Ngân hàng: “chân ga vướng chân phanh”
Trần lãi suất cho vay 15%/năm đã có hiệu lực, nhưng tốc độ giải ngân của các ngân hàng vẫn rất chậm.
Đã có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có cơ chế để “ép” ngân hàng thương mại bơm vốn ra thị trường với lãi suất thấp. Song đa phần các ngân hàng đều không tán thành ý kiến này.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Vốn và Kinh doanh vốn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói thẳng, không ngân hàng nào thích trần lãi suất. Bởi lãi suất chính là giá của rủi ro, rủi ro thấp thì lãi suất thấp, rủi ro cao thì phải áp lãi suất cho vay cao. Nếu mức lãi suất không đánh giá đúng mức độ rủi ro, không bù đắp được mức độ rủi ro, ngân hàng sẽ không cho vay. Ngân hàng chỉ chấp nhận cho vay lãi suất thấp với doanh nghiệp có rủi ro thấp, còn những doanh nghiệp chưa có uy tín, thương hiệu, chưa minh bạch, không có chiến lược cho vay mà ép ngân hàng phải cho vay theo trần lãi suất thì rủi ro sẽ rất lớn.
Đồng tình với ý kiến này, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho hay, hiện các ngân hàng rất muốn đẩy mạnh cho vay, bởi tín dụng là nguồn lãi chính của các ngân hàng hiện nay song lại vướng quy định quản trị rủi ro. Vì vậy, ngay trong từng ngân hàng cũng xảy ra “cuộc chiến” giữa bộ phận kinh doanh và bộ phận quản lý rủi ro.
Ông Trương Gia Tú, Phó Giám đốc khối Quản trị rủi ro, Ngân hàng Techcombank ví von, hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro của ngân hàng giống như chân ga và chân phanh trên ô tô. Không ai dám đi xe có chân ga mà không có chân phanh. Yêu cầu của ngân hàng là đến đích an toàn nhưng không quá chậm, lúc nào đường đi thông thoáng, kinh tế suôn sẻ thì nhấn ga nhanh hơn, còn lúc nào đường gồ ghề, kinh tế khó khăn thì phải phanh chậm lại.
Không đồng tình với ý kiến ngân hàng cần giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ông Simon Morris, Tổng Giám đốc Techcombank cho rằng, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cần phải đạt các mục tiêu lợi nhuận mà cổ đông yêu cầu nên không thể chia sẻ lợi nhuận cho các doanh nghiệp khác. Hơn nữa, lúc ngân hàng khó khăn thì cũng không có ai đứng ra “gánh lỗ” giúp ngân hàng.
Nguyên nhân lớn nhất khiến các ngân hàng e ngại tăng trưởng tín dụng là hệ thống quản trị rủi ro của ngân hàng trong nước còn yếu. Việc áp trần lãi suất huy động và cho vay ở Việt Nam càng khiến rủi ro này tăng cao, vì không phản ánh đúng bản chất giá vốn của ngân hàng. Đại diện ngân hàng HSBC, BIDV cho rằng, Việt Nam cần đưa ra những cơ chế quản lý rủi ro tốt hơn bởi hệ thống quản lý rủi ro của Việt Nam còn yếu.
Ông Quỳnh lấy ví dụ, BIDV muốn mở văn phòng đại diện ở Hồng Kông, nhưng đành rút lui vì chính quyền sở tại yêu cầu chứng minh Việt Nam áp dụng 25 nguyên tắc của Basel II và chứng minh NHNN có điều kiện thực thi một cách thực chất các chính sách này trên thị trường.
Được biết, từ năm 2011 đến nay, nhiều ngân hàng ở Việt Nam đã chi nhiều triệu USD cho công tác quản trị rủi ro. Tuy nhiên, nợ xấu gia tăng cũng khiến trích lập dự phòng rủi ro của hệ thống ngân hàng được dự báo sẽ tăng đột biến trong năm nay.
Thùy Liên
đầu tư
|