Sản xuất khó có cửa vay vốn
Trần lãi vay 15% đã có, 4 nhóm đối tượng ưu tiên cũng rõ ràng, hệ thống ngân hàng (NH) thì đang thừa vốn... Mọi yếu tố đều thuận lợi nhưng vốn vẫn không thể chảy vào sản xuất.
|
Doanh nghiệp và ngân hàng vẫn rất khó gặp nhau |
Nhiều rào cản
Khi trần lãi vay 15% có hiệu lực, rất nhiều DN đã vui mừng với hy vọng có thể tiếp cận được vốn rẻ hơn. Nhưng họ đã mừng quá sớm. Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, việc NHNN nâng chuẩn cho vay đã cản chân DN trong việc tiếp cận vốn NH. Đơn cử như yêu cầu bằng mọi giá phải có tài sản thế chấp mới cho vay vốn. Chúng ta đều biết, hầu hết tài sản của DN đã được thế chấp nên họ không thể đáp ứng yêu cầu này. "Tiệm cầm đồ cho vay dựa vào tài sản thế chấp nhưng NH cho vay phải dựa vào người vay, thế chấp chỉ là phụ. Tiệm cầm đồ và NH khác nhau ở chỗ đó. Việc coi thế chấp là điều kiện số 1 để thông qua một hồ sơ vay vốn khiến các NH của ta giống như tiệm cầm đồ" - ông Dương ví von.
Việc coi thế chấp là điều kiện số 1 để thông qua một hồ sơ vay vốn khiến các NH của ta giống như tiệm cầm đồ
TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM |
Tương tự, quy định còn nợ quá hạn là không cho vay. Lãi cao, tiêu thụ không được, DN chết vì nợ nần thì không thể tránh được nợ quá hạn. Để gỡ cái này, NHNN cũng cho gia hạn nợ nhưng rất ít DN được gian hạn. Hay quy định không có tài chính minh bạch (theo cách nhìn của NH) cũng không cho vay. 3 cản trở lớn này khiến vốn không thể chảy vào sản xuất.
Dấu hiệu rõ ràng nhất là LS trên thị trường liên NH (nơi các NH vay mượn nhau) đang ở mức thấp kỷ lục, chỉ khoảng 4% - 5% nhưng các NH vẫn đẩy mạnh cho vay. LS trái phiếu cũng chỉ ở mức 10% nhưng tiền đổ vào đây cũng rất lớn. Tín dụng NH đổ vào 2 thị trường này thể hiện rất rõ tâm lý thận trọng của các NH. Họ thà cho nhau vay với LS thấp nhưng an toàn còn hơn cho DN vay với LS 15% nhưng rủi ro cao.
Trần lãi vay quá cao
Nếu chỉ "nhìn" qua, trần lãi vay 15% mà NHNN đưa ra khá ổn trong bối cảnh nhiều DN phải vay với mức LS 17% - 18%, thậm chí 20%. Nếu trần vay 15% áp dụng rộng rãi thì không có gì phải bàn. Nhưng mức LS này chỉ áp dụng cho 4 nhóm đối tượng ưu tiên mà với nhóm này, thị trường hiện đã áp dụng mức lãi vay 14%. Có nghĩa là, việc áp trần lãi vay 15% của NHNN đã đẩy LS cho vay lên cao hơn so với thực tế.
Quan trọng hơn là với biên độ 3% (chênh lệch giữa huy động và cho vay), chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra trần lãi vay thấp hơn mức 15% hiện nay để phục vụ mục tiêu hạ lãi suất, cứu DN của Chính phủ. Nhưng với cách tính khá khôn ngoan, NHNN vẫn giữ một biên độ lợi nhuận lớn cho các NH thay vì gỡ khó cho cộng đồng DN đã kiệt quệ. Cụ thể, cách tính trần lãi vay của NHNN là lấy lãi suất huy động 12% + biên 3% = 15%. Nhưng trên thực tế, lãi suất huy động có nhiều mức tùy kỳ hạn gửi trong đó mức 12% là cao nhất, thấp nhất là 4%. Theo tính toán của một chuyên gia trong ngành NH, nếu tính bình quân, lãi suất tiền gửi chỉ rơi vào khoảng 9% - 10% - 11% tùy NH, cộng biên 3%, chúng ta hoàn toàn có trần lãi vay khoảng 12% - 13% chứ không phải mức 15% hiện nay. Thật khó hiểu khi mục tiêu là nhằm hạ lãi suất và tiếp vốn cho DN nhưng NHNN lại chọn mức huy động cao nhất để tính trần lãi vay như nói trên.
Kích cầu để tháo tồn kho
NH sợ rủi ro nên không muốn cho vay, DN thì khó "nuốt" nổi chuẩn cho vay để tiếp cận vốn. Điểm dừng kỹ thuật giữa 2 đối tượng này đang cần một cầu nối, đó là bàn tay của nhà nước. Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, NHNN chỉ đạo là cho vay đúng chuẩn là hoàn toàn đúng nhưng kết quả DN không tiếp cận được vốn. Tất nhiên, không ai dám nói cho vay dưới chuẩn. Nhưng DN chỉ có thể có phương án kinh doanh tốt nếu giải quyết được hàng tồn kho. Để tháo gỡ vướng mắc này và đưa DN và NH gặp nhau, cần có sự vào cuộc đồng bộ nhanh của các bộ, ngành. Trước mắt, phải kích được sức cầu trên thị trường. Cầu ở đây gồm cả nhà nước và người dân. Về phía nhà nước, đẩy nhanh việc phân bổ chi đầu tư xây dựng cơ bản, tăng tốc giải ngân để tiêu thụ các mặt hàng xi măng, sắt thép… Cơ quan chức năng cũng sớm thông qua việc bổ sung 1.000 tỉ đồng cho vay đầu tư kiên cố hóa kênh mương, nuôi trồng thủy sản… Chủ trương đã có, vấn đề là thực hiện nhanh để "tháo" tồn kho đang ngày càng tăng cao. Tháo được tồn kho, DN mới có dòng tiền, mới trả được nợ để vay mới, mới có tài sản để thế chấp, mới đáp ứng được chuẩn mà NHNN đề ra, mới tiếp cận được vốn...
Một vấn đề quan trọng là hạ trần lãi vay. Như phân tích nói trên, chúng ta chấp nhận biên độ 3% giữa huy động và cho vay, mức chênh lệch này cũng đủ cho NH có lợi nhuận nhưng trên cơ sở tiền gửi bình quân chứ không phải chọn mức cao nhất như cách mà NHNN đã làm. Chỉ có như vậy, mục tiêu gỡ khó cho DN về vốn, về LS mới thực hiện được.
Sự yếu kém của hệ thống ngân hàng
Sự yếu kém của hệ thống NH hiện nay cũng là rào cản khiến vốn khó vào sản xuất. NH của ta luôn có tâm lý, chỗ nào thịt nạc thì ăn, mỡ thì bỏ nên vốn dồn cho doanh nghiệp nhà nước cho an toàn. Đó là lý do, thị phần NH quốc doanh tăng lên. NH quốc doanh cho DN quốc doanh vay, NH cổ phần thì gom tiền cho chính mình, tất nhiên không phải là tất nhưng đa số là thế. Vậy đối tượng còn lại thì ai phục vụ? Vậy làm sao vốn chảy vào những chỗ mà chúng ta mong muốn được.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương |
Nguyên Hằng
THANH NIÊN
|