Lãi suất 15%: Khó tìm được tiếng nói chung
Ngân hàng muốn giải ngân. Doanh nghiệp muốn được vay với lãi suất thấp. Thế nhưng cả hai dường như vẫn chưa tìm được tiếng nói chung vì nhiều lý do.
Bắt đầu từ ngày 8/5, Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất cho vay là 15%. Những tưởng đây sẽ là thông tin quí giá với nhiều doanh nghiệp. Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp lại khó tiếp cận nguồn vốn có mức lãi suất vay thấp.
Tại TP Đà Nẵng, cho đến thời điểm hiện nay, hầu như chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn với mức lãi suất 15%. Các ngân hàng vẫn cho rằng sẵn sàng cho doanh nghiệp vay nếu có phương án kinh doanh tốt, nhưng xem ra với tình trạng hiện nay, khó có doanh nghiệp nào đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng.
Lấy ví dụ ở Techcombank. Nhằm góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn về tài chính trong bối cảnh diễn ra nhiều biến động khắt khe của nền kinh tế, Ngân hàng Techcombank đã dành nguồn tín dụng lên đến 4.000 tỉ đồng cho khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất áp dụng chỉ còn từ 15%.
Thế nhưng cho đến thời điểm này, tại chi nhánh Techcombank Đà Nẵng, chưa có một doanh nghiệp nào tiếp cận được với nguồn vốn này. Tình hình cũng tương tự với các chi nhánh ngân hàng cổ phần khác ở thành phố Đà Nẵng.
Tình hình cũng tương tự ở SeABank. Theo ông Lê Văn Minh, Giám đốc Ngân hàng SeABank, chi nhánh Đà Nẵng, sở dĩ có hiện tượng này là do “các doanh nghiệp bây giờ rất khó hấp thụ vốn”.
“Thực tế là rất nhiều khách hàng vay vốn mới để trả nợ cũ, chứ rất it là vay để mở rộng kinh doanh sản xuất hoặc thực hiện phương án kinh doanh mới”.
Ông Minh cũng cho biết, bản thân các ngân hàng cũng chủ động đi tìm và làm việc với các khách hàng tốt để cho vay vốn theo tiêu chuẩn của ngân hàng “tuy nhiên đến nay chúng tôi cũng chưa sử dụng được nguồn quỹ cho vay vì khó tìm được khách hàng tốt”.
Theo một số ngân hàng tại thành phố Đà Nẵng, vấn đề không phải là các ngân hàng không mặn mà cho vay với mức lãi suất 15% mà thật sự các ngân hàng cũng đang rất cần các doanh nghiệp tốt để có thể cho vay vốn. Thế nhưng quan trọng là phải đảm bảo tính thu hồi vốn trong khi nhiều doanh nghiệp hiện đang bị nợ xấu vì hàng tồn kho không thể cho vay được.
Nhiều câu hỏi cũng đã được đặt ra để tìm được tiếng nói chung cho ngân hàng và doanh nghiệp. Và một vấn đề lại được khơi mào: Phải chăng kích cầu mới là giải pháp cốt yếu hiện nay để cứu doanh nghiệp và khơi thông dòng vốn?
Về vấn đề này, ông Lê Văn Hiểu, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ TP Đà Nẵng cho rằng: “Chúng tôi hiểu rằng đây là giai đoạn đệm để ngân hàng thu xếp cho doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận lãi suất này. Nhưng cho vay nên không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có tiền để sản xuất mà trước hết phải khơi thông nguồn vốn”. Nói cách khác, theo ông Hiểu, ngân hàng cần cho vay để doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho.
Ngân hàng có cái lý riêng của ngân hàng, doanh nghiệp lại dính vào cái khó chung của thực trạng sản xuất kinh doanh hiện nay. Thực tế là ngân hàng hiện đang rất thận trọng trong việc cho vay và doanh nghiệp cũng không thể tiếp cận được vốn.
Các doanh nghiệp cho rằng đây chính là thời điểm để ngân hàng thể hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng doanh nghiệp. Và nếu ngân hàng nào thực hiện tốt việc này thì hình ảnh, thương hiệu của ngân hàng sẽ được cộng đồng doanh nghiệp nhớ đến và ghi nhận…
Quỳnh Anh
vtv
|