thanh
diễn đàn doanh nghiệp
|