Thứ Sáu, 11/05/2012 21:14

Phối hợp chặt giữa chính sách tài khóa và tiền tệ

Ngày 11/5, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) và Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đã tổ chức Hội thảo Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều tiết kinh tế vĩ mô

Ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phát biểu nhấn mạnh: Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là hai công cụ quan trọng trong điều hành, quản lý kinh tế vĩ mô của bất kỳ một quốc gia nào, nhất là trong thời điểm nền kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Hai chính sách này tuy có những chức năng riêng, nhưng lại có mối quan hệ mật thiết và tác động qua lại lẫn nhau trong việc thực hiện mục tiêu kinh tế chung của mỗi quốc gia. Sự phối hợp giữ hai chính sách này nhằm đưa nền kinh tế vận hành đúng quy luật của nền kinh tế thị trường, khai thác được động lực to lớn của nền kinh tế thị trường phục vụ phát triển.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, sự phối hợp này sẽ gặp phải những vấn đề phức tạp về mức độ, thời điểm, cách thức và cơ chế vận hành nhằm nhận được những tác động qua lại, cùng chiều và tối ưu nhất của hai chính sách này nhằm đồng thời phục vụ hai mục tiêu: ổn định và phát triển. Vấn đề cơ bản là cần phối hợp hai chính sách này như thế nào cho hợp lý và tối ưu.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, sự phối hợp của hai chính sách này là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ nhằm góp phần thực hiệncó hiệu quả mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn suy giảm, kiểm soát lạm phát và bảo đảm tăng trưởng bền vững trong bối cảnh Việt Nam chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo đó, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng và liên tục được điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô trong từng giai đoạn, còn chính sách tài khóa được hoàn thiện theo hướng bảo đảm thống nhất, minh bạch và công bằng.

Các chuyên gia đều cho rằng, về cơ bản, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong giai đoạn 2008 -2011 đạt được sự nhất quán về mục tiêu điều hành, cùng mở rộng để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế và cùng thắt chặt để kiểm soát lạm phát.

Theo Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, sự phối hợp của hai chính sách vĩ mô này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa nhịp nhàng. “Lúc chính sách tiền tệ lại quá chặt, tài khóa lại mở rộng quá; có lúc tín dụng mở rất nhanh nhưng tài chính lại mở chậm. Liều lượng và mức độ sử dụng các công cụ từng thời kỳ giai đoạn chưa tạo ra sức mạnh kết hợp tổng thể.”

Phó giáo sư, tiến sĩ Tô Kim Ngọc và Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Thị Tuấn Nghĩa, Học viện Ngân hàng đồng quan điểm khi cho rằng hai chính sách này chưa có sự phối hợp trong việc hoạch định và thực hiện mục tiêu chính sách ở tầm ngắn hạn và dài hạn, sự phối hợp trong việc sử dụng các công cụ còn hạn chế. Do vậy cần có sự cân đối ngân sách lành mạnh và tích cực để đảm bảo tính bền vững của ngân sách. Chính sách tài khóa cần thực hiện quyết liệt hơn, đặc biệt là trong vấn đề giảm chi tiêu công; tránh tình trạng chính sách tài khóa duy trì theo hướng “bảo thủ” trong khi chính sách tiền tệ liên tục đảo chiều ở mức độ cao theo những biến động của nền kinh tế.

Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính cho rằng, để giữ ổn định an ninh tài chính cần phải phối hợp đồng đồng bộ. Cụ thể là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức đấu thầu trái phiếu Chính phủ (thời gian, khối lượng, lãi suất…), tránh gây nên sự bất ổn cho thị trường tài chính và nền kinh tế như những năm qua. Bên cạnh đó, cũng cần điều chỉnh cân đối chi ngân sách nhà nước thường xuyên và chi đầu tư, tinh giảm bộ máy hành chính… góp phần giảm thâm hụt ngân sách và nâng cao tính an toàn cho tài chính quốc gia.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ nay đến năm 2020, hai bên cần thiết lập cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin thường xuyên, tin cậy giữa các đơn vị chức năng của hai cơ quan để kịp thời nắm bắt. Bộ Tài chính cần cung cấp thường xuyên, kịp thời cho Ngân hàng Nhà nước các thông tin liên quan đến quá trình hoạch định, điều hành chinh sách tiền tệ, nhất là điều hành lượng tiền cung ứng, lãi suất, như: Dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, kế hoạch điều hành thu, chi ngân sách nhà nước hàng quý; kế hoạch bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước… Phía Ngân hàng Nhà nước cũng cần cung cấp thường xuyên, kịp thời cho Bộ Tài chính các thông tin liên quan trực tiếp đến quá trình theo dõi, nắm bắt và hoạch định, điều hành chính sách tài khóa./.

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Tiền giả polymer quý một giảm hơn 32% (11/05/2012)

>   Agribank lên tiếng vụ 'đòi nợ tập thể' (11/05/2012)

>   Lãi vay tín chấp vẫn 24-25% một năm (11/05/2012)

>   Khi nợ xấu được giải quyết, tín dụng mới cải thiện (11/05/2012)

>   Lãi suất giảm về 10% mới "có ý nghĩa" (11/05/2012)

>   Sản xuất khó có cửa vay vốn (11/05/2012)

>   Tái cấp vốn cho ngân hàng qua hồ sơ tín dụng (10/05/2012)

>   Lãi suất liên ngân hàng giảm kỷ lục (10/05/2012)

>   Ngân hàng: Rủi ro mang tiền đổi lấy giấy (10/05/2012)

>   Khó vay lãi suất 15%/năm (10/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật