Xem xét “tháo van” tín dụng ngoại tệ
Thông tư 03 (ngày 2-5-2012) của NHNN hạn chế NHTM cho doanh nghiệp vay ngoại tệ với mục tiêu mua hàng trong nước, dù đó là doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ trong tương lai. Mới đây NHNN đã gia hạn hiệu lực thông tư này đến hết tháng 12-2012. Theo nhiều chuyên gia, NHNN nên sửa đổi Thông tư 03 để phù hợp với đặc thù kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Vẫn chuộng vay USD
Từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng ở nhiều NHTM chủ yếu là tín dụng ngoại tệ, bởi thị trường ngoại hối tiếp tục diễn biến theo xu hướng tích cực, tỷ giá ổn định nên nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp vẫn đang tăng.
Lãi suất cho vay tiền đồng hiện nay thấp nhất là 15%/năm, như vậy vay ngoại tệ lãi suất 6-7%/năm doanh nghiệp vẫn lợi và ít rủi ro hơn. Tuy nhiên, lượng khách hàng có nguồn ngoại tệ để tái tục vay lại ngoại tệ (xuất khẩu) hiện nay không nhiều.
Lĩnh vực xuất khẩu mang ngoại tệ về cho quốc gia là lĩnh vực cốt yếu của nền kinh tế nên phải đối xử với sự cầu thị. Theo đó, NHNN cần sửa Thông tư 03 quy định doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ được vay ngoại tệ trong nguồn ngoại tệ cân đối đủ, không cần thiết quy định sử dụng ngoại tệ trong hay ngoài nước. Việc quy định nguồn ngoại tệ đủ cân đối nhằm tránh hiện tượng doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ thu về trong tương lai 1 triệu USD nhưng đi vay 2 triệu USD, gây áp lực cầu ngoại tệ lên hệ thống. Riêng với doanh nghiệp nhập khẩu, tuyệt đối không cho vay USD.
TS. LÊ ĐẠT CHÍ, Trường Đại học Kinh tế TPHCM |
Một điểm đáng lưu ý trong Thông tư 03 là cho phép vay ngoại tệ với nhu cầu để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh để trả nợ vay.
Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu dù có nguồn thu ngoại tệ trong tương lai nhưng vay ngoại tệ để sử dụng trong nước cũng không được vay.
Riêng với những nhu cầu ngoại tệ khác thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các NHTM phải có văn bản chấp thuận của NHNN với những trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, mới đây NHNN đã cho phép gia hạn thời gian hiệu lực của Thông tư 03 đến tháng 12.
Ông Trần Xuân Quảng, Phó Tổng giám đốc Maritime Bank, cho rằng điều này có ý nghĩa hỗ trợ lớn với các doanh nghiệp, giúp họ có cơ hội giảm chi phí vốn hợp lý bởi vay ngoại tệ lãi suất vẫn thấp hơn trong khi tỷ giá đang tương đối ổn định.
Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể chủ động vay ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, hoặc sử dụng tiền đồng mua ngoại tệ từ NHNN để nhập hàng hóa, tạo nhiều lựa chọn tài chính giúp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi hơn.
Xu hướng tỷ giá và “nút thắt” cần tháo gỡ
Có thể thấy rủi ro tỷ giá là một trong những điều các doanh nghiệp và NHTM cân nhắc trong việc cho vay ngoại tệ. Với dự trữ ngoại hối của NHNN đang khá dồi dào, thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống khá tốt, hiện nay các NHTM mua ròng ngoại tệ từ khách hàng. Nhưng liệu về dài hạn tỷ giá có biến động hay không là vấn đề quan tâm hiện nay.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, giá USD trên thị trường thế giới có xu hướng tăng do phục hồi của nền kinh tế Hoa Kỳ khá rõ ràng. Ở nước ta giá USD có xu hướng ngược lại bởi nhập khẩu giảm mạnh do kinh tế bị đình đốn nên cán cân vãng lai thâm hụt rất thấp.
Trong khi đó, cán cân vốn thay đổi không đáng kể, nên có khả năng cán cân thanh toán quốc tế có thể thặng dư vài tỷ USD. Như vậy, dự đoán từ nay đến cuối năm sẽ không có điều chỉnh gì lớn với tỷ giá hối đoái và về căn bản tỷ giá hối đoái có thể tăng giảm vài % cũng không đáng kể.
Nhưng theo TS. Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TPHCM: “Bài toán tỷ giá phụ thuộc vào việc quản lý thị trường vàng của NHNN và chính sách kích cầu tăng tiêu dùng hiện nay.
Nếu giá vàng giảm theo giá thế giới nhưng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn cao sẽ còn gây áp lực lên tỷ giá, nhất là khi cầu mua vàng để cân đối trạng thái khi đã bán vàng bình ổn trước đây của nhóm NH G5+1 vẫn còn. Vì vậy, trong báo cáo của các định chế tài chính nước ngoài, ẩn số lớn nhất của Việt Nam đối với họ vẫn là tỷ giá”.
Có thể thấy, việc hạn chế tín dụng ngoại tệ chắc chắn sẽ giúp nước ta chống tình trạng đô la hóa. Với lãi suất cho vay VNĐ dù đang điều chỉnh xuống, nhưng nếu NHTM tiếp tục kéo giảm lãi suất cho vay VNĐ để rút ngắn chênh lệch giữa hai trạng thái vay vốn VND và ngoại tệ, các doanh nghiệp có thể quay trở về với tín dụng tiền đồng.
Do vậy, theo nhiều chuyên gia, việc chống đô la hóa là cần thiết, nhưng Thông tư 03 của NHNN sẽ gây khó cho doanh nghiệp. Ở nước ta doanh nghiệp thuần túy xuất khẩu và thuần túy nhập khẩu rất lớn.
Trong khi theo Thông tư 03, doanh nghiệp xuất khẩu không được vay ngoại tệ khi họ không có nhu cầu thanh toán hàng nhập khẩu mà chủ yếu mua nguyên liệu trong nước, chỉ doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu về để sản xuất và xuất khẩu mới được vay ngoại tệ với chi phí thấp.
Điều này sẽ khiến lợi nhuận doanh nghiệp xuất khẩu sụt giảm, làm triệt tiêu động lực kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu, trong khi các NHTM không bị rủi ro tín dụng và được hưởng khoản chênh lệch tiền từ lãi suất huy động và cho vay.
Thanh Thiên
sài gòn đầu tư tài chính
|