Thứ Tư, 16/05/2012 15:52

Dòng chảy tín dụng gặp nút chặn

Trần lãi suất cho vay đã được áp dụng 15%/năm, đồng thời xu hướng lãi suất đang giảm dần…, song ngân hàng vẫn khó khơi thông dòng chảy tín dụng.

Mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ít hơn năm trước, song do hoạt động của doanh nghiệp (DN) không mấy khả thi, nên nhu cầu vốn giảm, nhất là khi áp lực lãi suất còn ở mức cao. Chính điều này đã khiến tín dụng của không ít ngân hàng tăng trưởng âm kể từ đầu năm đến nay và nhiều khả năng tình trạng này chưa sớm được cải thiện.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Đại hội đồng cổ đông thường niên cuối tuần qua, ông Phạm Trung Cang, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Chủ tịch Hội đồng Tín dụng Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, trước tình hình khó khăn chung của toàn ngành và tín dụng tăng trưởng âm 4 tháng đầu năm, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Eximbank cũng âm 5%. Đồng thời, theo ông Cang, tiến độ giải ngân vốn hiện khá chậm, kể cả với các gói vốn lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng DN trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, DN nhỏ và vừa và cả phát triển công nghiệp phụ trợ…

“Không phải đến lúc này, trần lãi suất cho vay mới giảm xuống 15%/năm, mà chúng tôi đã thực hiện chính sách điều chỉnh giảm dần lãi vay xuống mức phù hợp trước đó. Thậm chí, nếu khách hàng đáp ứng tốt điều kiện tín dụng, Eximbank còn cho vay với mức lãi suất thấp hơn trần áp dụng hiện nay. Thế nhưng, rất khó tìm được khách hàng tốt để trao vốn trong bối cảnh này”, ông Cang nhấn mạnh.

Sở dĩ khó tìm được khách hàng tốt để giải ngân trong lúc này, theo ông Cang, là do DN có sức khỏe tốt, dự án kinh doanh khả thi chưa muốn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh khi sức tiêu thụ hàng hóa trên thị trường sụt giảm mạnh.

Do đó, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhận được 17% trong năm nay, ông Cang cho biết, khó có thể đạt được, nếu diễn biến thị trường từ nay đến cuối năm không được cải thiện.

Áp lực lãi suất cũng là một trong những yếu tố làm giảm khả năng hấp thụ vốn, nhưng lãnh đạo các ngân hàng cho biết, rào càn lớn nhất đối với DN lúc này chính là đầu ra của sản phẩm bị thu hẹp, hàng tồn kho tăng. Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), ông Lý Xuân Hải cho hay, yếu tố lãi suất không phải là quyết định duy nhất đối với DN trong bối cảnh hiện nay. Theo ông Hải, mức lãi vay cho khách hàng DN tốt hiện còn 15-16%/năm được xem là phù hợp hơn.

Thế nhưng, tình hình giải ngân vốn tại ACB cũng khá chậm. Trong khi đó, vốn khả dụng đang dôi dư khá nhiều. Bốn tháng đầu năm nay, tăng trưởng dư nợ tại ACB không như kỳ vọng, còn huy động vốn vẫn tăng trưởng khá tốt. Vì thế, với chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ nhận được 17% trong năm nay, ACB cho biết, phải rất nỗ lực mới có thể đạt được.

Theo ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank, quý I/2012, dư nợ tín dụng của HDBank đã âm 5%. “Do nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là với những DN có dự án khả thi không tăng. Còn cho vay ra bằng mọi giá, thì ngân hàng không dám, bởi rủi ro nợ xấu đang có xu hướng tăng”, ông Đặng nói và cho biết, tỷ lệ nợ xấu tại HDBank cuối năm qua được kiểm soát dưới 1,63%, nhưng đã tăng lên so với cuối năm 2010. Mục tiêu kiểm soát nợ xấu của HDBank trong năm nay là dưới 2,5%. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 là 10%.

Tính đến giữa tháng 4/2012, tín dụng của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng âm 2%. Tổng giám đốc OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, muốn tăng được dư nợ trong lúc này là rất khó, vì DN chưa có nhu cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh mới.

Chính vì thế, vốn khả dụng của ngân hàng, vốn đã dôi dư, nay càng thừa nhiều hơn.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nợ xấu tăng là rào cản đối với tín dụng. Nợ xấu đang có xu hướng tăng dần, nhất là với những ngân hàng đã cho vay nhiều vào lĩnh vực bất động sản, do đó, song song với việc xử lý 9 ngân hàng thương mại yếu kém, Ngân hàng Nhà nước cũng nên giải quyết vấn đề nợ xấu của hệ thống. Có như vậy, tăng trưởng dư nợ mới cải hiện.

Còn theo một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, nếu tình hình tín dụng tiếp tục thụt lùi, khả năng các ngân hàng thương mại phải nâng khả năng chấp nhận rủi ro để cho DN vay và phải cho vay giá rẻ hơn để giải ngân vốn, nhằm đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận đã xây dựng và trả cổ tức cho cổ đông, bởi nhiều khả năng, Chính phủ sẽ dừng bán tín phiếu và các ngân hàng thương mại sẽ hết cách dùng tiền vốn đang dư thừa quá nhiều.

Thùy Vinh

đầu tư

Các tin tức khác

>   Giám đốc Fitch Ratings: “VN hạ lãi suất quyết liệt là thích hợp” (16/05/2012)

>   Đừng huy động vàng! (16/05/2012)

>   Thủ tướng bổ nhiệm mới Phó Thống đốc NHNN (16/05/2012)

>   SeABank giảm lãi suất: Quảng bá một đằng, thực hiện một nẻo (16/05/2012)

>   Không được báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại hối (16/05/2012)

>   Ngân hàng lại ồ ạt huy động vàng (16/05/2012)

>   “Dị bản” tăng trưởng tín dụng? (16/05/2012)

>   Lãi suất 15%: Khó tìm được tiếng nói chung (15/05/2012)

>   Có thể mở rộng diện áp trần lãi suất cho vay (15/05/2012)

>   Lãi suất thị trường mở giảm còn 5,8% (15/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật