Thứ Tư, 09/05/2012 23:09

Thoát hiểm nhờ mua bán nợ: Cần có thị trường chính thức

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 20 công ty quản lý nợ, quy mô còn nhỏ. Để lĩnh vực này phát triển, cần sớm thúc đẩy hình thành thị trường chính thức kèm theo các điều kiện pháp lý thông thoáng.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng mua bán nợ đã diễn ra tại Việt Nam từ năm 1990 đến nay, song song với quá trình xử lý nợ của các ngân hàng (NH). Hoạt động này diễn ra ngay trong điều kiện bình thường nhưng đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế cần cải tổ, xử lý các vấn đề khủng hoảng NH.

Ngày càng sôi động

Trước khi mua nợ Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco), Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC, thuộc Bộ Tài chính) đã mua nợ để thực hiện tái cơ cấu đối với 42 doanh nghiệp (DN), trong đó có Công ty Mía đường Sơn La, Công ty Mía đường Kon Tum, Công ty Công trình Giao thông 677…

Riêng Công ty Mía đường Sơn La đã ở giai đoạn “trọng bệnh”, tỉnh Sơn La mất gần 5 năm nỗ lực giải cứu mà không thành. Sau khi được DATC mua lại nợ xấu và thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, nhiều DN đã bắt đầu có lãi, trả dần nợ. Một vài DN tuy còn lỗ nhưng mức lỗ đã giảm rất nhiều so với trước khi bán nợ.

Tính đến nay, DATC đã mua được gần 7.000 tỉ đồng nợ tồn đọng, trong đó hơn 90% là nợ được mua từ các NH thương mại Nhà nước và khoảng 92% được mua từ năm 2007 đến nay gắn với tái cơ cấu DN khách nợ. Việc mua bán nợ gắn với tái cơ cấu các DN khách nợ đã giúp đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ với các NH, qua đó giúp các NH thương mại xử lý nhanh lượng nợ lớn tồn đọng, nâng cao năng lực tài chính.

Ngoài DATC, tại Việt Nam, hiện có khoảng 20 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc các NH thương mại có chức năng tiếp nhận và xử lý nợ xấu cho các NH mẹ. Trong quý I năm nay, hoạt động mua bán nợ trở nên sôi động hơn do ngày càng có nhiều DN phá sản, ngừng hoạt động. Nhiều tổ chức mua bán nợ của các NH thương mại đã xúc tiến giao dịch để giải quyết nợ xấu của các DN nhằm cứu DN và ổn định “sức khỏe” cho chính NH cho vay.

Sẵn cung nhưng thiếu cầu

Tuy vậy, thị trường mua bán nợ ở Việt Nam đến nay vẫn chưa lớn mạnh, tầm vóc chưa tương xứng với yêu cầu thực tế, nhất là khi đã có hơn 90.000 DN phá sản, đóng cửa trong 16 tháng qua. Thực tế này đòi hỏi phải đẩy mạnh việc hình thành thị trường mua bán nợ chính thức.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, nguồn lực để thực hiện mua bán nợ hiện nay còn yếu nên trên thị trường mua bán nợ, cung đã có nhưng cầu lại chưa sẵn sàng. Một mình DATC với vốn điều lệ hơn 2.000 tỉ đồng không thể đáp ứng nổi nhu cầu được cứu của rất nhiều DN đang thoi thóp.

Năng lực tài chính của những công ty quản lý nợ và khai thác tài sản cũng như  các công ty cổ phần quản lý quỹ hiện nay còn khá khiêm tốn. Vì thế, theo TS Lê Đăng Doanh, cần thành lập ngay quỹ mua nợ xấu DN. Quỹ này sẽ mua lại nợ của các DN đang khó khăn nhưng vẫn có hướng ra như có dự án kinh doanh tốt, công nghệ tốt, nhiều lao động giỏi…

Theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, mua bán nợ là hoạt động đỉnh cao của hệ thống tài chính, đòi hỏi tính chuyên nghiệp và chịu trách nhiệm về đồng vốn của mình nên tốt nhất DN hoạt động trong lĩnh vực này phải là các đơn vị tư nhân. Hiện tại, một số NH thương mại đã thành tập đoàn tài chính, công ty mua nợ (công ty con) nhưng các NH thương mại lại chưa có thói quen bán nợ xấu, thiếu chuyên môn về quản trị... Ngoài ra, tại Việt Nam mới chỉ có mua bán nợ dưới dạng tài chính, chưa có đội ngũ nhân sự tham gia làm mới, thay đổi cấu trúc công ty để hoạt động hiệu quả hơn.

Cũng theo ông Hiển, trước đòi hỏi cấp bách về tái cấu trúc NH, DATC hiện chưa đủ lực. Vì vậy, nên kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư, các định chế tài chính nước ngoài. Đặc biệt, phải có hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động mua bán nợ. TS Võ Trí Thành cho rằng trong hoàn cảnh đặc biệt, Nhà nước cần can thiệp về kỹ thuật và giám sát việc mua bán nợ để giảm thiểu thiệt hại. Đây là cách một số nước như Mỹ, Nhật Bản… đã làm.

Nên “tăng lực” cho DATC

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam, cho biết kiến nghị về hình thành thị trường mua bán nợ đã từng được đề cập nhưng tính khả thi thấp vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, hành lang pháp lý khá ngặt nghèo, không nới rộng cho tất cả các thành phần kinh tế, ngay cả khi mở ra thì cũng không nhiều đơn vị có đủ khả năng tài chính để đảm đương vì tính rủi ro trong hoạt động kinh doanh đặc thù này rất cao. Nên chăng Nhà nước cho phép DATC được mua nợ của các DN với quy mô lớn, sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, có khả năng hồi phục nếu được xử lý nợ xấu.

Tô Hà - Thanh Nhân

Người lao động

Các tin tức khác

>   Tuần đầu tháng 5: Doanh số giao dịch liên ngân hàng bằng VNĐ và USD đồng loạt giảm (09/05/2012)

>   Thống đốc: Cơ bản đã kiểm soát được các ngân hàng yếu kém (09/05/2012)

>   NHNN giảm nhanh tần suất phát hành tín phiếu (09/05/2012)

>   Tín dụng đen (09/05/2012)

>   Ngân hàng và doanh nghiệp: Cháo múc cùng lúc với trao tiền (09/05/2012)

>   Lãi suất trên liên ngân hàng xuống dưới 4%/năm (09/05/2012)

>   Nhà băng Việt 'kết hôn' với ngân hàng ngoại: Bên kia bờ ảo vọng? (09/05/2012)

>   Gia hạn phát hành chứng chỉ vàng - Nơi huy động lại, nơi ngưng (09/05/2012)

>   Ngân hàng với hội chứng “dao hai lưỡi” (09/05/2012)

>   Kiểm soát nội bộ NH: Tùy tiện, mỗi nơi một kiểu (09/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật